Vì sao ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi?

Thứ Sáu | 24/03/2017 09:16

Việc một số NHTM tăng lãi suất tiền gửi gần đây chủ yếu mang tính cục bộ tại nhóm NH vừa và nhỏ, nhằm cân đối lại nguồn vốn trung dài hạn.

Trong báo cáo chuyên đề “thanh khoản hệ thống ngân hàng (NH) và diễn biến lãi suất” do Công ty CP chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa phát hành, đã lý giải những động thái xung quanh việc một số NH thương mại “chạy đua” tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài gần đây.

Theo đó, mặt bằng lãi suất đang chịu sức ép tăng cục bộ khi tín dụng tăng nhanh hơn huy động kể từ đầu năm. Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến ngày 20-2, tín dụng toàn hệ thống NH tăng trưởng 1,23% so với cuối năm ngoái, gần gấp đôi so với mức tăng 0,65% của cùng kỳ nhưng huy động chỉ tăng 1,03%. Do đó, một số NH có nhu cầu thu hút nguồn vốn huy động từ dân cư đã điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào, tập trung ở nhóm NH cổ phần quy mô vừa và nhỏ.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến các NH điều chỉnh lãi suất huy động nhằm cân đối, sắp xếp lại cơ cấu nguồn vốn khi quy định trong Thông tư 06 của NH Nhà nước về giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50% chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2017. Dưới áp lực của quy định này, các NH nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn về thanh khoản hơn do tỉ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn trước đây của nhóm này thường cao hơn các NH lớn.

Theo phân tích của BVSC, ngay cả với các NH thuộc nhóm quy mô vừa, dù có thể chưa chịu sức ép về thanh khoản nhưng nếu muốn phát triển mạnh tín dụng vẫn phải tăng lãi suất các kỳ hạn dài để thu hút thêm vốn trung và dài hạn hoặc điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn ngắn để tăng giá trị tuyệt đối cho tổng nguồn vốn ngắn hạn. Cả 2 phương án này đều gây ra áp lực tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn dài hoặc ngắn.

Trong khi đó, lạm phát đã tăng khá nhanh ngay trong 2 tháng đầu năm tăng 0,7% cũng là nhân tố buộc các NH phải xem xét điều chỉnh biểu lãi suất huy động khi kỳ vọng của người gửi tiền thay đổi. Ngoài ra, áp lực từ lộ trình tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khi tăng lãi suất USD lên 0,75%-1% vừa qua và sẽ có 2 lần tăng tiếp trong năm nay và các lần tiếp theo vào năm 2018.

Việc trần lãi suất USD trong nước vẫn giữ ở mức 0% có thể khiến dòng kiều hối và đầu tư gián tiếp có sự đảo chiều ở mức nhất định. Dù vậy, theo BVSC, áp lực khi Fed tăng lãi suất mang tính tâm lý nhiều hơn, bằng chứng là giá USD trong các NH thương mại khá ổn định trong khoảng 2 tuần qua.

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu của BVSC đưa ra dự báo sức ép tăng lãi suất trong năm nay sẽ lớn hơn so với năm 2016. Nhưng sức ép này sẽ không quá căng thẳng nếu diễn biến tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong các tháng tới hạ nhiệt và lộ trình tăng lãi suất của Fed không có sự thay đổi quá lớn so với kỳ vọng của nhà đầu tư. Và diễn biến tăng đối với mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian gần đây chủ yếu mang tính cục bộ tại nhóm NH nhỏ, phần nhiều do hiệu ứng của Thông tư 06 chứ không phản ánh những khó khăn về mặt thanh khoản của cả hệ thống, hiện vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào.

Nguồn Người lao động


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày