WB: Kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi vượt bậc

Thứ Sáu | 04/12/2015 22:40

Theo đánh giá nghiên cứu của WB, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều cải thiện, đặc biệt Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi đáng kể từ TPP.

Trong báo cáo "Taking Stock" của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được những bất ổn kinh tế trong thời gian gần đây, và nhiều khả năng trong năm nay tăng trưởng GDP ước đạt 6,5%.

Kết quả này có được là do sự cải thiện trong tổng cầu nội địa tại Việt Nam, trong đó tiêu dùng cá nhân tăng mạnh cùng với sự phát triển của các dòng vốn đầu tư. "Nhu cầu trong nước tăng mạnh, hoạt động xuất khẩu được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, lạm phát được duy trì ở mức thấp và đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư đã phần nào giúp Việt Nam có được cơ sở vững chắc hơn cho tăng trưởng kinh tế trong trung hạn", bà Victoria Kwakwa hiện đang là Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) nhận xét.

"Đây là một thời điểm tốt để củng cố sự ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời tái xây dựng thể chế chính sách bao gồm các chính sách nhằm giảm thiểu sự thâm hụt ngân sách cũng như giải quyết những lỗ hổng còn sót lại trong ngành ngân hàng".

Xét về lĩnh vực thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì được sự phát triển mạnh mẽ, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, danh mục hàng hóa xuất khẩu đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt các sản phẩm mặt hàng công nghệ cao như điện thoại, thiết bị điện tử và sản phẩm máy tính.

Bản báo cáo cho rằng triển vọng trong trung hạn của Việt Nam có nhiều nét tích cực, với tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng lên và lạm phát được duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, việc chậm tiến độ trong cải cách cơ cấu kinh tế đặt ra nhiều rủi ro cho Việt Nam trong viễn cảnh tăng trưởng trong trung hạn. 

Quản lý vĩ mô của Việt Nam vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lại thể chế chính sách cũng như có các biện pháp nhằm đối phó với các cú sốc kinh tế trong tương lai bằng việc củng cố tài chính, cải cách trong tái cơ cấu kinh tế và hơn thế nữa là xây dựng, giảm thiểu các lỗ hổng trong hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, WB cũng đánh giá cao về Hiệp định thương mại tự do TPP, trong đó Việt Nam được kỳ vọng sẽ là nước đạt được nhiều lợi ích nhất.

"TPP sẽ không chỉ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường mới mà còn là một trụ cột quan trọng cho giai đoạn cải cách cơ cấu kinh tế tiếp theo ở Việt Nam", ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam nhận xét.

Trong số những thành viên tham gia TPP thì Việt Nam là nước có GDP tính trên đầu người thấp nhất. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một nước có nhiều lợi thế so sánh so với các nước khác, đặc biệt là trong ngành sản xuất thâm dụng lao động cao. Về tác động kinh tế, nhiều kịch bản cho thấy rằng TPP có nhiều khả năng sẽ giúp cho Việt Nam gia tăng GDP lên 8%, trong đó xuất khẩu ròng tăng 17% và tổng lượng vốn có thể tăng 12% trong vòng 20 năm tới. Mặc dù Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, nhưng không thể không phủ nhận rằng những lợi ích mà TPP mang lại cho Việt Nam là rất tích cực. 

Thiên Minh


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày