Xuất khẩu gỗ đón nhiều tín hiệu lạc quan trong năm 2019

Hà Linh Thứ Tư | 05/06/2019 13:58

Ảnh: Hawa.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.
Ảnh: Hawa.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 5 đạt 959 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu lâm sản 5 tháng đầu năm 2019 đạt gần 4,258 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, 4 tháng đầu năm 2019 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng rất mạnh, đạt 1,4 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2018. 

Hiện Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu lâm sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 87% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản. 

Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu lâm sản tăng trưởng tốt trong thời gian qua là việc Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực. “Khi kí hiệp định CPTPP, chúng ta có những ưu đãi về giá do thuế nhập khẩu giảm. Đây chính là lợi thế để xuất khẩu của Việt Nam tăng lên. Do đó, CPTPP là xúc tác góp phần làm cho kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của ngành chế biến gỗ nói chung mạnh hơn nữa” – ông Hiệp khẳng định.

Nhận định về tình hình xuất khẩu trong thời gian tới, ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng giám đốc công ty Đồ gỗ Hiệp Long cho biết: “Trong năm 2019, đơn hàng rất khả quan, hiện nay chúng tôi đã ký được những hợp đồng đến cuối năm. Tình hình đơn hàng rất ổn định. Chúng tôi đánh giá thị trường đồ gỗ trên thế giới rất rộng”.Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, khi mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 10/5/2019 cũng là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gỗ vào Mỹ.

Việc Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2019 cũng là một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam và EU đối với việc thúc đẩy thực hiện Chương trình "Thương mại và phát triển bền vững" của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU. Đây cũng sẽ là động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày