Giá ô tô trong nước sẽ giảm?

Trang Lê Thứ Ba | 03/12/2019 16:15

Ảnh: Quý Hòa

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, việc hạ giá thành ôtô trong nước đã được báo chí đề cập tới đại diện Bộ Công thương và Tài chính.
Ảnh: Quý Hòa

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019, vấn đề hạ giá thành ôtô trong nước đã được báo chí đề cập tới đại diện Bộ Công thương và Tài chính.

Nhiều câu hỏi được đặt ra từ giới báo chí từ thực trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước than khó về chính sách thuế, phí với ôtô nguyên chiếc, linh kiện sản xuất trong nước, gây khó khăn cho cạnh tranh và tăng tỷ lệ nội địa hóa. Có doanh nghiệp nói đã lỗ hàng trăm triệu đồng mỗi xe bán ra. Thuế phí khiến giá xe đội lên rất cao so với thu nhập người dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, đối với bất cứ quốc gia nào, nhất là những nước có đến 100 triệu dân như Việt Nam, ngành công nghiệp ôtô hết sức quan trọng. Thứ trưởng thừa nhận giá ôtô ở Việt Nam cao vì thuế phí hiện chiếm một phần tương đối lớn trong tỷ lệ tạo thành giá thành, rồi chi phí sản xuất lắp ráp ôtô trong nước đang khá cao.

Theo ông Hải, thứ nhất dung lượng thị trường ôtô Việt Nam còn nhỏ, chưa đủ điều kiện như các quốc gia phát triển. Trong khi đó, xe phải chịu cạnh tranh khốc liệt của các nước trong khu vực và thế giới như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc...Thứ hai, Việt Nam là nước đi sau, các chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô cũng phải tuân thủ các cam kết quốc tế, "không phải muốn làm gì thì làm". Thứ ba, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ khu vực và thế giới trong lĩnh vực công nghiệp ôtô.

Và cuối cùng là, tập quán kinh doanh ở các nước cho thấy doanh nghiệp FDI thường sử dụng doanh nghiệp sản xuất linh kiện tại chính quốc gia bản xứ của mình, do đó, thiếu sự gia nhập, kết nối giữa khối FDI và nội địa. Hiện, Việt Nam đang thiếu các vật liệu cơ bản để sản xuất, chế tạo ôtô như nhựa, cao su... nên phải nhập khẩu, giá thành cao.

 

Khi được hỏi về giải pháp cho vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết Chính phủ sẽ sửa biểu thuế, phí để tăng tính cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách sản xuất ôtô trong và ngoài nước, không để tình trạng thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, cao hơn cả nhập linh kiện về lắp ráp.

Bổ sung câu trả lời của ông Hải, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ tài chính, cho biết Chính phủ đã có Nghị định 125/2017 với một số ưu đãi ôtô sản xuất trong nước. Cụ thể, đã có ưu đãi 5 năm với mức thuế nhập khẩu 0% cho linh kiện phụ tùng mà trong nước không sản xuất được.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa đổi nghị định này để tạo thuận lợi hơn nữa. 

Bà Mai khẳng định, "Chúng tôi đề xuất quy định thuế suất 0% cho linh kiện, phụ tùng sản xuất ôtô trong nước, thậm chí cả nhập khẩu. Đây được kỳ vọng là một bước ưu đãi hơn cho doanh nghiệp".

Bên cạnh đó, ông Hải cũng chia sẻ, sẽ có các cơ chế thu hút chính sách đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia vào các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam nhưng tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ôtô đa quốc gia và hướng tới thị trường xuất khẩu trong khu vực.

Hiện, người tiêu dùng khi sở hữu một chiếc ô tô phải chịu những khoản thuế bao gồm: Thuế trước bạ, phí kiểm định, phí lấy biển số mới, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, phí bảo trì đường bộ và các khoản phí khác.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp sản xuất ô tô cũng chịu thuế cao với linh kiện sản xuất trong nước, thuế tiêu thụ đặc biệt… đã khiến giá xe ở Việt Nam cao so với thế giới.

Theo tính toán, hiện ô tô ở Việt Nam, có 3 loại thuế tác động lớn đến giá bán ôtô là: thuế nhập khẩu (với dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc), thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT.

Hiện linh kiện phục vụ sản xuất phải chịu thuế từ mức 5-20% tùy vào bộ linh kiện. 35-150%  + 10% VAT là thuế tiêu thụ đặc biệt tùy thuộc dung tích động cơ. Các chi phí cho mạng lưới đại lý, kênh phân phối dao động 10-20% cũng sẽ được tính vào giá xe.

Cuộc chiến mới trên thị trường ô tô

Không khí ngày càng ô nhiễm, xe máy điện sẽ có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam?


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày