Tài Chính

Giảm lãi suất "quá tam ba bận"

Minh Đức Thứ Hai | 03/07/2023 08:24

Trên thực tế, dù lãi suất điều hành đã được giảm 3 lần nhưng lãi suất cho vay đến nay vẫn còn cao đối với số đông doanh nghiệp. Ảnh: Quý Hòa

Giảm lãi suất và bơm tiền để thúc đẩy tăng trưởng là định hướng của chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Trên thực tế, dù lãi suất điều hành đã được giảm 3 lần nhưng lãi suất cho vay đến nay vẫn còn cao đối với số đông doanh nghiệp. Ảnh: Quý Hòa

Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định điều chỉnh giảm 0,5%/năm các mức lãi suất điều hành. Từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 4 giảm lãi suất điều hành với mục tiêu hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. “Hiện nay, nền kinh tế có một số trục trặc về khả năng hấp thụ vốn và trong đó có phần do chi phí lãi vay cao, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, việc giảm lãi suất sẽ phần nào tác động tích cực, thúc đẩy nhu cầu vốn tăng trở lại”, Tiến sĩ Châu Đình Linh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, nhận định.

Trên thực tế, dù lãi suất điều hành đã được giảm 3 lần nhưng lãi suất cho vay đến nay vẫn còn cao đối với số đông doanh nghiệp. Tuy có độ trễ nhưng giảm lãi suất điều hành là cần thiết, đặc biệt sẽ có tác động tích cực hơn trong nửa cuối năm. Điều này diễn ra trong bối cảnh kinh tế và doanh nghiệp đang khó khăn, sức hấp thụ vốn xuống thấp, dẫn đến tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế đầu năm nay thấp hơn các năm trước.

Theo đánh giá của các chuyên gia từ Ngân hàng HSBC, sau khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng của quý I/2023 giảm mạnh xuống còn 3,3% so với cùng kỳ năm trước, Việt Nam tiếp tục chuẩn bị cho những khó khăn lớn hơn. Mặc dù các chỉ số mới nhất cho thấy tình hình không đến nỗi xấu đi, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu “chạm đáy” để bật trở lại.

 

Thực vậy, dữ liệu lĩnh vực bên ngoài chậm lại vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng. Xuất khẩu tính từ đầu năm đến nay đã giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm trước, sự suy yếu thể hiện trong nhiều ngành hàng. Tất cả các ngành hàng chính như điện tử tiêu dùng, dệt may/da giày, máy móc và đồ nội thất gỗ đều sụt giảm mạnh 2 con số, chưa thấy dấu hiệu phục hồi đáng kể. Kết thúc quý I/2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 3,3% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng giảm 16,9% so với quý liền kề. Chính phủ thực sự quan ngại về tình trạng đình trệ sản xuất kinh doanh với sự đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp.

Bên cạnh sự cấp thiết trong hỗ trợ tăng trưởng, động thái tiếp tục hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phản ánh tâm thế tích cực về triển vọng lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Bởi vì, 2 yếu tố quan trọng tác động đến sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước gồm lãi suất điều hành đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), qua đó ảnh hưởng đến giá của Việt Nam; và áp lực lạm phát. Lạm phát gần đây đã xuống dưới 3% so với cùng kỳ năm trước. Mức này thấp hơn nhiều so với trần 4,5% nhờ giá năng lượng thế giới hỗ trợ và lạm phát lương thực trong nước được xoa dịu.

 

Hiện nay, dù tín dụng đã tăng trưởng nhanh trở lại từ nửa cuối tháng 3/2023, nhưng tính chung 5 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng chậm. Vì vậy, dự báo trong nửa cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ vừa bơm tiền, vừa hạ lãi suất điều hành. Tuy nhiên, một vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc chính là ổn định tiền tệ. Bất chấp đồng USD mạnh lên gần đây, đồng VND vẫn duy trì tương đối ổn định nhờ tình hình tài khoản vãng lai được cải thiện. Tuy nhiên, diễn biến của cặp tỉ giá VND/USD vẫn cần theo dõi sát sao vì FED nhiều khả năng chưa hoàn tất chu kỳ thắt chặt.

Về vấn đề này, trong Báo cáo tổng quan bức tranh kinh tế Việt Nam 5 tháng, World Bank đưa ra khuyến nghị: “Khi lạm phát có dấu hiệu giảm dần, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nới lỏng các chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ cần theo dõi chặt chẽ sự khác biệt trong xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam so với các nước khác, điều mà có thể tạo ra áp lực lên dòng vốn và tỉ giá”.

“Thuận lợi hiện nay là đồng USD vẫn ở trạng thái yếu, khó tăng giá so với đồng tiền khác. Khi đó, áp lực với tỉ giá Việt Nam không còn là mối quan ngại, các nhà điều hành Việt Nam có thể an tâm, qua đó nới lỏng tiền tệ, bơm tiền ra. Tuy nhiên, FED có thể chỉ còn 1 lần tăng lãi suất vào tháng 7 hoặc tháng 9, nếu lộ trình giảm lạm phát ở Mỹ không diễn ra nhanh. Mỗi lần FED tăng lãi suất sẽ tạo áp lực lên tỉ giá. Đây là rủi ro phải quan sát”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định.

Chuyên gia của Fulbright cũng đánh giá, tình hình kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục khó khăn dù con số chính thức cho thấy tăng trưởng. Bởi vì, mặc dù các dữ liệu cho thấy sản xuất có tín hiệu tích cực là tồn kho nhập khẩu giảm đơn hàng sẽ trở lại, nhưng điều này không chắc chắn. Trong quý I, chúng ta kỳ vọng sự mở cửa của kinh tế Trung Quốc giúp tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, nhưng sau cú hồi phục hậu COVID-19, kinh tế Trung Quốc đang yếu và họ cũng đang phải nới lỏng tiền tệ.

HSBC cũng giảm nhẹ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 5% (trước đây là 5,2%) sau khi xem xét mức độ suy giảm thương mại kéo dài và ảnh hưởng sâu rộng hơn kỳ vọng. Đồng thời, kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi đáng kể từ quý IV, đảm bảo sự hỗ trợ hơn nữa về chính sách tiền tệ. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ còn một đợt giảm 50 điểm cơ bản nữa trong quý III. Động thái này nhiều khả năng sẽ đưa lãi suất điều hành của Việt Nam xuống 4%, đảo ngược những nỗ lực thắt chặt trong năm 2022, đồng thời tương đương với mức giảm lãi suất trong suốt đại dịch. Mặc dù vậy, vẫn còn một khả năng không có thêm đợt cắt giảm lãi suất trong 6 tháng cuối năm 2023 trong trường hợp tăng trưởng chạm đáy và bật trở lại sớm hơn kỳ vọng”, báo cáo của HSBC nhấn mạnh.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày