Bất động sản

Bất động sản ngược dòng tìm lợi nhuận

Nguyễn Sơn Thứ Ba | 24/08/2021 07:30

Theo ghi nhận của DKRA Vietnam, phân khúc căn hộ tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh trong tháng 7/2021 lại ghi nhận sự tích cực so với tháng trước.

Dịch bệnh bùng phát không ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Theo ghi nhận của DKRA Vietnam, phân khúc căn hộ tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh trong tháng 7/2021 lại ghi nhận sự tích cực so với tháng trước.

Điển hình như Novaland công bố khoản lãi quý II tăng 50% lên 1.313 tỉ đồng, nâng tổng lãi sau thuế 6 tháng đầu năm lên 2.057 tỉ đồng. Theo chia sẻ của lãnh đạo Novaland, lợi nhuận tăng mạnh là nhờ doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản cải thiện so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, việc đánh giá lại phần sở hữu của Tập đoàn trong giá trị hợp lý của tài sản thuần thâu tóm lớn hơn chi phí bỏ ra giúp Tập đoàn ghi nhận khoản lãi từ giao dịch mua rẻ.

Hay Đất Xanh công bố khoản lãi ròng 298 tỉ đồng trong quý II, ngược lại với mức lỗ 556 tỉ đồng cùng kỳ năm trước. Doanh thu trong kỳ còn tăng 7, 5 lần, đạt 3.563 tỉ đồng. Một doanh nghiệp bất động sản khác là An Gia đạt doanh thu thuần 603 tỉ đồng trong nửa đầu năm, gấp 10 lần cùng kỳ và khoản lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt hơn 195 tỉ đồng, tăng 3%.

Kết quả kinh doanh tích cực trong bối cảnh giãn cách xã hội cũng xuất hiện ở Nam Long, Khang Điền. Đặc biệt, tại Vinhomes, lợi nhuận sau thuế quý II tăng gần 3 lần lên 10.232 tỉ đồng. Đây là mức lợi nhuận hằng quý xếp thứ 2 trong lịch sử của Vinhomes, sau kỷ lục của quý IV/2020. 

Việc có khá nhiều doanh nghiệp công bố lợi nhuận tăng trưởng dương khiến cho giới quan sát ngạc nhiên. Có được kết quả khả quan này nhờ quý II là thời điểm bàn giao sản phẩm và ghi nhận doanh thu của các phân khu đã bán trong quá khứ, tức lượng đặt mua trước đó. Ở Novaland, các dự án đóng góp vào kết quả quý II là Saigon Royal, Aqua City, NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm. Bên cạnh đó, các hoạt động khác như dịch vụ tư vấn, cho thuê cũng cải thiện 5,2% và đóng góp 14,6% vào tổng doanh thu.

Tuy nhiên, sau khi dùng hết lượng đặt mua này, mức độ ghi nhận doanh thu trong nửa cuối năm của các doanh nghiệp có thể sẽ gặp nhiều thách thức. Lý do là kể từ tháng 6, làn sóng giãn cách xã hội tại TP.HCM và nhiều địa phương miền Nam khiến cho các chủ đầu tư gặp khó trong khâu tổ chức sự kiện bán hàng hay gặp khách trao đổi.

Nỗ lực đối phó với thách thức này, ngay trong mùa dịch, một số chủ đầu tư đã kết hợp với các sàn môi giới tăng cường bán hàng và giới thiệu sản phẩm thông qua kênh online. Theo ghi nhận của DKRA Vietnam, phân khúc căn hộ tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh trong tháng 7/2021 lại ghi nhận sự tích cực so với tháng trước. Dù trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều hoạt động bị ngưng trệ nhưng thị trường vẫn có 5 dự án được mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 1.001 căn, tập trung chủ yếu ở TP.HCM và Bình Dương. Dù vậy, con số nguồn cung mới trong tháng 7 cũng chỉ bằng 28% so với cùng kỳ năm trước. 

Trên phân khúc nhà phố và biệt thự, Đồng Nai vẫn tiếp tục là khu vực chiếm tỉ trọng lớn về nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ toàn thị trường nhưng TP.HCM không có dự án nào mở bán. Nhiều chủ đầu tư phải thay đổi kế hoạch, thời gian bán hàng để phù hợp với lệnh giãn cách xã hội của Thành phố.

Vậy thị trường thời gian tới trông đợi vào điều gì để hứng khởi? Đó có thể là sự tăng trưởng bền vững của giá. Chia sẻ với NCĐT, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam, cho rằng lãi suất thấp khiến dòng tiền có xu hướng chảy vào các kênh chứng khoán và bất động sản. Giá bất động sản tại TP.HCM sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn khi nguồn cung nội thành ngày càng khan hiếm so với lượng cầu.

Đối với thị trường Hà Nội, mức tăng được dự kiến thấp hơn so với khu vực TP.HCM nhưng xu hướng tăng giá bán sơ cấp vẫn sẽ tiếp tục trong các năm tới, với việc nâng cấp định vị của các khu đô thị và hạn chế nguồn cung mới trong phạm vi từ khu trung tâm đến đường vành đai 3.

Nhiều chủ đầu tư phải thay đổi kế hoạch, thời gian bán hàng để phù hợp với lệnh giãn cách xã hội của Thành phố.
Nhiều chủ đầu tư phải thay đổi kế hoạch, thời gian bán hàng để phù hợp với lệnh giãn cách xã hội của Thành phố.

Tình hình dịch bệnh khiến chủ đầu tư và khách mua có tâm lý chờ đợi các tín hiệu khả quan hơn. Thị trường thứ cấp tại TP.HCM chứng kiến một số sản phẩm giảm giá nhẹ nhằm tăng tính thanh khoản nhưng chỉ ở phạm vi cục bộ. Tại thị trường Hà Nội, giá bán thứ cấp trung bình vẫn tăng theo năm trong quý II vừa qua, đặc biệt tại các dự án nằm ở khu vực có cải thiện về cơ sở hạ tầng. 

“Giao dịch trong quý III dự kiến trầm lắng hơn dưới tác động của dịch bệnh và lệnh giãn cách xã hội. Các chính sách hỗ trợ từ chủ đầu tư và nguồn cầu ổn định sẽ giúp hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục. Tuy nhiên, thời gian phục hồi chậm do thu nhập và tâm lý đầu tư bị ảnh hưởng tiêu cực”, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh nhận định.

Theo CBRE, cùng với động lực đến từ các dự án cơ sở hạ tầng tiếp tục được thi công ngay cả trong thời gian giãn cách, khu Đông và Nam dự kiến dẫn dắt thị trường căn hộ tại TP.HCM trong nửa cuối năm 2021 với giai đoạn tiếp theo của các dự án lớn đã ra mắt. Thị trường nhà phố xây sẵn nửa cuối năm 2021 sẽ sôi động tại thành phố Thủ Đức và huyện Nhà Bè. Các khu vực lân cận như Long Thành, Nhơn Trạch, Đồng Nai và Bến Lức, Long An có thể thu hút lượng lớn khách mua đầu tư từ TP.HCM nhờ hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt hoặc sắp triển khai.

Ở thị trường Hà Nội, phía Đông sẽ tiếp tục là một trong những khu vực cung cấp nguồn cung chính cho Thành phố. Nhờ cải thiện về hạ tầng kết nối như xây dựng đường vành đai 2 trên cao và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và phát triển hệ thống tiện ích, khu vực này chứng kiến lượng cầu khả quan trong vòng một vài năm trở lại đây.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày