Công Nghệ

Giải pháp an ninh mạng: Doanh nghiệp không đầu tư là điều dễ hiểu

Thứ Năm | 09/02/2017 09:07

Nửa đầu năm 2016, Việt Nam đã hứng chịu 127.000 cuộc tấn công mạng.

Theo thống kê của VNCERT, trong nửa đầu năm 2016, Việt Nam đã hứng chịu 127.000 cuộc tấn công mạng. Bà Lương Thị Lệ Thủy – Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam cho “đây là những con số rất đáng lưu tâm”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong chuyến kiểm tra công tác và chúc Tết Cục An ninh mạng Bộ Công an, đã cảnh báo về những rủi ro bị tấn công mạng trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão. Với góc độ chuyên môn, bà đánh giá thế nào về thị trường giải pháp an ninh mạng tại Việt Nam hiện nay?

Tại Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều cuộc tấn công có chủ đích (APT), xu hướng gia tăng các mã độc tống tiền ransomware, tấn công vào các thiết bị IoT như camera, SmartTV, sử dụng các mạng xã hội để phát tán mã độc, mạo danh và đánh cắp thông tin… Website của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp tục là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công.

An ninh bảo mật hiện là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam. Theo quan sát của chúng tôi, các lãnh đạo đang cân nhắc về việc đầu tư về bảo mật, công nghệ, giải pháp, quy trình, con người… ngày càng nhiều. Do đó, thị trường giải pháp an ninh mạng, bảo mật tại Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và mở rộng.

Tại Việt Nam, có tới 93% là DNNVV, nên đa phần họ thích thuê giải pháp an ninh mạng hơn là mua trọn gói, bà nói gì về điều này ?

Nếu đầu tư vào hệ thống an ninh bảo mật cần phải đầu tư vào giải pháp, quy trình và con người. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn thuê chứ không muốn đầu tư cũng là điều dễ hiểu.

Dịch vụ an ninh mạng mà Cisco cung cấp trong đó các chuyên gia an ninh mạng của Cisco sử dụng các công cụ phân tích và cảnh báo tiên tiến nhất, sẽ theo dõi, giám sát và phân tích tình trạng an ninh mạng của khách hàng 24/7 một cách chính xác, tập trung và nhanh chóng nhất. Bên cạnh đó chúng tôi còn cung cấp Dịch vụ Threat Awareness cho phép cảnh báo các mối đe dọa tiềm tàng đối với hệ thống mạng của khách hàng một cách kịp thời. 

Theo bà, phải làm sao để các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam vừa tự bảo vệ trước các cuộc tấn công mạng vừa tiếp tục tiến hành số hóa?

Bảo mật luôn là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp, tổ chức và càng trở nên đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên số hóa. Và an ninh cũng là ưu tiên hàng đầu của Cisco trong tất cả các giải pháp công nghệ của mình.

Để có thể bảo vệ chính mình trong kỷ nguyên số hóa với rất nhiều mối đe dọa tấn công, các doanh nghiệp và tổ chức cần nâng cao năng lực an toàn thông tin ở ba yếu tố cơ bản: con người, quy trình, và giải pháp công nghệ thông qua các khóa đào tạo, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, xây dựng quy trình đảm bảo an toàn thông tin và xử lý khi có sự cố, triển khai các giải pháp an toàn bảo mật một cách toàn diện.

Một cách tiếp cận như thế nào là phù hợp với thực tế DN Việt chưa mặn mà với các giải pháp an ninh mạng, cũng như quan tâm nhiều đến vấn đề bảo mật ?

Cisco có rất nhiều giải pháp nhưng thường chúng tôi nhắm vào giải quyết ba vấn đề khó khăn của khách hàng. Thứ nhất là Cisco sẽ giúp cho khách hàng nhận biết hiểm họa đang xảy ra với mình. Thứ hai là đội ngũ kỹ thuật của Cisco sẽ giúp bảo vệ an ninh mạng của khách hàng tốt hơn bằng cách biết được mối hiểm họa trước, trong và sau vụ tấn công đó. Thứ ba là các giải pháp của Cisco sẽ giúp khách hàng phản ứng nhanh hơn với tất cả những cuộc tấn công bên ngoài vào hệ thống.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay cuộc cách mạng số đang được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, theo bà những công nghệ nào tại thị trường Việt Nam giúp Việt Nam và các doanh nghiệp chuyển đổi theo xu hướng này?

Chuyển đổi số trong kỷ nguyên số hóa là một hành trình và để hiện thực hóa cần phải dựa trên một nền tảng công nghệ vững chắc. Chúng tôi có cơ hội làm việc với nhiều doanh nghiệp và tổ chức trên thế giới trong việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho mỗi đơn vị, giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt và áp dụng các xu hướng công nghệ chủ đạo hiện nay như vạn vật kết nối (IoT), an ninh mạng, điện toán đám mây, và phân tích dữ liệu… cho hành trình chuyển đổi số của mình. Chúng tôi đã xây dựng một bộ khung chuyển đổi số có thể áp dụng cho các doanh nghiệp, tổ chức trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Nói về giải pháp an ninh bảo mật, Cisco được xem là công ty hàng đầu trên thế giới, nhưng với điều kiện của thị trường Việt Nam, Cisco cạnh tranh với các công ty khác ở thị trường Việt Nam như thế nào ?

Mỗi năm chúng tôi chi ra gần 6 tỷ USD để phát triển công nghệ. Cisco tiếp cận an ninh mạng theo một kiến ​​trúc tích hợp, lấy mối đe dọa làm trung tâm cho phép các giải pháp an ninh mạng có thể đối phó với các mối đe dọa một cách thông minh và nhanh chóng tại bất kỳ điểm tương tác nào, với khả năng "nhìn thấy ngay tức khắc, ngăn chặn khắp mọi nơi". Các khả năng bảo mật được hợp nhất trong tất cả các sản phẩm và dịch vụ trong môi trường CNTT từ hệ thống mạng, trung tâm dữ liệu cho tới các thiết bị di động, giúp bảo vệ toàn diện trước, trong và sau cuộc tấn công.

Cảm ơn bà!

Hải Vân

Chuyển đổi số đang hiện hữu trong cuộc sống, nhưng thực tế mức độ quan trọng của chuyển đỏi số như thế nào và yếu tố gì để doanh nghiệp thành công khi chuyển đổi số. Một doanh nghiệp chuyển đổi số thành công phải gồm ba yếu tố: Nâng cao trải nghiệm cá nhân hóa của khách hàng, thay đổi cách vận hành và đản bao thời gian ra thị trường một cách nhanh nhất.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày