Cửa sổ quản trị

2/3 doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đông Nam Á không thể đảm bảo nguồn vốn kinh doanh

Hải Miên Thứ Sáu | 11/03/2022 16:53

Ảnh:TL.

Bất chấp sự bùng nổ của các DNNVV mới được thành lập trong hai năm qua, khả năng tiếp cận nguồn vốn vẫn là một rào cản bất biến.
Ảnh:TL.

94% các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong khu vực sẵn sàng thay đổi công ty tài chính để có thể sử dụng các dịch vụ tài chính mới hơn hoặc tốt hơn, và quan trọng là có nhiều trải nghiệm số;

Gần một nửa số DNNVV (48%) trong khu vực phải dựa vào nguồn vốn từ gia đình và bạn bè vì việc tiếp cận tài chính trong thời kỳ đại dịch trở nên vô cùng khó khăn;

75% các DNNVV trong khu vực quan tâm tới các dịch vụ cho vay thuần số.

Hơn hai phần ba (68%) DNNVV trên toàn cầu đã không thể đảm bảo có đủ hoặc có bất kỳ khoản vay nào ít nhất một hoặc nhiều lần trong 05 năm qua, theo một báo cáo mới của nền tảng ngân hàng đám mây Mambu.

Báo cáo 'Doanh nghiệp nhỏ, tăng trưởng lớn' đã khảo sát hơn 1.000 chủ DNNVV trên toàn cầu, những người đã sáng lập công ty và yêu cầu vay kinh doanh trong 05 năm qua. Báo cáo cho thấy sự phụ thuộc vào quan hệ cá nhân đã tăng 11% trên toàn cầu trong thời kỳ đại dịch, trong khi khả năng tiếp cận với nguồn vốn bên ngoài ngày càng trở nên hạn hẹp đối với các DNNVV.

Bất chấp sự bùng nổ của các DNNVV mới được thành lập trong hai năm qua, khả năng tiếp cận nguồn vốn vẫn là một rào cản bất biến, khi 32% trong số các doanh nghiệp này gặp khó khăn trong việc đảm bảo lượng vốn khởi đầu. Con số này tăng lên 33% đối với số DNNVV sắp khai trương.

Tại Đông Nam Á, gần một nửa (48%) DNNVV phải dựa vào bạn bè và gia đình để vay vốn. Trong số các DNNVV không thể đảm bảo đủ nguồn vốn, 40% gặp vấn đề về dòng tiền, 38% không thể tung ra sản phẩm hoặc dịch vụ mới, và 36% không thể thuê nhân công hiệu quả - một ảnh hưởng lớn trong bối cảnh 'Đại khủng hoảng lao động'.

Còn trên toàn cầu, đối với các DNNVV lớn hơn từ 101-250 nhân viên, việc không thể tiếp cận nguồn vốn đã hạn chế khả năng tuyển dụng (40%), mở rộng quy mô (36%) hoặc chi trả cho việc nâng cấp hoặc cải tiến vận hành (36%).

Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là DNNVV, thu hút hơn 5,6 triệu lao động. Vai trò của DNNVV là rất quan trọng với nền kinh tế quốc gia. Nhưng các DNNVV hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. 

Ảnh:TL.

Theo ông Phạm Quang Minh - Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam: “Thời gian qua đã có hàng chục nghìn DNNVV phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Năm 2020, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019. Còn 2 tháng đầu năm 2022, 32.700 doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là họ không có đủ vốn để tiếp tục kinh doanh. Trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn thông qua hoạt động tín dụng ngân hàng cũng vẫn gặp khó do chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Các DNNVV cần một hình thức cho vay mới để lấp đầy được khoảng trống tín dụng này”.  

Quan điểm của Mambu được đưa ra trong bối cảnh hình thức cho vay thay thế đang gia tăng, khi các DNNVV chuyển sang vay vốn từ các ngân hàng thuần số (challenger banks) và các công ty tài chính công nghệ (fintechs) để vượt qua các rào cản chung. Cơ hội cho các DNNVV mới thành lập là rất rõ ràng vì đại đa số (92%) các chủ doanh nghiệp này cho biết, họ sẵn sàng hợp tác với các công ty tài chính mới cung cấp nhiều dịch vụ số mới và đơn giản hơn. Con số này ở Đông Nam Á lớn hơn (94%).

Cũng theo ông Phạm Quang Minh - Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam: “Việc sẵn sàng thay đổi đối tác tài chính này cũng đến từ số lượng ngày càng gia tăng của các fintech trên thị trường tài chính. Ngay ở Việt Nam, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, số lượng các fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam tăng khoảng gần 4 lần, từ 40 công ty (năm 2016) lên tới 150 công ty (năm 2020), hoạt động trên nhiều lĩnh vực tài chính như thanh toán, chuyển tiền, cho vay, tài chính cá nhân…; mang đến cho DNNVV nhiều cơ hội tín dụng và dịch vụ mới. Các công ty tài chính cho vay kinh doanh cần khai thác sức mạnh của công nghệ mới và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ khách hàng muốn và cần, để duy trì sự thích ứng và cạnh tranh”. 

Báo cáo còn chỉ ra rằng gần một nửa (55%) DNNVV ở Đông Nam Á cho rằng lý do hàng đầu để thay đổi đối tác cho vay tài chính là các ưu đãi mới. Trong đó, 52% sẽ chuyển sang vay từ các công ty có giải pháp tài chính tốt hơn và 42% chọn các công ty cung cấp dịch vụ số tốt hơn. 

Trong khi đó, trên toàn cầu, nhu cầu tăng cao về các lựa chọn dịch vụ số có gắn liền đến đại dịch. Hai phần ba (66%) các DNNVV thành lập sau tháng 3/2020, và những doanh nghiệp sẽ ra mắt tới đây cho biết, dịch vụ số là tiêu chí quan trọng khi đi vay vốn, so với chỉ 53% doanh nghiệp thành lập trước ngày này.

Các tổ chức tài chính cần nỗ lực hơn nữa để đơn giản hoá quy trình duyệt vay - vốn còn tồn đọng rất nhiều thách thức. Nghiên cứu cho thấy thời gian đăng ký khoản vay có ảnh hưởng lớn đến việc DNNVV lựa chọn đơn vị cho vay.

86% các DNNVV ở Đông Nam Á cho rằng quy trình đăng ký đơn giản là một trong những tiêu chí quan trọng để đảm bảo nguồn tài chính bên ngoài, trong khi đó, lãi suất thấp vẫn là một yếu tố quan trọng hàng đầu (90%).

Khi nói đến việc cải thiện quy trình đăng ký khoản vay, phần lớn các DNNVV ở Đông Nam Á quan tâm đến việc xử lý quyết định cho vay nhanh hơn (87%), các điều kiện vay linh hoạt hơn (87%), các ưu đãi và dịch vụ phù hợp (86%), và yêu cầu tài sản thế chấp thấp hoặc không cần tài sản đảm bảo (86%).

Ông Richard Lim, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Retail Economics, cho biết: “Đại dịch đã mở ra những thay đổi to lớn về cách chúng ta làm việc, vui chơi và mua sắm, thúc đẩy quá trình dân chủ hóa kỹ thuật số và tác động của nó vẫn còn ảnh hưởng lớn trong toàn xã hội hiện nay. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn lại là một khía cạnh mà số hóa chưa phát triển được với tốc độ tương tự.Thông thường, các doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô nhanh chóng và nắm bắt cơ hội đều bị bóp nghẹt bởi các quy trình đăng ký mệt mỏi. Bị kìm hãm bởi các hoạt động chậm chạp và kém hiệu quả, các hoạt động cho vay hiện tại không còn phù hợp trong nền kinh tế số có nhịp độ nhanh như hiện nay”.

Các rào cản phổ biến nhất đối với việc đảm bảo nguồn vốn ở các DNNVV trên toàn cầu  là không đủ vốn ban đầu (30%), quá nhiều thủ tục giấy tờ và quy trình rườm rà trong quá trình cho vay (28%) và dòng tiền không được coi là đủ mạnh (27%).


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày