Doanh Nghiệp

Top 50 2021- Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội tăng nội lực bằng số hóa

Diễm Trang Thứ Năm | 21/10/2021 21:23

Các chỉ số kinh doanh trọng yếu của MB dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận mức cao mới trong năm 2021.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 bất ngờ xảy ra, tạo nên cuộc khủng hoảng chưa từng có cho nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu. Hàng loạt chuỗi sản xuất bị đứt gãy, hàng loạt quốc gia, doanh nghiệp suy thoái tăng trưởng, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng dương, khi Chính phủ khống chế tốt sự lây lan của đại dịch và trong lòng nền kinh tế, có nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị từ sớm giải pháp kinh doanh số và vì thế vượt qua được thách thức từ đại dịch. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội (MB, mã MBB) là một trong số đó khi có nhiều thay đổi để thích nghi với tình hình mới.

Chuyển đổi số 

MB là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng. Các cổ đông chính của MB là Viettel, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Ngoài dịch vụ ngân hàng, MB còn tham gia vào các dịch vụ môi giới chứng khoán, quản lý quỹ, kinh doanh địa ốc, bảo hiểm, quản lý nợ và khai thác tài sản bằng cách nắm cổ phần chi phối của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Sau 26 năm phát triển, Ngân hàng đã có mạng lưới khắp cả nước với 101 chi nhánh và 296 điểm giao dịch trải dài khắp 53 tỉnh, thành.

Sức bền và nội lực của MB được củng cố mạnh mẽ khi Ngân hàng chính thức thực hiện chiến lược chuyển dịch số từ năm 2017. Trong năm 2020, MB thu hút thêm 1,9 triệu khách hàng mới nhờ kênh số, trong khi ngân hàng này mất gần 20 năm để đạt mốc 4 triệu khách hàng.

Với mục tiêu trở thành ngân hàng tốt nhất trong việc phục vụ khách hàng theo phân khúc, MB đã hợp tác với các đối tác tư vấn hàng đầu thế giới và cho ra đời các mô hình kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế như MB Private (Dịch vụ Private Banking dành cho phân khúc khách hàng siêu giàu có), MB Priority (Dịch vụ Ngân hàng ưu tiên dành cho phân khúc khách hàng giàu có) và MB Modern Youth (Phục vụ phân khúc khách hàng hiện đại, phong cách).

Một loạt ứng dụng số đã ra đời để hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng như App MBBank, Biz MBBank và gần đây nhất là SmartBank - mô hình ngân hàng giao dịch tự động, cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch trước nay chỉ có thể thao tác tại quầy. Tính đến hết năm 2020, tỉ lệ giao dịch qua kênh số tại MB đạt mức 80%.

Số lượng khách hàng giao dịch qua App MBBank đạt hơn 2,2 triệu người dùng. Ông Lê Hữu Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MB, nhấn mạnh: “MB tiếp tục định hướng hoàn chỉnh mô hình tập đoàn tài chính trên ứng dụng nền tảng số hóa, củng cố kết nối hệ sinh thái khách hàng, dịch vụ, sản phẩm giữa Ngân hàng với các công ty thành viên để hoàn thành các mục tiêu chiến lược đã đề ra”.

Kết thúc năm 2020, lợi nhuận trước thuế của MB đạt 10.688 tỉ đồng, là năm thứ 2 liên tiếp ngân hàng này nằm trong nhóm các doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỉ đồng tại Việt Nam. 

Đẩy mạnh công nghệ

Chính thức khai trương hoạt động ngày 4.11.1994, MB luôn mang sứ mệnh “Vì sự phát triển của đất nước, vì lợi ích khách hàng”. Sau hơn 26 năm liên tục phát triển, MB đã chinh phục được mục tiêu vào top 5 ngân hàng thương mại về chất lượng hoạt động và hiệu quả và đang trong hành trình trở thành một ngân hàng thuận tiện nhất với khách hàng.

Với phương châm “củng cố nền tảng và chuyển đổi số, tăng trưởng toàn diện, hiệu quả và bền vững” nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành “ngân hàng thuận tiện nhất”, sau một năm thay đổi nhận diện thương hiệu, MB ghi nhận nhiều sự đổi mới khác, từ trụ sở làm việc đến yếu tố con người.

Về nhân sự, 3 nhân sự thế hệ 8x đã được bổ nhiệm vào Ban điều hành MB vào tháng 8.2020, bổ sung sức trẻ, sức sáng tạo cho đội ngũ điều hành. Theo ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc MB, việc có nhiều thế hệ trong dàn lãnh đạo cao cấp “tạo ra một đội ngũ vừa có sự chín chắn, giữ được văn hóa cần thiết của Ngân hàng, vừa có sự bền bỉ của lãnh đạo trung niên, vừa có sự nhanh nhẹn, sáng tạo”.

Trên hành trình tương lai, bắt nhịp với xu hướng phát triển của quốc tế, Tổng Giám đốc Lưu Trung Thái kiên định mục tiêu chuyển đổi số. Ông chia sẻ, trong vài năm tiếp theo, MB sẽ dành ra khoảng 50 triệu USD mỗi năm để đầu tư cho công nghệ. Lời khẳng định này từ Tổng Giám đốc MB là minh chứng cho quyết tâm chuyển dịch số. Đây là nền tảng để MB thực hiện mục tiêu trở thành “ngân hàng thuận tiện nhất” vào năm 2021, chinh phục khát vọng vươn tầm châu lục và thế giới của ngân hàng này.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày