Kinh Doanh

CPI tháng 2 tăng cao nhất 8 năm

Minh Anh Thứ Hai | 01/03/2021 15:53

Giá lương thực, thực phẩm và giá dịch vụ giao thông tăng trong dịp Tết là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng cao. Ảnh: phapluat.

CPI tháng 2 tăng 1,52% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong 8 năm gần đây.
Giá lương thực, thực phẩm và giá dịch vụ giao thông tăng trong dịp Tết là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng cao. Ảnh: phapluat.

Mặc dù dịch COVID-19 khiến tình hình kinh tế khó khăn nhưng sức mua trong dịp tết Nguyên đán vừa qua vẫn tốt. Theo Tổng cục Thống kê (GSO), việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kết thúc chương trình hỗ trợ giảm giá điện, giá lương thực, thực phẩm và giá dịch vụ giao thông tăng trong dịp Tết là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng cao.

Ảnh: https://www.gso.gov.vn/
Trong mức tăng 1,52% của CPI tháng 2 so với tháng 1, 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm giữ ổn định. Ảnh: gso.gov.vn.

Trong mức tăng 1,52% của CPI tháng 2 so với tháng 1, 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm giữ ổn định. Nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng cao nhất với 4%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,61%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng mạnh trong dịp Tết. Nhóm giao thông tăng 1,55% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu ngày 26.1 và 25.2.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2 chỉ tăng 0,7%, thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Bình quân 2 tháng đầu năm, CPI giảm 0,14% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,64%. Giá vàng trong nước tháng 2 biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24.2 giảm 2,7% so với tháng 1 do lợi suất trái phiếu tăng khiến vàng trở nên kém hấp dẫn.

Ảnh:
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2 chỉ tăng 0,7%, thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Ảnh: VTV.VN.

Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước tiếp tục giữ mức giá cao trước Tết, chưa kể đây là tháng có ngày Thần Tài nên nhu cầu mua vàng tăng. Chỉ số giá vàng tháng 2 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, nhóm giao thông tăng 1,55% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,9% do nhu cầu tiêu dùng và làm quà biếu tặng, chúc Tết. Riêng nhóm giáo dục không thay đổi.

Đồng USD trên thị trường thế giới giảm trong bối cảnh các đồng tiền ảo tăng mạnh thu hút các nhà đầu tư. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá USD tháng 2 giảm 0,17% so với tháng trước, giảm 0,33% so với tháng 12.2020 và giảm 0,76% so với cùng kỳ năm trước.

►Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2020 tăng 1,23% so với tháng 12/2019, cao nhất 7 năm


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày