Kinh Doanh

Ngành đồ gỗ lo vạ lây từ Trung Quốc

Mai Châu Thứ Tư | 08/12/2021 15:29

Kim ngạch thương mại hai chiều về các mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn, với thặng dư hiện tại đang nghiêng về phía Việt Nam. Ảnh: TL.

Trung Quốc là một trong ba thị trường quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam, cả về cung và cầu, cũng là nước mang lại nhiều rủi ro cho Việt Nam.
Kim ngạch thương mại hai chiều về các mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn, với thặng dư hiện tại đang nghiêng về phía Việt Nam. Ảnh: TL.

Kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc

Kim ngạch thương mại hai chiều về các mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn, với thặng dư hiện tại đang nghiêng về phía Việt Nam, ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia Tổ chức Forest Trends, nhận định tại buổi Tọa đàm “Thương mại gỗ Việt Nam – Trung Quốc: Cơ hội, thách thức và phát triển ngành gỗ Việt bền vững trong tương lai”.

Tuy nhiên, quy mô của thặng dư đang dần bị thu hẹp. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc thậm chí sụt giảm nhẹ từ năm 2020 đến nay trong khi kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào Việt Nam từ thị trường này đang tăng rất mạnh. Theo ông Phúc: “Nếu động lực xuất – nhập khẩu giữa 2 quốc gia duy trì như hiện nay, cán cân thương mại sẽ đạt tới vị trí cân bằng trong tương lai không xa”. Các nguyên liệu ván bóc/ván lạng, gỗ dán và các sản phẩm gỗ là các mặt chính mà Trung Quốc hiện đang xuất vào Việt Nam và có xu hướng tăng cao.

Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cũng cho rằng Trung Quốc là một trong ba thị trường quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam, cả về cung và cầu. Bình quân mỗi năm kim ngạch thương mại song phương của Việt Nam và Trung Quốc về các mặt hàng gỗ đạt khoảng 2 tỉ USD, với cán cân thương mại nghiêng về phía Việt Nam. Kim ngạch song phương đang tiếp tục mở rộng từ cả chiều xuất và nhập.

Ảnh:TL.
Năm 2018 kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam tương đương 43% kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này từ Việt Nam sang Trung Quốc nhưng tỷ trọng này tăng rất nhanh kể từ năm 2019 đến nay. Ảnh:TL.

Cụ thể theo ông Lập, năm 2018 kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam tương đương 43%, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này từ Việt Nam sang Trung Quốc trong cùng năm. Tuy nhiên, tỷ trọng này tăng rất nhanh kể từ năm 2019 đến nay: 54% năm 2019, 70% năm 2020 và tiếp tục ở mức 70% trong 9 tháng đầu năm nay.

“Nếu đà tăng trưởng trong nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam này được duy trì, kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc sẽ đuổi kịp với kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc trong tương lai không xa”, ông Lập nói.

Theo một báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ván bóc/ván lạng, gỗ dán và sản phẩm gỗ là các nhóm mặt hàng chủ đạo Việt Nam nhập khẩu trong thời gian gần đây. Các loại ván bóc/ván lạng nhập khẩu này chủ yếu được làm từ các loài gỗ như Bạch dương, gỗ Okoume, và Bintangor.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Các loại mặt hàng này nhập khẩu vào Việt Nam được sử dụng làm lớp mặt cho các loại ván, sau đó được đưa vào sản xuất gỗ dán để xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Ấn Độ,… hoặc chế biến tạo sản phẩm như tủ, bàn ghế xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU và để sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường trong nước.

Các mặt hàng ván bóc/ván lạng này ẩn chứa các rủi ro về mặt pháp lý về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, nguồn gỗ Bạch dương của Nga tiềm ẩn rủi ro về gỗ lậu và điều này cũng đã được cảnh báo trước đó. Hay gỗ có nguồn gốc từ châu Phi (trừ Nam Phi) được xác định là gỗ rủi ro về pháp lý. Luồng cung các mặt hàng ván bóc/ván lạng có nguồn gốc rủi ro này cản trở nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp ảnh hưởng tới hình ảnh của ngành gỗ Việt.

Đáng chú ý, các sản phẩm gỗ là nhóm mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong thời gian vừa qua. Tăng trưởng nhanh trong nhập khẩu mặt hàng này, đặc biệt trong bối cảnh từ lúc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung bắt đầu hình thành làm dấy lên các lo ngại về việc các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng Việt Nam làm quốc gia trung chuyển cho các mặt hàng của mình để xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh các thuế từ Mỹ đối với các mặt hàng từ Trung Quốc.

Nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội gỗ và Tổ chức Forest Trends cũng đã đưa ra cảnh báo về loại hình rủi ro trong gian lận thương mại đối với nhóm mặt hàng này, đặc biệt đối với mặt hàng tủ bếp được làm từ gỗ dán và bộ phận của ghế sofa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Lý do Việt Nam tiếp tục nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc là do năng lực sản xuất mặt hàng này tại Việt Nam còn hạn chế, cả về khối lượng và chất lượng sản phẩm đầu ra.

Tương tự như nhóm mặt hàng sản phẩm gỗ, gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc ẩn chứa rủi ro về gian lận thương mại. Chính phủ Mỹ hiện tại đang điều tra mặt hàng gỗ dán và tủ bếp của một số doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang hoạt động tại Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực phối hợp với các hiệp hội gỗ và các bên liên quan trong việc xác định rủi ro và đưa ra các chế tài xử phạt đối với các công ty vi phạm. Các ý kiến cho rằng, các biện pháp và chế tài này cần được ưu tiên và tăng cường nhằm hạn chế các rủi ro trong luồng gỗ nhập khẩu. Theo ông Đỗ Xuân Lập, gian lận thương mại trong các mặt hàng nhập khẩu là vấn đề rất lớn. Tín hiệu gian lận thương mại là rất hiện hữu. Ngành gỗ đang đối mặt với rủi ro vô cùng lớn. 

Ngành sản xuất công nghiệp khó về đích trong năm 2021


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày