Kinh Doanh

Vinasun "cài số lùi"

Trực Thanh Thứ Ba | 30/04/2024 08:00

Bản thân Vinasun đang gặp khó trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ khác như Mai Linh, Vinataxi, Grab, GSM.... Ảnh: Quý Hòa.

Kế hoạch kinh doanh đi lùi của Vinasun cho thấy mức độ khốc liệt trong cạnh tranh trên thị trường taxi vẫn chưa suy giảm.
Bản thân Vinasun đang gặp khó trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ khác như Mai Linh, Vinataxi, Grab, GSM.... Ảnh: Quý Hòa.

Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) vừa đặt kế hoạch đi lùi so với năm trước. Cụ thể, Vinasun dự trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch tổng doanh thu hơn 1.100 tỉ đồng, giảm hơn 9% so với năm trước. Lãi sau thuế mục tiêu chỉ gần 81 tỉ đồng, thấp hơn năm trước gần 47%.

Nỗi lo vẫn còn 

Về kế hoạch đi lùi, lãnh đạo Vinasun đánh giá năm 2024 nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, cùng những yếu tố tiêu cực của kinh tế thế giới gây ảnh hưởng đến sức mua. Bản thân Vinasun cũng đang gặp khó trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ khác như Mai Linh, Vinataxi, Grab, GSM...

Thực tế, Vinasun cũng như các hãng xe taxi truyền thống từng thua lỗ lớn trước sự xuất hiện của taxi công nghệ. Các hãng xe taxi truyền thống như Vinasun gánh khoản lỗ trên 200 tỉ đồng mỗi năm giai đoạn dịch bệnh 2020-2021. Thậm chí, hãng này phải tự bảo vệ mình bằng vụ kiện đòi Grab bồi thường 41 tỉ đồng.

Các hãng xe taxi truyền thống bắt đầu phục hồi từ quý I và khởi sắc từ quý II/2022. Chẳng hạn, đối thủ trường kỳ của Vinasun là taxi Mai Linh vào năm 2022 cũng đã cắt chuỗi thua lỗ 4 năm liên tiếp kể từ năm 2018. Với Vinasun, ngoài yếu tố phục hồi sau dịch bệnh thì những thay đổi lớn về dịch vụ cũng giúp Vinasun thoát khó như đa dạng hóa phương thức đưa - đón khách, gọi xe qua ứng dụng, thanh toán không tiền mặt... Ngoài ra, thay vì đầu tư mở rộng, Vinasun vẫn tập trung chủ yếu ở các thị trường lớn như TP.HCM, Đồng Nai và Đà Nẵng.

Mặc dù vậy, ông Trần Anh Minh, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, vẫn cho rằng thị trường taxi tiếp tục cạnh tranh khốc liệt, diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, mặc dù các hãng taxi truyền thống đã kịp đổi mới để bắt kịp taxi công nghệ nhưng cuộc chiến vẫn chưa có hồi kết. Theo báo cáo nghiên cứu ngành gọi xe Việt Nam năm 2024 của Mordor Intelligence, quy mô thị trường gọi xe Việt Nam ước đạt 0,88 tỉ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 2,16 tỉ USD vào năm 2029 với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 19,5% trong giai đoạn 2024-2029.

Các công ty trong ngành vẫn nỗ lực ra mắt dịch vụ mới và đầu tư để mở rộng chuyến đi, giao hàng và dịch vụ tài chính kỹ thuật số, cũng như các hoạt động mạo hiểm mới vào các thị trường và phân khúc mới của lĩnh vực tiêu dùng và vận tải.

Điện vs xăng vs hybrid

Ngoài cuộc cạnh tranh giữa các hãng taxi và taxi công nghệ, còn có sự xuất hiện bất ngờ của taxi điện. Đại diện lớn cho dòng xe này là Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (thuộc Vingroup) với đội xe quy mô 30.000 ô tô điện.

 

Sau thời gian cạnh tranh về giá, các hãng taxi phải cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng, văn hóa doanh nghiệp và chăm lo đời sống cho tài xế... Xe taxi điện kèm yếu tố gọi xe công nghệ sẽ thúc đẩy xu hướng cạnh tranh này mạnh mẽ hơn. 

Ông Nguyễn Tiến Long, Giám đốc Taxi Thăng Long, cho rằng khi taxi điện ra đời chắc chắn ảnh hưởng đến thị phần của các hãng taxi truyền thống. Một lượng lớn khách hàng tại các khu đô thị, trung tâm thương mại của Vingroup sẽ chuyển sang dùng dịch vụ này trước hết để trải nghiệm những tiện ích mới. Ngoài ra, nhiều khách hàng có ý thức chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch để giảm ô nhiễm môi trường, tránh khói bụi.

Đối với nhiều hãng taxi truyền thống, chuyển đổi sang xe điện giúp giảm thiểu chi phí vận hành và mang lại lợi nhuận cao hơn. Với những lợi ích này, xe điện ngày càng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Mặt khác, về chính sách quản lý, theo lộ trình chuyển đổi xe xăng sang xe điện đến năm 2030, doanh nghiệp taxi khi thay thế, mua mới phải chuyển đổi sang xe điện. 

Tuy nhiên, giá xe điện như hiện nay là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp muốn chuyển đổi. Thực tế, để chuyển đổi sang taxi điện, doanh nghiệp cần có mức lợi nhuận đủ hấp dẫn khi tính giá mua, thuê xe điện. Bên cạnh đó, khi có nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi điện, nhu cầu sạc pin sẽ càng lớn. Điều này đòi hỏi đẩy nhanh phát triển mạng lưới trạm sạc trong nước. Đây là bài toán không thể giải quyết một sớm một chiều.

Ở phân khúc dịch vụ taxi sử dụng ô tô chạy xăng, chỉ riêng thị trường TP.HCM đã có 6.000 chiếc. Trong đó, 2 hãng xe lớn Vinasun và Mai Linh sở hữu lần lượt 3.000 chiếc và gần 2.000 chiếc. Lãnh đạo Vinasun cho rằng, với quy mô đội xe lớn, Hãng cần có lộ trình để chuyển đổi sang xe điện.

Trước khi đưa một phương tiện vào kinh doanh, Vinasun phải quan tâm đến những yếu tố như chi phí đầu tư, chi phí vận hành, chi phí bảo dưỡng, phụ tùng, giá xe khi thanh lý và tính thanh khoản. Do đó, Hãng tiếp tục theo dõi, chờ cơ hội chuyển đổi trúng thời điểm, đảm bảo phương án kinh doanh hiệu quả. Trước mắt, Vinasun mới chỉ công bố kế hoạch đầu tư 700 xe trong năm 2024, chủ yếu tập trung vào dòng xe hybrid (lai điện và xăng) của Toyota.

Có thể bạn quan tâm:

Soya Garden: Quá nhanh, quá rủi ro!


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày