Kinh Doanh

“Vua tôm” về chợ

Lam Hồng Thứ Hai | 29/04/2024 07:30

Cách đây hơn 1 thập niên, các sản phẩm tôm Minh Phú đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa. Ảnh: TL.

Sau hơn 1 thập niên, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú quyết tâm trở về thị trường nội địa khi cho rằng có thể kéo giá tôm xuất khẩu bằng giá chợ.
Cách đây hơn 1 thập niên, các sản phẩm tôm Minh Phú đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa. Ảnh: TL.

Mới đây, Bách Hóa Xanh ký kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú để bán tôm theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho thị trường nội địa. Theo biên bản ký kết, năm 2024 Bách Hóa Xanh dự kiến sẽ thu mua 3.000 tấn tôm Minh Phú với doanh thu 500 tỉ đồng. Thông qua sự hiện diện tại hệ thống của Bách Hóa Xanh, ông Lê Văn Quang, sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cũng cho biết sắp tới sẽ khai thác mạnh trở lại thị trường nội địa, đưa tổng tỉ trọng/doanh thu từ mức 1% hiện tại phục hồi lên 5-10%.

Ở đáy lợi nhuận

Sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh năm 2023 Minh Phú lỗ sau thuế 105 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 839 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên sau 8 năm doanh nghiệp này báo lỗ khi liên tiếp gặp khó khăn ở các thị trường xuất khẩu chủ lực. Đây cũng là thời điểm con tôm Việt Nam đuối sức khi phải cạnh tranh gay gắt với tôm của Ấn Độ và Ecuador. Chẳng hạn, giá thành sản xuất tôm nguyên liệu đối với size 50-60 con mỗi kg của Ecuador chỉ khoảng 2,3-2,4 USD, trong khi của Ấn Độ là 3,4-3,8 USD, còn Việt Nam lên đến 4,8-5 USD. Chưa kể, thị trường lớn như Trung Quốc cũng tăng cường thu mua tôm từ các nước khác trong khi giảm đặt mua các sản phẩm tôm từ Việt Nam.

Đây thực sự là tình cảnh khó ngờ khi năm 2014 Minh Phú từng đạt lãi ròng gần 800 tỉ đồng. Thời điểm này, Công ty đã bắt đầu nói đến mục tiêu “doanh nghiệp tỉ USD” với sự hứng khởi của cả thị trường chứng khoán. Thực tế, “vua tôm” Minh Phú thời điểm đó đã xây dựng được chuỗi giá trị tôm từ sản xuất, chế biến, xuất khẩu, phân phối và đứng đầu Việt Nam về xuất khẩu tôm. Tuy nhiên, nguồn cung lớn và giá rẻ từ các đối thủ đã khiến Tập đoàn mất khả năng điều tiết giá trên thị trường và dẫn đến sự sa sút trong kinh doanh.

Cách đây hơn 1 thập niên, các sản phẩm tôm Minh Phú đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, việc phải siết các tiêu chuẩn theo thị trường Mỹ và châu Âu khiến Minh Phú phải tăng thêm chi phí từ khâu thu mua, giám sát thu hoạch đến vận chuyển... khiến giá bán tôm của doanh nghiệp này bất giờ cao hơn 20-30% so với các đối thủ khác. “Mỗi năm chúng tôi bán khoảng 50.000 tấn tôm, 1 kg tôm tốn khoảng 10.000 đồng tiền kiểm kháng sinh. Như vậy, phải tốn khoảng 500 tỉ đồng mỗi năm để kiểm kháng sinh cho tôm”, ông Quang giải thích với báo giới.

Sức ép này khiến Minh Phú đánh mất thị trường nội địa và chỉ còn tập trung cho xuất khẩu. Tuy nhiên, sự suy giảm và bất ổn từ thị trường xuất khẩu khiến Công ty quyết tâm hơn trong việc quay trở lại thị trường nội địa. Trước khi dịch COVID-19 diễn ra, Minh Phú đã có nhiều hoạt động marketing, quảng bá rầm rộ. Mặc dù vậy, bài toán giá thành khiến các hoạt động này trở nên không hiệu quả và thị trường vẫn chuộng các loại tôm có giá rẻ hơn.

“Vũ khí” MPBio

Tưởng chừng Minh Phú rơi vào thế bế tắc thì cái bắt tay với Bách Hóa Xanh đã gửi một thông điệp mới về hướng ra của Minh Phú. Đằng sau đó là “bí mật” mới về công nghệ có thể giúp “vua tôm” giải được bài toán về giá thành cạnh tranh. Đó là công nghệ nuôi tôm sinh học MPBio (nuôi tôm không sử dụng kháng sinh, hóa chất) có thể giúp Công ty giảm  50% chi phí. Theo đó, giá tôm của Minh Phú tương đương với giá tôm bán ở chợ. Ông Lê Văn Quang cho biết: “Minh Phú trước nay chỉ tập trung vào thị trường xuất khẩu. Việc hợp tác với chuỗi Bách Hóa Xanh là cơ hội để chúng tôi đưa con tôm mang chuẩn quốc tế lên bàn ăn Việt”.

Được biết, Tập đoàn đang triển khai công nghệ MPBio ở Minh Phú Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu) có quy mô 300 ha và Minh Phú Kiên Giang quy mô 600 ha. “Kế hoạch của chúng tôi trong năm nay là mở rộng doanh thu từ thị trường xuất khẩu lên 50%, phấn đấu có thể lên tới 70% và mục tiêu có lãi hơn 1.000 tỉ đồng”, ông Quang cho biết.

Kiên trì đi theo con đường nuôi tôm sạch lúc này lại đang giúp Minh Phú thuận lợi hơn ở cả thị trường trong và ngoài nước khi người tiêu dùng đã nhận thức được tầm quan trọng của thực phẩm xanh, thân thiện với môi trường... Tình hình ở Minh Phú cũng có dấu hiệu khả quan hơn khi đơn đặt hàng từ Nhật đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đầu tháng 4, nhiều đơn hàng cũng đã được ký kết. Lãnh đạo Minh Phú cho rằng doanh thu trong năm 2024 sẽ tăng ít nhất 50%, thậm chí là 70% so với năm ngoái. Thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục giới thiệu tôm nuôi bằng công nghệ mới đến châu Âu, Úc, New Zealand, Nga, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan...

Kế hoạch của Minh Phú trở nên khả thi hơn khi theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam sau giai đoạn khó khăn đã bắt đầu hồi phục. Xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt 242 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, xuất khẩu tôm của Ecuador, đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, năm nay dự kiến không mấy suôn sẻ do tình trạng mất an ninh trong ngành tôm và khó khăn chung của ngành tôm toàn cầu. Cùng với nhu cầu lớn từ Trung Quốc và chính sách ưu tiên nhập khẩu của nước này, tôm Việt dự kiến đón nhận nhiều cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2024.

Theo đó, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp Việt Nam được kỳ vọng sẽ giảm do nguồn cung không gia tăng. VASEP dự báo lợi nhuận doanh nghiệp ngành tôm sau khi ghi nhận về mức đáy vào năm 2023, được dự báo hồi phục mạnh trong năm 2024.

Tuy nhiên, tôm Việt Nam cũng như những doanh nghiệp như Minh Phú vẫn còn đối mặt với những khó khăn lớn khi xuất khẩu tôm sang Mỹ bị điều tra chống trợ cấp, sức mua của thị trường vẫn yếu, lượng tồn kho nhiều, giá mua thấp... Các rào cản kỹ thuật ngày càng chặt chẽ hơn khi hầu hết những thị trường trọng điểm như EU, Nhật... đang đưa ra yêu cầu sản phẩm phải sản xuất xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, trong khi trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm, nhiều công đoạn lại gây phát thải khí nhà kính.

Có thể bạn quan tâm:

Doanh nghiệp tính chi li cho quảng cáo


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày