Tài Chính

Cổ phiếu Thép Tiến Lên thoát diện cảnh báo

Nhật Lệ Thứ Sáu | 12/03/2021 16:11

Cổ phiếu Thép Tiến Lên thoát diện cảnh báo. Ảnh: Baodautu.

Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) thoát khỏi diện cảnh báo sau 1 năm bị đưa vào diện này.
Cổ phiếu Thép Tiến Lên thoát diện cảnh báo. Ảnh: Baodautu.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa có thông báo về việc đưa cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) ra khỏi diện cảnh báo.

Theo đó, cổ phiếu TLH sẽ được đưa ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 15.3.2021. Nguyên nhân được đưa ra là do Thép Tiến Lên có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là 75,8 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 314,1 tỉ đồng (theo số liệu trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 của Công ty).

Trước đó, vào ngày 18.3.2020 cổ phiếu của Thép Tiến Lên đã sa vào diện cảnh báo khi mức lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hơn 142,9 tỉ đồng.

Như vậy, sau 1 năm bị đưa vào diện cảnh báo, đến nay cổ phiếu của Thép Tiến Lên đã trở lại trạng thái bình thường.

 

Cổ phiếu TLH trên thị trường cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Cụ thể, kể từ tháng 2.2021 đến nay 11.3, giá cổ phiếu TLH đã tăng gần 60%. Trong khi chỉ số VN-Index chỉ tăng gần 12%.  Không chỉ TLH mà nhiều cổ phiếu khác trong ngành thép như HSG, HPG, POM,…cũng đạt được mức tăng trưởng khá.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đối với làn sóng COVID-19 lần thứ ba vừa qua, nhìn chung các doanh nghiệp ngành thép cũng đã chuẩn bị và có phương án ứng phó kịp thời với phương châm đồng hành, chia sẻ khó khăn gánh nặng với Nhà nước, cấp chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư tại các địa bàn đơn vị để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định, an sinh xã hội.

Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến thị trường thép, đặc biệt việc lưu thông hàng hóa, nguyên liệu cũng gặp nhiều khó khăn; hầu hết các công trường, công trình và các dự án xây dựng có sử dụng đến mặt hàng thép đều bị dừng thi công, đặc biệt khu vực Đông Bắc (bao gồm các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên. Thị trường tiêu thụ thép 2 tháng đầu năm 2021 ước tính giảm đến 30% so với cùng kì năm 2020.

Năm 2021, ngành thép Việt Nam đứng trước những khó khăn để đạt được mục tiêu tăng trưởng sản xuất 4-6%. Mặc dù trước đó, 6 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép giảm lần lượt là 10% và 11%, nhưng cả năm 2020 đã đạt được kết quả khả quan với mức tăng trưởng lần lượt là 2,7% và 1,4% so với cả năm 2019. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp thép để đóng góp vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, đạt mục tiêu kép vừa đảm bảo kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Việt Nam đề ra.

* Có thể bạn quan tâm 

► Bút bi Thiên Long vẽ lại tăng trưởng


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày