Tài Chính

Đấu trường CASA ngân hàng

Hữu Thiện Thứ Năm | 11/03/2021 07:30

VietinBank giữ vị trí á quân khi hoàn thành vượt chỉ tiêu năm 2020, với lợi nhuận đạt 13.741 tỉ đồng. Ảnh: Quý Hòa

Tỉ lệ CASA (Tiền gửi không kỳ hạn) tăng giúp các ngân hàng tư nhân có lợi thế cạnh tranh về chi phí vốn thấp.
VietinBank giữ vị trí á quân khi hoàn thành vượt chỉ tiêu năm 2020, với lợi nhuận đạt 13.741 tỉ đồng. Ảnh: Quý Hòa

Mặc dù chịu áp lực trước đại dịch COVID-19, cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn có một năm 2020 đầy ấn tượng. Cụ thể, sau khi thị trường chứng khoán tạo đáy vào tháng 3, ngân hàng trở thành dòng cổ phiếu dẫn dắt toàn thị trường, nhiều cổ phiếu ngân hàng thậm chí đã có mức tăng giá hơn 100%. Sự bùng nổ này được lý giải là do đà tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của các ngân hàng trong năm 2020. Trong đó nổi bật là Vietcombank, VietinBank và Techcombank, với tổng lợi nhuận trước thuế của 3 ngân hàng này đạt 55.915 tỉ đồng, chiếm gần 40% tổng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết.

Vị trí dẫn đầu lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn là cái tên quen thuộc Vietcombank. Kết thúc năm 2020, ngân hàng này đạt 18.468 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, xấp xỉ cùng kỳ. Tuy vậy, mức trích lập dự phòng lại khá cao, tăng mạnh 46% so với năm trước, đẩy tỉ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) tăng vọt từ 180% lên 370% và tỉ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,6%. Mức trích lập này được cho là khá thận trọng, làm hạn chế lợi nhuận năm 2020, nhưng lại là cơ hội để Ngân hàng tăng trưởng trong những năm tới. Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, Vietcombank đã trích lập trước dự phòng đầy đủ các tài sản có khả năng suy giảm chất lượng do COVID-19 trong năm 2020, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận trong các năm tới. Qua đó, KIS dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Vietcombank sẽ đạt 27.766 tỉ đồng, tăng 20,5% so với năm trước.

 

VietinBank giữ vị trí á quân khi hoàn thành vượt chỉ tiêu năm 2020, với lợi nhuận đạt 13.741 tỉ đồng. Đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi tăng 35,2% so với cùng kỳ, đưa tỉ trọng thu ngoài lãi lên gần 20,1%. Vấn đề tăng trưởng trong năm 2021 của VietinBank sẽ xoay quanh câu chuyện phân phối bảo hiểm độc quyền cho Manulife. Theo SSI Research, thỏa thuận bancassurance độc quyền với Manulife có mức phí ước tính là 350 triệu USD và ước tính thu nhập từ bancassurance sẽ tăng từ 30-50% so với cùng kỳ trong 5 năm tới. Cùng chung quan điểm, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng Manulife sẽ là động lực tăng trưởng thu nhập ngoài lãi, đồng thời dự phóng lợi nhuận năm 2021 của VietinBank sẽ đạt 14.841 tỉ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.

Xếp thứ 3, đồng thời ấn tượng nhất trong nhóm này là Techcombank. Ngân hàng này đã có năm thứ 3 liên tiếp tăng trưởng cả lợi nhuận lẫn thị phần tín dụng. Kết thúc năm 2020, lợi nhuận đạt 12.582 tỉ đồng, tăng 23,3% so với năm 2019. Đặc biệt, tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng ấn tượng lên 46,1%, đạt mức cao nhất từ trước tới nay, đồng thời cao nhất trong toàn hệ thống. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo lợi nhuận năm 2021 của Techcombank sẽ đạt 13.127 tỉ đồng, tăng 6,5%.

Hình mẫu tăng trưởng của Techcombank không chỉ là kết quả từ sự vươn lên của ngân hàng này, mà còn đại diện cho một xu hướng quan trọng khác trong cục diện ngành ngân hàng. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giai đoạn 2016-2020 đã chứng kiến sự phát triển của các ngân hàng tư nhân về thị phần tín dụng. Mặc dù tổng 26 ngân hàng niêm yết đã tăng thị phần tín dụng từ 65,4% cuối năm 2015 lên 71,3% năm 2020, nhưng phần lớn thị phần gia tăng những năm qua lại thuộc về các ngân hàng thương mại tư nhân, trong khi thị phần tín dụng của các ngân hàng quốc doanh bị thu hẹp.

Ảnh: Quý Hòa
Ảnh: Quý Hòa

Sự chuyển dịch này có thể được lý giải do chênh lệch về tỉ lệ CASA giữa 2 nhóm ngân hàng. Theo báo cáo tài chính quý IV/2020 đã công bố, tỉ lệ CASA trung bình của 3 ngân hàng quốc doanh niêm yết bao gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV chỉ đạt 23,7%, thua xa mức 46,1% của Techcombank và 40,9% của MBBank. Sự chênh lệch này là do ngân hàng tư nhân có xu hướng miễn phí giao dịch chuyển khoản, đồng thời kết hợp với nhiều hình thức tăng trải nghiệm khách hàng, giúp các ngân hàng này thu hút được khách hàng thường xuyên hơn, nhờ đó làm tăng tỉ lệ CASA.

 

SA tăng sẽ giúp các ngân hàng tư nhân có lợi thế cạnh tranh về chi phí vốn thấp, tạo cơ hội gây áp lực và đánh chiếm thị phần từ các ngân hàng thương mại nhà nước. Một nguyên nhân khác là do các ngân hàng thương mại quốc doanh có xu hướng không mở rộng cho vay trái phiếu doanh nghiệp. Theo số liệu của VDSC, tỉ lệ đóng góp của trái phiếu doanh nghiệp vào tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 của nhóm 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) đạt trung bình -9%, trái ngược hoàn toàn với nhóm ngân hàng cổ phần năng động (Techcombank, MBBank, ACB, VPBank, Maritime Bank) đạt 17%.

Báo cáo của VDSC cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt 13,1%. Các ngân hàng tư nhân lớn, bao gồm Techcombank, MBBank, VPBank, ACB dự kiến sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng trên mức trung bình ngành. Ngoại trừ Vietcombank, nhóm ngân hàng quốc doanh được dự báo sẽ vẫn bị áp lực về yêu cầu vốn, thị phần tín dụng của các ngân hàng này trong ngắn hạn sẽ duy trì xu hướng giảm do thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng cao.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày