Tài Chính

Nhiều yếu tố hỗ trợ để đẩy nhanh các dự án đầu tư công

Nhật Lệ Thứ Sáu | 21/04/2023 14:59

Kể từ đầu năm 2023, Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa: TL.

Vốn đầu tư công thực hiện quý I/2023 chỉ đạt khoảng 13% kế hoạch cả năm 2023.
Kể từ đầu năm 2023, Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa: TL.

Kể từ đầu năm 2023, Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh vốn đầu tư tư nhân và vốn FDI suy yếu. 

Theo Tổng cục Thống kê, vốn nhà nước thực hiện (đầu tư công) trong tháng 3/2023 đã tăng 17,5% so với cùng kỳ lên 34.600 tỉ đồng. Trong quý I/2023, vốn nhà nước thực hiện đã tăng 18,1% so với cùng kỳ lên 91.500 tỉ đồng, cao hơn mức tăng trưởng 12,3% so với cùng kỳ của năm ngoái. Tuy nhiên, vốn đầu tư công thực hiện quý I/2023 chỉ đạt khoảng 13% kế hoạch cả năm 2023. 

 

“Do đó, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công trong những tháng tới để hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 700.000 tỉ đồng vốn đầu tư công vào năm 2023”, Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá. 

Công ty chứng khoán này cũng cho biết họ nhận thấy một số yếu tố hỗ trợ để đẩy nhanh hơn nữa các dự án đầu tư công trong năm nay. 

Đầu tiên là nợ công của Việt Nam đã giảm đáng kể trong những năm qua. Nhờ GDP tăng trưởng khá trong giai đoạn 2016-2022 và kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, nợ công của Việt Nam đã giảm nhanh qua các năm, từ 51% vào cuối năm 2016 xuống còn khoảng 40,2% vào cuối năm 2022 (theo ước tính của IMF), thấp hơn nhiều so với trần nợ công của Việt Nam là 60% GDP. Nợ công thấp tạo dư địa để thực thi chính sách tài khóa mở rộng nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Thứ 2, lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam giảm mạnh kể từ đầu năm 2023. Tính đến ngày 12/4, trên thị trường sơ cấp, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm và 15 năm đã giảm 137 và 140 điểm cơ bản so với đầu năm, xuống lần lượt là 3,3% và 3,4%. Trên thị trường thứ cấp, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm và 10 năm của Việt Nam giảm 192 và 164 điểm cơ bản so với đầu năm, xuống lần lượt là 3,1% và 3,4%.

 

Thứ 3, lạm phát trong nước hạ nhiệt trong 2 tháng gần đây. Lạm phát của Việt Nam giảm xuống 3,4% so với cùng kỳ trong tháng 3 từ mức 4,3% so với cùng kỳ vào tháng trước. “Khi áp lực lạm phát giảm bớt, Chính phủ có thể xem xét mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế”, VNDirect cho hay. 

Và cuối cùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành Giao thông Vận tải hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công 3 tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và 2 đường vành đai gồm vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP.HCM. Các dự án này cần khởi công trước 30/6 năm nay.

“Chúng tôi giữ nguyên dự báo vốn nhà nước thực hiện sẽ tăng 25% so với số thực hiện thực tế trong năm 2022. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng Chính phủ có thể triển khai thêm các gói hỗ trợ tài khóa để góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các giải pháp liên quan tới miễn, giảm, hoãn thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp)”, VNDirect nhận định. 

Công ty chứng khoán này cũng cho rằng việc cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy cầu tiêu dùng nội địa trong nước. Cụ thể, Chính phủ hiện xem xét triển khai lại việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với một số mặt hàng tiêu dùng, tương tự như chính sách được thực hiện vào năm 2022. Nếu được Quốc hội thông qua, chính sách này có thể được triển khai từ ngày 1/7/2023.

Có thể bạn quan tâm 

Lãi suất giảm, nhà đầu tư nên làm gì?


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày