Tài Chính

Vì sao Vietjet vẫn đặt tham vọng lãi 100 tỉ dù Việt Nam chưa mở cửa đường bay quốc tế?

Sơn Mai Thứ Sáu | 26/06/2020 16:57

Ảnh: Zing.vn

Dù ngành hàng không bị khó khăn bủa vây do dịch COVID-19, Vietjet vẫn đặt mục tiêu tăng quy mô đội tàu bay, có lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm nay.
Ảnh: Zing.vn

Cụ thể, Vietjet đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 36.000 tỉ đồng, doanh thu dịch vụ vận tải hàng không 24.600 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 100 tỉ đồng còn lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ đạt điểm hòa vốn.

Hội đồng Quản trị Vietjet khẳng định đây là những chỉ tiêu tốt nhất đối với Công ty trong bối cảnh hiện nay. So với cùng kỳ năm 2019, doanh thu hợp nhất của hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Việt Nam dự kiến giảm 29%, còn doanh thu vận tải hàng không giảm 40%, lãi trước thuế hợp nhất giảm 98%.

Các chỉ số kế hoạch khác cho năm 2020 của Vietjet bao gồm tăng đội tàu bay đến cuối năm lên 90 máy bay, khai thác hơn 118.000 chuyến bay, vận chuyển 20,2 triệu lượt hành khách. Ngoại trừ số lượng tàu bay tăng thêm 12 chiếc, các chỉ tiêu còn lại của Vietjet giảm 15-19%.

Ban Điều hành Vietjet cho biết mục tiêu chính năm nay là mở rộng và phát triển vững chắc mạng bay nội địa, quốc tế; tăng cường hiệu quả hoạt động tài chính; đầu tư phát triển thương mại điện tử; hoàn thiện hệ thống vận hành, quy trình khai thác; tập trung quản lý chi phí với mục tiêu duy trì vị thế dẫn đầu về chi phí trên mỗi đơn vị ASK, hiệu quả hoạt động tốt nhất trong ngành; đa dạng hóa phương án tài trợ vốn.

Ảnh:
Ảnh: Vietjet.

Kết thúc quý I/2010, Vietjet đạt doanh thu 7.200 tỉ đồng, lỗ sau thuế 990 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên hãng hàng không của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trải qua một quý thua lỗ từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Công ty nhận định mức lỗ này thấp hơn con số dự kiến và ở mức tích cực so với ngành hàng không toàn cầu.

Trong báo cáo thường niên, lãnh đạo Vietjet Air khẳng định đang nhìn thấy những cơ hội rất rộng mở sau đại dịch. “Có thể với doanh nghiệp khác, việc gượng dậy phải mất nhiều thời gian, nhưng với mô hình hàng không chi phí thấp như Vietjet, các nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định đây là hình mẫu lý tưởng của khả năng vượt qua những cuộc khủng hoảng”, Ban Điều hành Công ty tự tin.

Lãnh đạo Vietjet chia sẻ trong giai đoạn ảnh hưởng bởi đại dịch, chiến lược và các giải pháp tối ưu hóa dòng tiền được ưu tiên hàng đầu. Công ty bước đầu đã đạt được thỏa thuận với đối tác giãn thời gian thanh toán, cũng như làm việc với các ngân hàng để nhận hỗ trợ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp triển khai và tập trung công tác quản trị dòng tiền theo ngày/tuần/tháng nhằm cân đối dòng tiền.

Năm ngoái, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietjet lần lượt đạt hơn 50.600 tỉ đồng và 4.569 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu phụ trợ (gồm các khoản ký gửi hành lý, phụ phí, doanh thu vận chuyển hàng hóa, bán hàng trên máy bay) và doanh thu quảng cáo góp phần quan trọng vào tăng trưởng của Vietjet.

Doanh thu phụ trợ của hãng này đạt 11.340 tỉ đồng, tăng 36% so với năm 2018 và chiếm tỉ trọng 30,4% trong tổng doanh thu vận chuyển. Điều này giúp Vietjet lọt vào top các hãng hàng không có tỉ lệ doanh thu phụ trợ trên doanh thu cao nhất thế giới.

Tính đến cuối năm 2019, Vietjet có tổng tài sản hơn 48.800 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 17.249 tỉ đồng. Hãng hàng không này có 5.092 nhân viên, tăng 29,3% so với năm trước đó.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày