Thế giới

5 mối quan tâm của giới đầu tư châu Á

Thứ Hai | 23/03/2015 13:40

Kể từ đầu năm 2015, thị trường liên tục biến động mạnh và giới đầu tư khắp châu Á phải đối mặt với hàng loạt vấn đề.

Dưới đây là 5 chủ đề thảo luận chính trong Hội thảo Đầu tư châu Á Credit Suisse lần thứ 18, dự kiến diễn ra trong tuần này.

1. Cải cách kinh tế

Các nền kinh tế châu Á đang nỗ lực giải quyết tình trạng mất cân bằng kinh tế, tìm cách thu hút đầu tư mới cũng như duy trì nguồn vốn hiện tại.

Mối lo lớn nhất hiện nay đối với Trung Quốc là những cải cách dài hạn hướng tới việc mở cửa thị trường có thể bị trì hoãn do các nhà hoạch định chính sách nước này đang chỉ quan tâm tới kích thích kinh tế.

Trong khi đó, Hong Kong không chỉ phải đối mặt với những bất ổn từ làn sóng biểu tình chống lại sự kiểm soát chính trị của Trung Quốc (đại lục) mà chính quyền thành phố cũng lo sợ rằng, Hong Kong sẽ mất vị thế là cửa ngõ vào thị trường đại lục khi Trung Quốc đang tiến tới mở cửa cho giới đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, dân số già hóa và lực lượng lao động suy giảm cũng là 2 vấn đề lớn của Hong Kong.

Tại Đông Nam Á, Indonesia vừa cắt giảm trợ cấp nhiên liệu để tập trung vào phát triển các công trình cơ sở hạ tầng cần thiết. Tuy nhiên để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Indonesia cần phải loại bỏ những rào cản liên quan đến quan liêu và tham nhũng.

Kinh tế Thái Lan cũng đang rất chật vật sau cuộc đảo chính hồi tháng 5/2014, kéo giảm niềm tin của giới đầu tư cũng như lĩnh vực du lịch của nước này. Xuất khẩu suy yếu, đầu tư vào cơ sở hạ tầng chậm chạp là 2 vấn đề đang gây áp lực rất lớn lên chính quyền quân sự.

2. Giá dầu lao dốc

Chủ đề thảo luận thứ 2 là cú sốc giá dầu lao dốc hơn 50% kể từ giữa năm 2014, khiến nhiều nước trên thế giới rơi vào giảm phát. Phần lớn các chuyên gia phân tích đều cho rằng, giá dầu thô sẽ tiếp tục giảm và có thể xuống 20 USD/thùng do sản lượng dầu tại Mỹ ngày càng tăng mạnh.

3. Fed và lộ trình nâng lãi suất

Đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất trong năm 2015 cũng dấy lên lo ngại rằng, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm hơn do USD tăng giá quá mạnh, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế.

Theo một số chuyên gia, việc nâng lãi suất sẽ đẩy thị trường chứng khoán lao dốc thảm hại như năm 1937 - thời điểm Fed thắt chặt chính sách khi cho rằng Mỹ đã vượt qua cuộc Đại suy thoái năm 1929. Tuy nhiên theo thông báo chính sách tuần trước, Fed vẫn rất thận trọng trong chính sách lãi suất dù đã gỡ bỏ quan điểm "kiên nhẫn".  

Dù vậy, thị trường châu Á vẫn đang đứng trước nhiều rủi ro bởi Fed không hề từ bỏ kế hoạch nâng lãi suất.

4. Bất ổn tại châu Âu

Tình trạng tăng trưởng trì trệ của châu Âu đang ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế toàn cầu. Để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Trung ương châu Âu phải triển khai chương trình nới lỏng định lượng với quy mô 1 nghìn tỷ euro nhằm kích thích tăng trưởng và lạm phát.

Đáng lo ngại nhất hiện nay là khủng hoảng Hy Lạp. Các vòng đàm phán xung quanh chương trình cứu trợ của Hy Lạp vẫn chưa đến hồi kết, dấy lên lo ngại về khả năng nước này buộc phải rời khỏi Eurozone. Tất cả những yếu tố này đã đẩy euro xuống thấp nhất 12 năm so với USD và thậm chí có thể về ngang giá với đồng bạc xanh vào cuối năm.

5. Sự đột phá của công nghệ

Hiện nay, công nghệ là một phần không thể thiếu trong dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Tuy nhiên cũng bởi công nghiệp, một số doanh nghiệp nổi tiếng một thời như Blockbuster hay Kodak, đang dần biến mất. Quá trình này diễn ra nhanh chưa từng thấy, giống như Citigroup nhận định: Phải mất 75 năm để đưa điện thoại bàn tới tay 50 triệu người dùng nhưng Angry Bird chỉ cần 35 ngày.

Nhiên liệu hóa thạch cũng có khả năng bị thay thế khi năng lượng tái tạo (cùng công nghệ sản xuất) lên ngôi.

Nguồn DVO/ CNBC


Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày