Thế giới

Châu Á - Thái Bình Dương: Động lực chính của tăng trưởng toàn cầu

Lê Trang Thứ Năm | 02/08/2018 20:45

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn sẽ là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và năm 2019.

ADB: Kinh tế Châu Á 2018 tăng trưởng nhưng đầy rủi ro

Châu Á: Xuất khẩu phục hồi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn


Châu Á sẽ chiếm hơn 60% tăng trưởng toàn cầu

Đây là đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra. Theo đó, khu vực châu Á sẽ chiếm hơn 60% tăng trưởng toàn cầu. Tăng trưởng của khu vực này dự kiến là 5,6% trong năm 2018 và 2019, cao hơn 0,1% so với dự đoán hồi tháng 10 năm ngoái của IMF.

Tuy nhiên IMF cũng cho rằng trong lâu dài, khu vực châu Á đối mặt với nhiều thách thức, như dân số già, năng suất tăng trưởng chậm lại, và cuộc cách mạng công nghệ mang tới cả những cơ hội và rủi ro lớn.

Với sự chuyển dịch sang nền kinh tế dựa trên dịch vụ, các nước mới nổi và đang phát triển ở châu Á đang nằm trong top các nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất trên toàn cầu với mức tăng trưởng dự báo vào khoảng 6,5% trong giai đoạn 2018-2019 và tiếp tục đóng góp hơn 50% tăng trưởng toàn cầu hàng năm.

Các quốc gia đông dân nhất thế giới, như Trung Quốc và Ấn Độ đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. Những thị trường tăng trưởng mới này là động lực cho các xu hướng lớn nhất trong công nghệ, thương mại và tài chính.

Sự năng động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục thể hiện trong năm 2018 với tỉ lệ tăng trưởng có thể lên tới 5,4%, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế giới (3,7%) cũng như tất cả các khu vực kinh tế khác.

Nhật báo Le Monde (Pháp) số ra đầu năm 2018 nhận định châu Á làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới. Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh của Anh (CEBR) cho hay từ nay đến năm 2032, Hàn Quốc và Indonesia sẽ nằm trong nhóm 10 nền kinh tế hàng đầu. Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Philippines và Pakistan sẽ trong TOP 25.

Một so sánh khác rất ấn tượng là Ấn Độ sẽ đứng hàng thứ 5 trong số các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, vượt cả Pháp và Anh...

Chau A - Thai Binh Duong: Dong luc chinh cua tang truong toan cau
Tăng trưởng GDP nhanh này ở châu Á đang chứng kiến một sự thay đổi trong tỷ trọng của sản lượng thế giới. Nguồn: adviservoice.com.au

Châu Á có thể làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới

Ông Julien Marcilly, chuyên gia kinh tế thuộc cơ quan bảo hiểm xuất khẩu Pháp Coface, nhận định “các trung tâm quyền lực kinh tế có xu hướng di chuyển rõ nét về châu Á. Đó là điều chắc chắn. Còn trọng lượng kinh tế các nước phát triển sẽ giảm dần”.

Cùng quan điểm và nhận định nói trên, trong báo cáo mang tựa đề "Báo cáo hằng năm về sức cạnh trạnh của châu Á năm 2018" công bố tại cuộc họp báo trong khuôn khổ hội nghị thường niên của Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2018 diễn ra tại Hải Nam (Trung Quốc) đã nhấn mạnh đến vai trò "chèo lái" quan trọng của kinh tế châu Á đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu. Báo cáo khẳng định các yếu tố về tăng trưởng bên ngoài được tăng cường, đà chuyển động bên trong và sự hợp tác sâu rộng giữa các thị trường gắn kết về kinh tế chính là xung lực thúc đẩy sự phát triển trong tương lai của châu Á.

Báo cáo đánh giá tiến trình hội nhập kinh tế châu Á đã đạt được nhiều tiến bộ nhanh chóng và việc phối hợp thực hiện chiến lược phát triển thị trường quốc tế chung giữa các nền kinh tế sẽ tiếp tục mang đến nhiều lợi thế phát triển, cũng như đảm bảo các nền kinh tế châu Á có liên quan có được sự ổn định hơn và phát triển tốt trong tương lai.

Chau A - Thai Binh Duong: Dong luc chinh cua tang truong toan cau
 

Tất nhiên, để giải quyết tốt bài toán về tăng trưởng kinh tế thì các nước châu Á cũng phải đề ra các giải pháp hữu hiệu để giảm mức chênh lệnh giàu nghèo rất cao, nhất là tại Trung Quốc và Ấn Độ, thách thức về dân số tại một số nước có xu hướng giảm, nguy cơ già trước khi giàu; có thể rơi vào cái “bẫy thu nhập trung bình”, sau một thời gian tăng trưởng nhanh thì bị khựng lại; hoặc ngăn cản khả năng cải thiện nâng cao mức sống cho ngang bằng với các quốc gia phát triển…

Ngoài ra, những thách thức mà châu Á đang phải đối mặt, từ an ninh tới môi trường, từ vấn đề cạnh tranh, ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đến tác động của xu thế bảo hộ thương mại đang trỗi dậy..., buộc các nền kinh tế châu Á phải tìm ra cách thức ứng phó hiệu quả.

Rõ ràng, trong xu thế phát triển chung thì châu Á hiện đang có vai trò và tác động tích cực cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,3% của các nền kinh tế phát triển. Theo công ty kiểm toán PwC, đến năm 2050, nền kinh tế Trung Quốc sẽ có trị giá 58.000 tỷ USD, còn Ấn Độ sẽ là nền kinh tế trị giá 44.000 tỷ USD, trong khi con số này của Mỹ là 34.000 tỷ USD. 10 nước thành viên của ASEAN với lực lượng lao động lớn thứ 3 trên thế giới được dự báo sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.

Bên cạnh đó, châu Á cũng tích cực tham gia hoạt động đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Cụ thể, đầu tư R&D của Trung Quốc được dự báo vượt Mỹ vào năm 2020, khi các công ty nước này đều dành một khoản ngân sách lớn để nghiên cứu.

Sự thay đổi trật tự kinh tế đi kèm với một loạt thách thức. Khoảng cách giàu nghèo gia tăng và tốc độ tăng lương chậm khiến người ta nghi ngờ về vai trò của toàn cầu hóa. Biến đổi khí hậu đe dọa đến sự thịnh vượng của hàng triệu người. Các công nghệ mới cung cấp khả năng dường như vô hạn, nhưng kéo theo đó cũng là tâm lý lo ngại về việc máy móc sẽ thay thế con người. Cùng với châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh, châu Á đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết biến đổi khí hậu, quản lý tác động của công nghệ và AI đối với việc làm, cũng như thúc đẩy thương mại toàn cầu và quản lý rủi ro an ninh mạng.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày