Thế giới

EU phác thảo kế hoạch vực dậy hệ thống ngân hàng

Thứ Tư | 06/06/2012 21:32

Châu Âu cần tăng cường khả năng của chính phủ các nước, giúp họ có đủ sức đối phó với những khó khăn trong ngành ngân hàng.
Cơ quan hành pháp thuộc Liên minh châu Âu (EU) hôm nay 6/6 đề xuất một hệ thống các quy định về ngân hàng tập trung để đảm bảo rằng những người đóng thuế sẽ không bao giờ phải bỏ tiền giải cứu các ngân hàng có nguy cơ sụp đổ, đe dọa ảnh hưởng tới kinh tế đất nước.

Theo đề nghị của Ủy ban châu Âu (EC), các ngân hàng được xác định là không gây rủi ro cho kinh tế quốc gia hoặc thế giới sẽ được phép thua lỗ. Tuy nhiên, với những ngân hàng có khả năng đe dọa đến sự ổn định của thị trường tài chính sẽ được nhận hỗ trợ bằng cách để các chủ nợ không cần thế chấp bảo đảm của ngân hàng đó, chẳng hạn như chủ sở hữu trái phiếu và cổ đông, gánh nợ thay vì bắt những người đóng thuế phải cung cấp tiền cho các quỹ cứu trợ tài chính.

Ủy viên châu Âu Micheal Barnier cho biết: "Chúng tôi không muốn người nộp thuế phải chịu gánh nặng trả tiền. Chúng tôi cũng đang cố gắng phá vỡ mối liên kiết giữa khủng hoảng ngân hàng và ngân sách công".

Ông Barnier cũng cho biết nguyên tắc tập trung là vô cùng cần thiết do rất nhiều ngân hàng hiện nay thực hiện giao dịch xuyên biên giới. Tuy nhiên, ông Barnier lại không đề xuất việc thành lập một ngân hàng chung cho châu Âu. Thay vào đó, ông cho rằng nên tăng cường khả năng của chính phủ các nước, giúp họ có đủ sức đối phó với những khó khăn trong ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, dù EU có thể biến những quy định này thành hiện thực, thì cũng đã là quá muộn để khắc phục hậu quả của khủng hoảng ngân hàng đang ảnh hưởng châu Âu và một trong những nền kinh tế lớn nhất của khu vực, Tây Ban Nha. Hiện các ngân hàng Tây Ban Nha đang gánh chịu những khoản lỗ khổng lồ vượt quá khả năng chi trả của chính phủ.

Đề xuất trên của EU dự kiến sẽ chưa có hiệu lực đầy đủ cho đến năm 2018. Trong bất cứ trường hợp nào, những quy định này vẫn cần sự chấp thuận của EC, bao gồm các nhà lãnh đạo của 27 nước EU, Nghị viện châu Âu. Bên cạnh đó, các quy định vẫn có thể được thay đổi đáng kể trong quá trình phê duyệt.

Ông Barnier cũng thừa nhận đề xuất trên sẽ không thể có hiệu lực tức thì, song ông cho biết các quan chức EU cần phải hành động trong ngắn hạn và dài hạn để lấy lại sự ổn định tài chính cho châu Âu.

Nguồn AP, WSJ/DVT


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày