Tạp chí số 504

Cơ hội không ảo của EKID

Lan Anh Thứ Tư | 19/10/2016 12:30

Thị trường đồ chơi giáo dục tại Việt Nam có quy mô ước tính khoảng 5,5 triệu USD.

Nếu hỏi đâu là trào lưu công nghệ đem đến những trải nghiệm thú vị nhất cho người dùng hiện nay, thì công nghệ thực tế ảo (VR) và tăng cường thực tế ảo (AR) có lẽ là câu trả lời được bình chọn nhiều nhất.

Đó là vì hiện nay ứng dụng của công nghệ VR, AR đã phủ tất cả các lĩnh vực, từ y tế, giáo dục đến di chuyển, mua sắm… Không thể không nhắc đến Pokemon Go, hiện tượng chưa từng có trong lịch sử trò chơi di động toàn cầu phát triển trên nền tảng VR. Những thiết bị thực tế ảo sẽ tạo thành một thị trường khổng lồ với giá trị khoảng 2,8 tỉ USD trong năm 2020. Đây là một bước nhảy vọt so với con số 37 triệu USD hiện nay. Còn theo dự đoán của ngân hàng đầu tư Digi-Capital, thị trường thiết bị mô phỏng thực tế ảo sẽ cán mốc 150 tỉ USD. Số tiền trung bình khách hàng phải chi cho một thiết bị sẽ chỉ vào khoảng 200-250 USD. 

Không chỉ những đại gia công nghệ như Google, Facebook đang theo đuổi các phát minh trong lĩnh vực này, mà những startup cũng tìm được cơ hội khởi nghiệp từ đây. Tại cuộc thi startup HATCH! BATTLE mới đây, EKID studio, mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ AR của một doanh nghiệp Việt, đã chiến thắng.

“Chúng tôi đang định nghĩa và mở ra một thị trường mới đầy tiềm năng về dòng đồ chơi vừa là giáo cụ thông minh”, anh Nguyễn Thuần Phác, sáng lập kiêm Tổng Giám đốc EKID studio, khẳng định hướng phát triển trong cuộc trò chuyện với NCĐT. Mỗi hộp đồ chơi EKID studio gồm các thẻ (có 2 dạng thẻ cứng hoặc thẻ xếp hình) và một mã code để kích hoạt ứng dụng EKID studio được tải miễn phí từ Google Play hoặc AppStore. Người chơi bật ứng dụng này trên thiết bị thông minh, rồi dùng camera soi vào thẻ, đối tượng trên hình sẽ xuất hiện dưới định dạng đồ họa có chuyển động và âm thanh sống động, kèm theo đó là phát âm bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh để trẻ vừa chơi vừa học. Không ít trẻ thích thú đưa lên đưa xuống, xoay vòng thẻ để quan sát mọi góc cạnh của một chú cá heo, chiếc máy bay… mà trong cuộc sống thực hiếm khi quan sát được.

Nghiên cứu trong vòng 3 tháng và tung ra sản phẩm đầu tiên vào tháng 4.2016, doanh thu từ sản phẩm đầu tiên đã được EKID studio tái đầu tư ra đời 7 dòng sản phẩm tiếp theo với mức giá từ 150.000-380.000 đồng/bộ. Vòng đời ra mắt sản phẩm mới tại EKID studio được đặt mục tiêu là 3 tháng/lần và chi phí cần có để đầu tư cho một chủ đề mới là từ 15.000-20.000 USD.

Là một nhà quản lý công nghệ thông tin từng làm việc tại nhiều tập đoàn lớn, định hướng hoạt động của nhà sáng lập dành cho EKID studio khá bài bản chứ không chỉ là một dự án startup “cho vui”. Phương pháp luận của sản phẩm là Phản xạ - Lặp lại - Ghi nhớ để trẻ được tương tác và ghi nhớ kiến thức. Các sản phẩm được phát triển như một công cụ giải trí và giáo cụ để gia đình, thầy cô có thể dạy trẻ theo phương pháp giáo dục sớm Glenn Doman, kích thích trí não trong giai đoạn vàng từ 1-3 tuổi. Được biết, EKID studio đang hoàn thiện các sản phẩm mang tính giáo dục theo đặt hàng từ các trường mầm non trung ương.

Đội ngũ phần mềm và thiết kế sản phẩm của EKID studio có khoảng 10 người. Ở Ban lãnh đạo, anh Thuần Phác đóng vai trò về ý tưởng, phát triển sản phẩm và chiến lược; Brian Cusicanqui, đồng sáng lập đến từ New York, phụ trách về quan hệ đầu tư và phát triển thị trường quốc tế. Sản phẩm được sản xuất ở 2 xưởng đối tác tại Hà Nội và TP.HCM. Không gặp khó khăn về phát triển sản phẩm, song rào cản trong tiếp cận thị trường của EKID studio là hệ thống phân phối. Sản phẩm hiện được bán qua trang web thương mại điện tử; hệ thống đồ dùng mẹ và bé; hệ thống nhà sách; Home Shopping... Nhưng theo anh Phác, một số yêu cầu của đối tác như chậm thanh toán, đòi hỏi quyền lợi cao… là những khó khăn chung của EKID studio cũng như giới startup vì chưa có được một hệ sinh thái hỗ trợ các sản phẩm sau khi trình làng.

Bên cạnh đó, EKID studio cũng đang tìm kiếm những nhân sự giỏi về bán hàng để chinh phục được khách hàng quen với những đồ chơi công nghệ và phát triển kênh bán hàng từ hiệu quả của hoạt động marketing đem lại. Đồng thời dễ thấy mô hình này cần tiếp tục có được những ý tưởng đột phá nếu không muốn mất vị trí tiên phong trên thị trường khá hấp dẫn này.

Sau 4 tháng, EKID studio đã bán được hơn 7.000 bộ sản phẩm, đem về doanh thu khoảng 2 tỉ đồng. Tiết lộ trong bài thuyết trình tại cuộc thi startup HATCH!BATTLE, tỉ lệ lợi nhuận trong mô hình kinh doanh của EKID studio là 66%, hệ số thu nhập trên đầu tư (ROI) là 6,67 USD. 

Theo khảo sát, thị trường đồ chơi thông minh của Việt Nam ước đạt 49 triệu USD, còn thị trường đồ chơi giáo dục là 5,5 triệu USD. Với mục tiêu làm đầy cả hai thị trường này, các sản phẩm của EKID studio đã nhận được đầu tư từ đề án Vietnam Silicon Valley thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và đang chuẩn bị thử sức ở một cuộc thi khởi nghiệp tại Phần Lan vào tháng tới.

Theo anh Phác, EKID studio là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ AR vào đồ chơi trẻ em ở Việt Nam và trên thế giới cũng chỉ có số ít doanh nghiệp ở Mỹ, Trung Quốc, Anh cùng chung lĩnh vực này. Năm 2017, kế hoạch của Công ty là đưa được sản phẩm vào thị trường Thái Lan và kết nối với các nhà sản xuất cùng chí hướng ở các nước khác để phát triển những sản phẩm mới, tránh giẫm chân nhau. Còn về mặt sản phẩm, ổn định được chất lượng và phát triển thêm mảng MMO (Massively Multiplayer Online - Game nhiều người chơi) là định hướng đang được nghiên cứu ở mô hình khởi nghiệp tiềm năng này.

Lan Anh


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày