Phong Cách Sống

Người trẻ tìm hạnh phúc

Diễm Trang Thứ Bảy | 16/03/2024 07:00

Thế hệ trẻ ưu tiên những công việc khiến bản thân thấy vui và sống tận hưởng, hướng đến sự gắn kết, tạo ra giá trị cho cộng đồng...

Nhiều người trẻ sẵn sàng từ bỏ áp lực trong công việc để theo đuổi cuộc sống “hạnh phúc”.
Thế hệ trẻ ưu tiên những công việc khiến bản thân thấy vui và sống tận hưởng, hướng đến sự gắn kết, tạo ra giá trị cho cộng đồng...

Theo một báo cáo toàn cầu năm 2022 từ Deloitte, sự cân bằng trong công việc, cuộc sống và cơ hội học tập, phát triển bản thân là 2 tiêu chí hàng đầu mà thế hệ trẻ cân nhắc khi lựa chọn một doanh nghiệp. Theo xu hướng này, Gen Z (những người sinh năm 1997-2003) ưu tiên một môi trường làm việc cho phép họ sống cân bằng và lành mạnh.

Thoát áp lực, tận hưởng cuộc sống

Trước những thay đổi của xã hội hiện đại, một công việc với thu nhập tốt hay chức vụ cao không còn là yếu tố tiên quyết khi chọn nghề. Người trẻ giờ đây mong muốn nhìn thấy bức tranh sự nghiệp rộng lớn hơn, tập trung vào chất lượng cuộc sống, thay vì bị ràng buộc bởi kỳ vọng “truyền thống” của gia đình hay xã hội. Thế hệ trẻ ưu tiên những công việc khiến bản thân thấy vui và sống tận hưởng, hướng đến sự gắn kết, tạo ra giá trị cho cộng đồng...

Sau làn sóng bỏ phố về quê nuôi cá và trồng rau thì tiếp tục có làn sóng FIRE, được hiểu đơn giản là mong muốn được nghỉ hưu sớm theo các từ viết tắt Financial Independence, Retire Early, nghĩa là “độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm”.

Dù dưới khái niệm nào cũng cho thấy áp lực của giới trẻ và họ muốn thoát ra khỏi đó bằng nhiều cách. Nhiều người trẻ chia sẻ, họ cảm thấy mình bị vắt kiệt sức trên bàn làm việc, trong 4 bức tường từ sáng tới khuya mà không có thời gian tận hưởng cuộc sống. Đại dịch và sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa càng thúc đẩy xu hướng sống cân bằng, thay đổi quan điểm về công việc và cuộc sống của nhiều người trẻ Việt. “Tôi không có ý định làm thuê cả đời. Mục tiêu của tôi là tự chủ tài chính khi 40-50 tuổi nên cần phải nỗ lực hơn người khác”, Bích Dung, 27 tuổi, cho biết. Dung đã từ bỏ công việc trong ngành ngân hàng để tập trung thời gian như một nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp.

“Mình thậm chí không có thời gian tiêu tiền, sức khỏe giảm sút, nhiều khi cảm thấy trống rỗng, không biết cố gắng làm việc vì điều gì”, Khoa Nguyễn, 28 tuổi, nói. Anh đã quyết định từ bỏ công việc ở nước ngoài về Việt Nam để sống trọn với đam mê nhiếp ảnh của mình.

Cách đây vài năm, khái niệm “work - life balance” (cân bằng công việc - cuộc sống) được nhắc nhiều khi người lao động muốn vừa được làm việc, vừa có sự thoải mái trong cuộc sống. Còn bây giờ, nhiều người trẻ sẵn sàng từ bỏ áp lực trong công việc để theo đuổi cuộc sống “hạnh phúc”, tức không còn coi thu nhập và thăng tiến sự nghiệp là tất cả. Xu hướng tự làm chủ chính mình, theo đuổi đam mê cá nhân và tận hưởng cuộc sống tự do càng thể hiện rõ hơn qua thống kê của Google Trends tại Việt Nam. Số liệu cho thấy mức độ quan tâm của từ khóa Freelancer dao động từ 60-100% mỗi ngày kể từ năm 2022 đến nay.

Thích khỏe và thích vui

Giới trẻ hiểu hạnh phúc là sự lựa chọn chứ không phải một điều kiện có thể phân biệt rõ ràng giữa tác động bên ngoài và các sự kiện xảy ra với họ cũng như thái độ bên trong của họ về hạnh phúc. Họ hiểu phải quyết định theo đuổi điều gì trong cuộc sống, điều gì là ưu tiên, cách sử dụng thời gian và nguồn lực như thế nào cho ưu tiên đó. Theo bà Tiêu Yến Trinh, CEO Talentnet, cái hay của Gen Z là khi làm việc, các bạn phải thấy vui và tận hưởng. Gen Z cũng yêu thích tạo ra sự khác biệt, đột phá và thường quan tâm đến một tổ chức phát triển bền vững, hướng đến kết nối nhằm tạo ra giá trị lớn và tăng cường hợp tác tốt.

Sự thay đổi trong suy nghĩ của giới trẻ khiến thị trường lao động cũng thay đổi. Các doanh nghiệp theo đuổi danh hiệu “Môi trường làm việc tốt nhất” để thu hút nhân tài và giữ chân lao động trẻ. Tiền lương và phúc lợi chưa đủ, nhiều doanh nghiệp cấp tiến tại Việt Nam đã triển khai các chương trình “Tuần lễ nghỉ ngơi”, “Ngày sức khỏe”... để người lao động có nhiều thời gian hơn cho gia đình, cho bản thân. Những sáng kiến này ngược lại giúp doanh nghiệp tăng năng suất và tăng trưởng bền vững hơn.

Theo bà Tiêu Yến Trinh, nếu tạo được cho nhân viên môi trường làm việc thoải mái, tức là gián tiếp góp phần tạo nên hiệu suất công việc cao. Tuy nhiên, môi trường làm việc lý tưởng và phù hợp với nhân sự không chỉ đến từ các yếu tố bên ngoài mà còn rất nhiều điều khác. Như Harvard Business Review vào năm 2022 đã thống kê: “68% nhân viên thuộc thế hệ Millennials và 80% nhân sự là Gen Z đã quyết định nghỉ việc do vấn đề sức khỏe tinh thần”. Khảo sát của VietnamWorks chỉ ra 89% nhân viên cho rằng công ty có chương trình chăm sóc sức khỏe tốt là nơi lý tưởng để làm việc. Đây cũng là yếu tố khiến họ sẵn lòng giới thiệu công ty mình là nơi làm việc lý tưởng đến người khác và giúp giữ chân họ ở lại lâu dài.

Bà Trinh cho rằng, môi trường làm việc có sự ổn định về thể chất và tinh thần là tổng hòa của sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng. Nó bao gồm sức khỏe tinh thần ổn định, sự hài lòng trong cuộc sống, mục đích sống và khả năng quản lý căng thẳng. Niềm hạnh phúc, vui sướng không chỉ mang lại trạng thái ổn định về thể chất và tinh thần cho nhân viên mà nó còn giúp họ cảm thấy gắn bó và quan tâm hơn trong việc góp phần vào thành công của tổ chức. Từ kinh nghiệm của Talentnet, có thể áp dụng các chiến lược để tạo môi trường sức khỏe cho nhân viên gồm: Cảm xúc tinh thần; Sức khỏe thể chất; Quan hệ xã hội; Phúc lợi nơi làm việc; Kết nối xã hội.

Bà Trinh cho biết, từng mục trên đều được Công ty làm chi tiết, mọi hoạt động đều được chăm chút. Thậm chí, họ còn nghiên cứu thiết kế riêng cho từng nhân viên, phòng ban. Tùy vào lĩnh vực kinh doanh của từng doanh nghiệp mà áp dụng chính sách để nâng cao môi trường làm việc sức khỏe. “Cân bằng giữa nhu cầu sức khỏe tinh thần và nhu cầu của nơi làm việc không phải là một bài toán khó nếu nhà lãnh đạo kịp thời nhận thức và từng bước cải thiện, hỗ trợ nhân viên”, bà Trinh nói.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày