Phong Cách Sống

Số ca mắc cúm tăng mạnh giữa mùa hè, gây nguy cơ dịch chồng dịch

Mỹ Anh Thứ Tư | 07/09/2022 18:30

ads

Tiêm phòng cúm A ở trẻ em.

Sự trở lại của căn bệnh truyền nhiễm cúm mùa sau đại dịch COVID-19 và cách chủ động phòng ngừa trước diễn biến bất thường của bệnh cúm.
Tiêm phòng cúm A ở trẻ em.

Sáng ngày 7/9, tại TP.HCM, Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam phối hợp cùng Sanofi-Aventis tổ chức thảo luận báo chí “Cập nhật diễn biến cúm mùa & biện pháp phòng bệnh”. Thảo luận có sự tham gia của các chuyên gia y tế đến từ Bệnh viện Nhi Trung ương và Viện Pasteur TP.HCM, nhằm cập nhật những diễn biến mới nhất của bệnh cúm mùa cũng như khuyến nghị từ các cơ quan y tế về tầm quan trọng của việc tiêm phòng bệnh. 

Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, tại Việt Nam, bệnh cúm diễn ra quanh năm. Trong đó, cúm tại miền Bắc đạt đỉnh vào mùa đông – xuân và có xu hướng tăng vào mùa hè tại miền Nam. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay, các cơ sở y tế, bệnh viện miền Bắc lại ghi nhận sự gia tăng bất thường số ca mắc cúm, trong đó, nhiều trường hợp có chỉ định nhập viện và biến chứng viêm phổi, suy hô hấp tiến triển. Dù diễn biến cúm mùa vẫn nằm trong sự kiểm soát của ngành y tế nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, sự gia tăng số ca nhiễm cúm giữa mùa hè tại các tỉnh phía Bắc đã trở thành nỗi lo ngại “dịch chồng dịch” trong cộng đồng. 

Tiến sĩ – bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết trong thời gian qua, có những ngày Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 300-500 trẻ xét nghiệm ra dương tính với cúm mùa (cúm A) trong tổng số 4.000-5.000 trẻ vào viện khám. Số trẻ phải nhập viện điều trị có xu hướng gia tăng, có những thời điểm quá tải giường bệnh.

 

Nếu như trước đây, nhiều người vẫn xem bệnh cúm là bình thường với biểu hiện là sốt, hắt hơi, sổ mũi, đau cơ, có thể điều trị nội trú và tự khỏi.

Tuy nhiên, gần đây, khoảng 40% trong số ca mắc cúm nhập viện ở Bệnh viện Nhi Trung ương có biểu hiện về thần kinh với triệu chứng co giật, li bì; thậm chí một số ca bị viêm não. Theo Tiến sĩ Hải, yếu tố khiến số ca mắc bệnh cúm tăng cao bao gồm: những yếu tố như mầm bệnh (tại Việt Nam có quanh năm), lưu thông không khí kém, nhiệt độ phù hợp cho vi rút tồn tại lâu dài trong không khí, tập trung đông người...

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn - Quản lý, điều hành Trung tâm xét nghiệm Y sinh học lâm sàng và dịch vụ khoa học kỹ thuật, Viện Pasteur TP.HCM, cho biết, giãn cách xã hội trong dịch COVID-19 cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến diễn biến bất thường của bệnh cúm. Cụ thể, giai đoạn 2020-2021 với nhiều đợt giãn cách xã hội kéo dài do dịch COVID-19, cùng với các biện pháp cách ly, phòng bệnh được thực hiện chặt chẽ, khiến cúm khó có cơ hội lây lan. Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội cũng cản trở người dân tiêm ngừa cúm kịp thời để bảo vệ bản thân khỏi cúm mùa. 

Do đó, khi cuộc sống trở lại bình thường, cùng với việc cơ thể chưa được củng cố kháng thể cúm, khiến chỉ cần một yếu tố nguy cơ nhỏ cũng làm gia tăng khả năng nhiễm cúm, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt với các đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, người già, người có bệnh nền mạn tính…

Ngoài ra, thời điểm tựu trường cũng là lúc trẻ nhỏ, học sinh đến trường, thường xuyên tiếp xúc cộng đồng, khiến nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao. Một nguyên nhân nữa được ghi nhận qua các ca bệnh nhập viện là sự chủ quan của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh, từ đó dẫn đến lơ là phòng ngừa cúm trong sinh hoạt hàng ngày, không tiêm ngừa định kỳ để củng cố và duy trì lượng kháng thể. Từ đó dẫn đến nhiều ca biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp…, phải thở máy và đối diện với nguy cơ tử vong.

Bệnh cúm mùa là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp và gây ra bởi 2 phân tuýp virus cúm A/H1N1, A/H3N2 và 2 dòng virus cúm B/Yamagata, B/Victoria. Trên thế giới, ở các nước vùng ôn đới, cúm mùa thường xảy ra vào mùa Đông-Xuân (tháng 11-12 đến tháng 2-3 năm sau ở Bắc bán cầu và tháng 5 - tháng 9 ở Nam bán cầu). Theo thống kê từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam ghi nhận 600.000-1 triệu ca cúm thường. Thời gian gần đây, tại một số địa phương, một số bệnh viện tuyến cuối ghi nhận sự gia tăng của bệnh cúm. Tuy nhiên, cần tăng cường giám sát trọng điểm, phát hiện các ca bệnh tại cộng đồng, xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh và truyền thông để người dân hiểu và dự phòng.

Cúm là bệnh lý quen thuộc và thường có triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm lạnh nên người dân thường có tâm lý chủ quan, không chủ động phòng tránh. Theo bác sĩ Tuấn, những đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng khi mắc cúm là trẻ em, phụ nữ mang thai, trên 65 tuổi, người già mắc bệnh mãn tính. Cách phòng chống bệnh cúm tốt nhất là nên chích ngừa cúm hằng năm, đặc biệt với những người có nguy cơ cao. Do virus cúm thường xuyên biến đổi, diễn tiến dịch mỗi năm khác nhau. Hệ thống miễn dịch cơ thể đáp ứng vaccine cúm không bền vững, tầm 18-24 tháng sẽ hết nên cần chủng ngừa nhắc lại hằng năm để củng cố và duy trì lượng kháng thể.

"Điều quan trọng là cúm đã có vaccine phòng ngừa nhưng tỉ lệ tiêm chủng ở Việt Nam chưa đến 2% dân số, trong khi với bệnh truyền nhiễm thì tỉ lệ bao phủ vaccine phải đạt 70-80% mới đạt yêu cầu", bác sĩ Tuấn nói.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cách phòng ngừa bệnh cúm mùa tốt nhất là tiêm vaccine phòng bệnh và thời điểm tốt nhất là trước khi cúm “vào mùa” từ 2 tuần đến 1 tháng. WHO khẳng định, điều này giúp giảm khoảng 60% các căn bệnh liên quan đến cúm và  giảm khoảng 70-80% tỉ lệ bị tử vong do cúm gây ra.

Ngoài ra, người dân nên thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang khi tới nơi đông người; thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất và luyện tập thể thao để tăng cường đề kháng, nâng cao thể trạng...


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày