Góc nhìn chuyên gia

Giải bài toán tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp

Ông Đào Gia Hưng, VPBank Thứ Bảy | 21/01/2023 11:16

Ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng VPBank. Ảnh chụp màn hình.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần làm gì để tiếp cận nguồn vốn?
Ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng VPBank. Ảnh chụp màn hình.

Năm 2022 được đánh giá là một năm nhiều khó khăn và thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp không chỉ bởi những tác động từ dịch COVID-19 mà có những áp lực từ bên ngoài như lạm phát và lãi suất tăng cao. Trên thị trường chứng khoán, quy mô thị trường cổ phiếu đã giảm 32%, trong khi thị trường trái phiếu gặp các vấn đề về thanh khoản và khả năng trả nợ của doanh nghiệp, dẫn đến việc tiếp cận với nguồn vốn thông qua kênh này gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, về kênh tín dụng ngân hàng, xu hướng gia tăng lãi suất ở các nước tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn tiếp diễn, gây áp lực đến nguồn vốn trong và ngoài nước.

 

Dưới góc độ ngân hàng, ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng VPBank chia sẻ, trong năm 2023 việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn sẽ có những khó khăn nhất định. Nó xuất phát từ hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là về mặt thị trường sẽ tiếp tục hướng đến câu chuyện về lãi suất, giảm nhiệt lạm phát và chính sách về room tín dụng. Yếu tố thứ hai là khó khăn nội tại của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ như là thiếu tài sản thế chấp, chưa có sự chuẩn chỉnh về mặt quản trị, điều hành quy mô nhỏ. Đấy cũng là một yếu tố gây ra khó khăn trong việc tiếp cận vốn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo ông Gia Hưng, trong bối cảnh này thì doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng khó khăn thì cần phải hoạt động đúng ngành nghề cũng như là lĩnh vực cốt lõi của mình. Thứ hai, cần phải minh bạch các số liệu tài chính và tình hình hoạt động càng nhiều càng tốt. Điểm thứ ba là nên có sự lựa chọn các sản phẩm đa dạng khác nhau của các ngân hàng. Và điểm cuối cùng, trong tình hình lãi suất tăng cao thế này thì doanh nghiệp cần phải có sự tính toán cẩn trọng về dòng tiền trong tương lai sau khi mà vay được vốn. Việc tiếp cận vốn là một trở ngại rồi và nếu chúng ta vượt qua được câu chuyện đó thì câu chuyện sử dụng vốn đó cần phải có sự cẩn trọng và thông minh nhất định.

Để dự báo về mặt bằng lãi suất trong năm 2023, đại diện của VPBank cho rằng dự báo về một biến số là lãi suất thì thực tế là tương đối khó. Chúng ta sẽ căn cứ vào tình nội tại, diễn biến trong quá khứ, đặc biệt là trong năm 2022 để thử phác thảo ra bức tranh lãi suất hay là diễn biến lãi suất của năm 2023 nó sẽ như thế nào. Chúng ta sẽ nhìn nhận là mặt bằng lãi suất trong năm 2023 sẽ vẫn tiếp tục là ở mức cao và chưa có cơ hội giảm được. 

Mặt bằng lãi suất chung huy động đến giờ là dao động dưới 9,5%, tùy theo kỳ hạn và cao nhất không vượt quá 9,5% và đã được giảm tương đối so với thời gian cách đây 2-3 tháng khi mà mặt bằng lãi suất tăng cao. Ảnh: TL.
Mặt bằng lãi suất chung huy động đến giờ là dao động dưới 9,5%, tùy theo kỳ hạn và cao nhất không vượt quá 9,5% và đã được giảm tương đối so với thời gian cách đây 2-3 tháng khi mà mặt bằng lãi suất tăng cao. Ảnh: TL.

Về bức tranh chung thì lãi suất đã có sự hạ nhiệt, tức là có thể vẫn tăng nhưng mà tăng ít hơn trong quá khứ hoặc là có thể là giữ nguyên tình hình lãi suất toàn cầu. Những tháng cuối năm 2022 thì diễn biến lãi suất trên thị trường Mỹ, châu Âu cũng đang có dấu hiệu giảm tốc, mặc dù FED cũng nói rằng vẫn có thể tăng lãi suất vài đợt trong năm 2023.

Yếu tố thứ hai là nội tại của Việt Nam. Đấy là sự quyết liệt của Chính phủ trong huy động toàn bộ kể cả hệ thống ngân hàng lẫn các kênh huy động vốn của nền kinh tế, kể cả hệ thống doanh nghiệp nữa là làm sao phải hạ được mặt bằng lãi suất xuống, hạ nhiệt về mức độ lãi suất xuống để cho doanh nghiệp có thể gọi là dễ thở hơn, dễ tiếp cận hơn với nguồn vốn.

Điển hình là gần đây chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Ngân hàng Nhà nước, của Chính phủ và sự đồng lòng của hệ thống ngân hàng thì đã có sự hạ nhiệt trong thời gian vừa qua. Mặt bằng lãi suất chung huy động đến giờ là dao động dưới 9,5%, tùy theo kỳ hạn và cao nhất không vượt quá 9,5% và đã được giảm tương đối so với thời gian cách đây 2-3 tháng khi mà mặt bằng lãi suất tăng cao. “Tôi nghĩ rằng năm 2023 cũng sẽ tiếp tục như vậy thôi, mặt bằng lãi suất vẫn có thể cao, vẫn khó khăn nhưng mà sẽ hạ nhiệt trong năm 2023”, ông Gia Hưng nói. 

Bài viết được thuật lại từ chia sẻ của ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng VPBank tại Talkshow Phố Tài chính. 

Có thể bạn quan tâm 

Nhà đầu tư có nên "bơi" theo vốn ngoại?


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày