Tài Chính

Đồng USD mạnh lên, Mỹ có được hưởng lợi?

Bá Ước Thứ Hai | 20/03/2017 09:04

Điều chỉnh tỷ giá không còn là giải pháp hữu hiệu nhất để thay đổi cán cân thương mại.

Có lẽ, không có thuật ngữ kinh tế học nào gây nhiều hiểu lầm như từ “đồng USD mạnh”. Thoạt nghe qua, ai cũng nghĩ từ này cho thấy sức mạnh áp chế của nước Mỹ với các đối thủ kinh tế khác. Trong thực tế, sức mạnh của đồng USD chỉ mang ý nghĩa về sức mua: Một đồng USD mạnh sẽ giúp người Mỹ mua được nhiều hàng hóa ở nước ngoài hơn, trong khi đó một đồng USD yếu thì giúp doanh nghiệp Mỹ bán được nhiều hàng hóa ra nước ngoài hơn.

Nhiều người thường tranh cãi xoay quanh việc nước Mỹ nên theo đuổi một đồng USD mạnh hay yếu. Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không thể hiện quan điểm rõ ràng về chủ đề này. Theo đuổi một đồng USD mạnh nghĩa là nước Mỹ muốn mua nhiều hàng hóa hơn, trong khi đó một đồng USD yếu có nghĩa là nước này muốn bán được nhiều hàng hóa hơn.

Quốc gia nợ nần

Nước Mỹ hiện giờ đang mua vào nhiều hàng hóa hơn là bán ra. Tình trạng thâm hụt thương mại như vậy có nghĩa là người Mỹ đang chi tiêu và đầu tư nhiều hơn ở hiện tại, bằng cách ứng trước chi tiêu và đầu tư của tương lai.

Dong USD manh len, My co duoc huong loi?
Tỷ trọng của cán cân thương mại so với GDP của nước Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người nước ngoài đang tích lũy nợ của nước Mỹ, thông qua việc nắm giữ đồng USD, trái phiếu chính phủ Mỹ, hay các công cụ tài chính tương tự. Nếu muốn, họ có thể dùng chúng để mua lại hàng hóa và dịch vụ của nước Mỹ.

Nếu nước Mỹ vay tiền nước ngoài để đầu tư tại nước mình, như là cách nhiều nước đang phát triển khác đang làm, điều này thì không có gì lo ngại: đầu tư nhiều hơn trong hiện tại nghĩa là quốc gia sẽ giàu có hơn trong tương lai. Nhưng điều này lại không xảy ra trong thực tế. Vào thập niên 1990 và đầu những năm 2000, các khoản đầu tư của nước Mỹ chiếm một tỷ trọng bình thường trong GDP. Nhưng sang đến thập niên này, thâm hụt thương mại vẫn cao, trong khi đầu tư thì lại thấp hơn bình thường.

Xu hướng này tương đối đáng lo ngại, vì điều đó có nghĩa là nước Mỹ đang tiêu dùng vượt quá khả năng hiện tại lẫn tương lai. Nếu không đầu tư mạnh vào nội địa trong hiện tại, cộng thêm mức thâm hụt thương mại, sẽ rất khó cáng đáng được việc thanh toán nợ nước ngoài trong tương lai, điều này sẽ gây ra bất ổn chính trị. Nước Mỹ có thể in thêm tiền để trả nợ, và nếu điều này vượt ra ngoài kiểm soát thì có thể tạo nên một thảm họa kinh tế.

Dong USD manh len, My co duoc huong loi?
Tỷ trọng của hoạt động đầu tư so với GDP của nước Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Vì thế các nhà lãnh đạo Mỹ có động lực để tìm cách giảm bớt hay là xóa bỏ hẳn tình trạng thâm hụt thương mại. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu việc làm suy yếu đồng USD có phải là một giải pháp hay?

Con dao hai lưỡi

Do nước Mỹ không có các biện pháp kiểm soát các dòng vốn ra vào, nếu muốn làm giảm giá đồng USD đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải hạ lãi suất. Hiện giờ, Fed đang làm điều ngược lại. Nhưng nếu Fed quyết định làm suy yếu đồng USD theo lệnh của tổng thống Mỹ, thì việc thắt chặt tiền tệ có thể chấm dứt. Nếu lấy những gì xảy ra trong các năm qua làm thước đo, thì rủi ro lạm phát do lãi suất thấp là không lớn. Cái giá cho việc làm suy yếu đồng USD là Fed sẽ phải chấp nhận hy sinh khả năng sử dụng chính sách tiền tệ nhằm bình ổn nền kinh tế.

Một câu hỏi nữa là liệu một đồng USD yếu có thể giúp thay đổi cán cân thương mại hay không. Ngày nay, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Mỹ cũng chính là những người nhập khẩu nhiều nhất; thay vì mua nguyên liệu từ các nhà sản xuất trong nước, họ cũng chỉ là một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Một đồng USD yếu có thể giúp các doanh nghiệp này bán được nhiều hàng, nhưng cũng làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào của họ.

Đó là lý do vì sao một nghiên cứu năm 2014 bởi Mary Amity, Oleg Itskhok và Jozef Konings đã cho thấy rằng trong những năm gần đây, thay đổi tỷ giá không còn là cách hiệu quả để điều chỉnh cán cân thương mại như trước đây nữa.

Ngoài việc giảm giá đồng USD, nước Mỹ cũng có thể tính tới việc điều chỉnh thuế biên giới, vốn đang được xem xét bởi Quốc hội, nghĩa là tăng thuế nhập khẩu và giảm thuế xuất khẩu. Điều này sẽ xóa bỏ một phần tình trạng trốn thuế cũng như giảm bớt chi phí mà các doanh nghiệp sử dụng để tránh né thuế. Nhưng ảnh hưởng của giải pháp này lên thâm hụt thương mại sẽ hầu như bằng không, vì lý do tương tự như đã đề cập ở trên: những nhà xuất khẩu chính của Mỹ cũng là những nhà nhập khẩu lớn.

Trong dài hạn, cách tốt nhất để giảm thâm hụt thương mại là khuyến khích người dân Mỹ tiết kiệm hơn và các công ty Mỹ đầu tư nhiều hơn. Điều này không chỉ giảm thâm hụt thương mại của nước Mỹ, mà còn giúp thế hệ tương lai giàu có hơn.

Bài viết thể hiện quan điểm của Giáo sư tài chính Noah Smith tại Đại học Stony Brook (Mỹ)

Bá Ước

Nguồn BloombergView


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày