Công Nghệ

Có gì trong kho hàng Tiki?

Huy Vũ Thứ Ba | 20/06/2017 12:30

Những lúc cao điểm, nhân viên Tiki.vn có thể lấy trên 5 món hàng trong vòng một phút.

Không nằm trong trụ sở tòa nhà cao tầng mà “trái tim” của Tiki thật sự đặt trong những kho hàng. Vì thế, tin đồn Tiki thiếu vốn hoặc biến động nhân sự không làm người đứng đầu doanh nghiệp này quan tâm hơn kế hoạch mở rộng kho hàng.

Cảm hứng từ Amazon

Cách sân bây Tân Sơn Nhất (TP.HCM) khoảng vài km là kho trữ hàng của Tiki.vn, rộng 5.000m2. Đây là kho hàng tối ưu nhất của doanh nghiệp tính này tới thời điểm hiện tại. Bên trong kho, hàng hóa được sắp xếp một cách tối ưu nhất với tỉ lệ lấp đầy 90% diện tích. Nhóm hàng điện lạnh, điện tử để gần cửa ra vào và tách biệt với các mặt hàng khác. Trưởng bộ phận Kho hàng của Tiki cho biết, sức chứa hiện tại của kho khoảng 1,5 triệu sản phẩm, khi cần thiết có thể nâng lên 2,2 triệu sản phẩm.

Từ năm 2011, Tiki được truyền cảm hứng từ Amazon theo cách sắp xếp hàng hóa không “giống ai” khác với các kho hàng truyền thống. Đó là đường đi lấy hàng không bị ngắt quãng, kéo dài đến hết kệ hàng, ước tính khoảng 36m và các dãy chứa đồ thì được pha trộn khi vừa chứa sách, lại vừa chứa gậy selfie thậm chí là cả đồ dã ngoại hay kiếng bơi. Nhưng những lúc cao điểm, nhân viên Tiki.vn có thể lấy trên 5 món hàng trong vòng một phút.

Mỗi ngày Tiki nhập kho trên 20.000 kiện hàng và xuất kho nhiều hơn con số đó. Khi cao điểm con số này tăng gấp đôi, gấp ba lần trong đó số lượng hàng đổi trả do lỗi từ nhà cung cấp của Tiki phải dưới 1%. Dù quy định chặt chẽ như vậy nhưng yêu cầu nhân viên làm việc tại kho lại khá đơn giản. Họ nói vui: “Ngoài yếu tố trung thực thì nhân viên chỉ cần đáp ứng hai yêu cầu khác là biết đọc và biết đi”. “Phần còn lại sẽ do hệ thống sắp xếp”, ông Trần Ngọc Thái Sơn, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Tiki, cho biết.

Năm 2016, Công ty Cổ phần VNG đầu tư 384 tỉ đồng tương đương với 38% cổ phần Tiki. Phần lớn số tiền đó đã được Tiki đầu tư vào hệ thống hậu cần gồm kho bãi, phần mềm, hệ thống thanh toán trực tuyến… Theo ông Sơn, Tiki.vn luôn đặt cam kết về chất lượng dịch vụ làm cốt lõi, trong khi ngành thương mại điện tử nhân lực ít lại hay biến động. Chính vì thế, hệ thống là giải pháp giúp Công ty luôn theo đuổi định hướng ban đầu.

Cuối tháng 5 vừa qua, website Top Mốt, hoạt động theo hình thức Flash-sale (giảm giá hàng hóa trong một thời gian ngắn) đã phát đi thông báo đóng cửa. Được thành lập cuối năm 2015, bởi ông Erik Jonsson, cựu Giám đốc Điều hành Zalora Việt Nam (nay là Robins), chưa đầy 2 năm, Top Mốt đã nối gót beyeu.com, deca.vn, lingo.vn… trong danh sách phải đóng cửa ở thị trường Việt Nam.

Phân tích kỹ hơn, các website đóng cửa có điểm chung là đi theo mô hình B2C (doanh nghiệp đến khách hàng). Nhóm này nhập hàng giá sỉ về bán lẻ, nhưng khoản thu từ tiền hoa hồng không kham nổi chi phí khuyến mãi để kéo người sử dụng về website, phí kho bãi và vận hành doanh nghiệp ở thị trường mới mẻ như Việt Nam. Từ hơn chục cái tên, hiện nay nhóm B2C rút lại chỉ còn vài đại diện như vuivui.com (Thế Giới Di Động), Adayroi.com (VinEcom), LeFlair (tương tự Top Mốt).

Nhận thức được rào cản, bắt đầu từ giữa năm 2013, Lazada Việt Nam đã đưa mô hình Marketplace vào thị trường Việt Nam. Có thể hiểu đơn giản, Marketplace như ngôi chợ, ở đó có hàng do Lazada Việt Nam nhập về bán và có cả hàng do doanh nghiệp khác bán. Tỉ lệ này hiện nay được Lazada Việt Nam duy trì ở mức 40% nội bộ, 60% là của các doanh nghiệp.

Với mô hình Marketplace, các trang thương mại điện tử có thể mở rộng ngành hàng trong thời gian ngắn mà không cần nhiều vốn, từ đó tăng tổng giá trị các hàng hóa được đặt qua trang đó (viết tắt là GMV).

Ngược đường Lazada

Trao đổi với NCĐT qua email, ông Alexander Dardy cho biết để đi nhanh, Lazada Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển theo hình thức sàn giao dịch. Trong năm nay, Công ty sẽ cung cấp nhiều công cụ để đối tác bán hàng một cách tự chủ như tự trang trí cửa hàng trực tuyến, chủ động nói chuyện với khách hàng, chủ động điều chỉnh giá... “Những người bán hàng trên Lazada Việt Nam sẽ phản ứng nhanh với nhu cầu của thị trường, miễn là nằm trong khuôn khổ quy định. Chúng tôi giờ đây không chỉ là một kênh phân phối mà còn là một kênh tiếp thị”, ông Alex cho biết.

Dù được xem là đối thủ trực tiếp của Lazada Việt Nam nhưng phải đến giữa tháng 3 vừa qua, Tiki mới mở rộng thêm mảng Managed Marketplace (Sàn giao dịch có kiểm soát). Theo ông Sơn, rất khó để đánh giá là sớm hay chậm vì mỗi doanh nghiệp đều có cột mốc thời gian để ra mắt dịch vụ. Sau hơn một tháng thử nghiệm, hiện có 300 đơn vị đang tham gia bán hàng.

Ông Sơn cho biết điểm khác biệt là để tham gia bán hàng trên Tiki, doanh nghiệp phải đưa hàng vào kho đơn vị này. Nói cách khác, Tiki vẫn sẽ đứng ra kiểm soát chất lượng hàng hóa. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tăng gấp đôi diện tích của kho hàng ở Hà Nội lên 3.000m2 để chuẩn bị cho việc mở rộng. “Có khá nhiều doanh nghiệp quan tâm đến dịch vụ này của Tiki”, ông Sơn nói.

Có thể thấy Tiki và Lazada Việt Nam là hai hình ảnh trái ngược hoàn toàn. Trong khi Lazada Việt Nam luôn công bố số lượng hàng hóa, tốc độ hàng bán ra và số GMV nhưng rất ít khi tiết lộ số lượng đơn hàng hay tỉ lệ đổi trả. Tiki thì ngược lại, công bố gần như các chỉ số kèm theo tỉ lệ đổi trả để khẳng định chất lượng dịch vụ vẫn là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, ông Sơn có lý do để làm như vậy vì uy tín vẫn là điều còn thiếu ở thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Các nhà đầu tư giờ đây quan tâm nhiều hơn đến giá trị giao dịch ròng (NMV), là con số GMV sau khi trừ tất cả các chi phí khác. Ở Việt Nam, chưa doanh nghiệp nào công bố chỉ số NMV, nhưng có thể thấy chỉ số này phụ thuộc rất nhiều vào sự trung thành của khách hàng.

Không chia sẻ số lượng khách hàng trung thành, nhưng ông Sơn cho biết tỉ lệ khách quay lại đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ dịch vụ Công ty cải thiện qua hằng năm. Tuy nhiên, giờ đây, khi từ bỏ mô hình B2C và tham gia vào Marketplace, chất lượng dịch vụ của Tiki sẽ như thế nào? Nên nhớ mặt trái của Marketplace truyền thống là số lượng ngành hàng tăng lên nhanh chóng, trong khi không thể tăng người tương ứng vì áp lực chi phí, dẫn đến những lỗ hổng trong kiểm soát chất lượng hàng hóa. Việc phát triển quá nhanh cũng khiến các đối tác như giao nhận không theo kịp. Rất nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì hệ quả của Marketplace. “Đơn giản là khi bạn ăn uống điều độ, có kiểm soát thì bạn sẽ không bị bội thực”, ông Sơn nói.

Huy Vũ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày