Công Nghệ

Thời trang mở lối A.I

Xuân Mai Thứ Bảy | 11/01/2025 07:30

Ngành dệt may và thời trang Việt Nam đang nỗ lực bắt kịp làn sóng ứng dụng A.I, công nghệ 3D, robot hóa... của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu. Ảnh: TL

Công nghệ có thể thay đổi được nghịch lý tại quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu?
Ngành dệt may và thời trang Việt Nam đang nỗ lực bắt kịp làn sóng ứng dụng A.I, công nghệ 3D, robot hóa... của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu. Ảnh: TL

Tổng Công ty Đức Giang gần đây ra mắt dự án sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) trong thiết kế. Với sự trợ giúp của A.I, Công ty có thể tạo ra 150 thiết kế chỉ trong 5 tiếng, cùng hình ảnh 3D trực quan. Đây là con số ấn tượng nếu so với 3-5 nhân sự thực hiện khoảng 60 thiết kế trong vòng 3 ngày. Đặc biệt, toàn bộ các khâu từ chất liệu, kiểu dáng đến thống nhất thiết kế có thể thực hiện đồng bộ, giúp giảm thiểu thời gian và nhân lực.

Trong khi đó, nhà thiết kế thời trang Việt Nam Trần Minh Đạo (Tom Trandt) cho biết anh đã sử dụng A.I trong thiết kế, nhờ đó công cụ này dần nắm bắt được sở thích của anh về màu sắc, chất liệu, kiểu dáng, qua đó có thể gợi ra các ý tưởng thiết kế mới. “Trước đây, tôi cần hàng chục nhân sự làm việc mỗi ngày để thực hiện khoảng 20 tác phẩm. Nhưng với sự hỗ trợ từ A.I, tôi chỉ cần 2 người, đã có thể hoàn thành 30 mẫu”, Tom Trandt nói.

Có thể thấy, ngành dệt may và thời trang Việt Nam cũng đang nỗ lực bắt kịp làn sóng ứng dụng A.I, công nghệ 3D, robot hóa... của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu. Làn sóng này được kỳ vọng có thể khắc phục điểm yếu cố hữu của thời trang Việt Nam.

Nhiều năm qua, thị trường thời trang Việt Nam chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu thời trang ngoại. Theo Vietdata, hơn 200 thương hiệu thời trang quốc tế nổi tiếng như Chanel, Zara, H&M, Uniqlo... hiện đã có mặt và không ngừng mở rộng hệ thống phân phối tại Việt Nam, chiếm ưu thế từ phong cách thiết kế, chất liệu cho đến trải nghiệm mua sắm. Những thương hiệu này chiếm hơn 60% thị phần trong nước và có tốc độ tăng trưởng trung bình ấn tượng từ 15-20%.

Không chỉ đối đầu với các thương hiệu toàn cầu, thời trang Việt Nam còn phải cạnh tranh với hàng giá rẻ từ Trung Quốc, Thái Lan. Vì thế, trong thời gian dài, thời trang Việt bị thất thế ngay tại thị trường nội địa trị giá hàng tỉ USD. Sau thời hoàng kim bùng nổ nhiều thương hiệu như Ninomaxx, Foci, The Blues, PT2000, N&M... thị trường thời trang nội địa dần thu hẹp, chỉ còn một số ít thương hiệu trụ vững.

Mẫu mã kém cập nhật, kênh bán hàng hẹp, ít tạo ra trải nghiệm người dùng, giá cả còn kém cạnh tranh... là hàng loạt nguyên nhân khiến thời trang Việt thất thế. Đây là một nghịch lý khi Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 là 47-48 tỉ USD.

Những khó khăn tại thị trường xuất khẩu khiến nhiều công ty dệt may Việt Nam càng nỗ lực củng cố thương hiệu tại thị trường trong nước. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết May 10 đang phát triển nhiều dòng sản phẩm tại thị trường nội địa như May 10 Expert, May 10 Series, May 10 Classic, May 10 Classic Suit... Tổng Công ty Đức Giang cũng liên tục mở mới các cửa hàng giới thiệu sản phẩm thuộc thương hiệu thời trang HeraDG, S.PEARL. Nhiều nhãn hàng Việt Nam khác như May Việt Tiến, May Nhà Bè... cũng liên tục mở rộng điểm bán tại thị trường nội địa.

Hướng đi của thời trang nội là chuyển đổi sang các mô hình sản xuất hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0, thân thiện với môi trường... để tăng khả năng cạnh tranh. Chẳng hạn, theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Việt Thắng Jean, Công ty đã chuyển đổi 100% sang việc áp dụng công nghệ xanh, vừa có thể nâng cao sản xuất vừa gắn với bảo vệ môi trường. Một trong những hạng mục đầu tư của Việt Thắng Jean là dây chuyền sản xuất 10.000 sản phẩm hoàn chỉnh với giá 12,5 triệu USD, gấp 8 lần so với dây chuyền bình thường. 

Là doanh nghiệp nổi tiếng với vải thân thiện môi trường, Faslink ứng dụng A.I trong thiết kế sản phẩm, giúp đội ngũ sáng tạo phát triển ý tưởng mới nhanh hơn thông qua phân tích và gợi ý các xu hướng thời trang, dự đoán về xu hướng màu sắc và thiết kế được yêu thích. Ông Võ Thành Phước, Trưởng Phòng Phát triển sản phẩm tại Faslink, cho biết Công ty triển khai công nghệ 3D, ban đầu việc giảm hàng mẫu chỉ đạt khoảng 30%, nhưng hiện đã tăng lên 50%, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí nhân công, nguyên vật liệu và thời gian.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), nhận định một trong những thành công nổi bật của ngành dệt may Việt Nam thời gian qua là việc ứng dụng công nghệ robot, A.I, công nghệ 3D vào nhiều công đoạn của chuỗi sản xuất. Các công nghệ này không chỉ giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ động hơn trong việc sáng tạo và sản xuất mẫu mới, mà còn giúp tăng khả năng kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, từ sợi, dệt đến lưu trữ và vận chuyển hàng hóa...

Có thể thấy, thị trường thời trang Việt đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của việc mua sắm và thói quen người tiêu dùng. Dưới góc nhìn tích cực, thời trang Việt Nam cũng đang bắt dần với xu thế của thế giới và không gian  tăng trưởng sẽ rộng mở hơn nếu tận dụng được công nghệ tiên tiến để tạo đột phá.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày