Công Nghệ

Trung Quốc quyết tâm không dùng công nghệ của phương Tây trong chính phủ

Trang Lê Thứ Tư | 11/12/2019 10:08

Nguồn ảnh: fortune

Trong khi Mỹ và nhiều nước không dùng thiết bị của Huawei nhằm tránh bị lộ thông tin, Trung Quốc cũng đang có hành động tương tự để đáp trả.
Nguồn ảnh: fortune

Chính phủ Trung Quốc đưa ra quyết định này nhằm loại bỏ công nghệ nước ngoài khỏi các cơ quan nhà nước và các tổ chức khác. Đây là một hành động đầy quyết tâm trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang có tranh chấp về thương mại. 

Mỹ đã nhiều lần kêu gọi các nước không dùng thiết bị 5G của hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc để đảm bảo an ninh quốc gia. Trung Quốc đang thay thế 20 triệu máy tính trong các cơ quan hành chính với mục đích tương tự.

Ở phía bên kia “chiến tuyến”, Trung Quốc cũng đã ra lệnh loại bỏ tất cả thiết bị và phần mềm máy tính nước ngoài ra khỏi các văn phòng chính phủ và các tổ chức công cộng trong vòng ba năm. Đã có hơn 100 dự án thử nghiệm cho các sản phẩm công nghệ trong nước đã được hoàn thành vào tháng 7, theo China Securities.

Chính phủ Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đã cố gắng thay thế công nghệ nước ngoài, đặc biệt công nghệ Mỹ từ nhiều năm nay.

Một bài báo của Bloomberg năm 2014 viết rằng, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu loại bỏ hầu hết công nghệ nước ngoài khỏi các ngân hàng, quân đội, cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước vào năm 2020.

Kế hoạch ‘Made in China 2025’ của Trung Quốc cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể cho việc độc lập công nghệ, dù vậy chính sách này đã bị giảm tầm quan trọng sau khi nó được cho là một phần nguyên nhân kích hoạt thương chiến Mỹ – Trung kéo dài 17 tháng qua.

Hiện tại, các chính sách quyết liệt của tổng thống Donald Trump nhắm vào Trung Quốc và các công ty công nghệ hàng đầu nước này càng củng cố thêm tính cấp bách của nỗ lực trên. Chính quyền của ông Trump đã cấm các công ty Mỹ làm ăn với hãng Huawei và đưa thêm nhiều công ty Trung Quốc khác vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ.

"Cuộc chiến thương mại đã bộc lộ nhiều lĩnh vực yếu kém về kinh tế của Trung Quốc", ông Brock Silvers, Giám đốc điều hành của Adamas Asset Management cho biết. Tờ Financial Times ước tính Trung Quốc sẽ phải thay thế từ 20 triệu tới 30 triệu phần cứng máy tính và công việc này sẽ bắt đầu được triển khai từ năm 2020.

Các chuyên gia phân tích cho biết 30% công việc thay thế sẽ được thực hiện trong năm 2020, 50% trong năm 2021 và 20% còn lại trong năm 2022.

Bắt đầu từ năm 2020, các ngành công nghiệp chính như tài chính, năng lượng và viễn thông sẽ thử nghiệm nhiều sản phẩm trong nước hơn. Các ngân hàng Trung Quốc phải chuyển từ IBM  và Oracle sang kiến trúc tập lệnh X86 của Intel đa dạng hơn và cuối cùng là phần cứng sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc.

Trung Quốc đã quyết định áp dụng kiến ​​trúc ARM (trước đây là Advanced RISC Machine, ban đầu là Acorn RISC Machine) cho phần cứng trong nước, China Securities cho biết.

"Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng có thể giúp tạo ra một thị trường mới cho các sản phẩm nội địa", nhà phân tích Shi Zerui của Securities China Securities viết.

Cho đến nay, nỗ lực của Bắc Kinh vẫn gặp nhiều trở ngại khi ngành công nghiệp nội địa của họ vẫn chưa cho thấy khả năng có thể bắt kịp công nghệ nước ngoài trong những lĩnh vực nhất định.

Nguồn Fortune


Tin nổi bật trong ngày