Bê bối tham nhũng rúng động chính trường Brazil
Nữ Tổng thống Dilma Rousseff sẽ còn nhớ rất lâu cái ngày 6/9/2014. Vào ngày này, một cơn địa chấn chính trị đã làm bà chao đảo và có thể gây tổn hại cho cơ hội tái đắc cử của bà trong kỳ bầu cử sắp tới, ngày 5/10. Nguyên nhân là tạp chí Veja vừa tiết lộ danh sách các nghị sĩ trong liên minh cầm quyền đã nhận hối lộ. Trong danh sách này có nhiều nghị sĩ, 1 thống đốc, 1 bộ trưởng, 2 chủ tịch Lưỡng viện, thủ quỹ của đảng Lao động - đảng của bà Rousseff.
Trung tâm của scandal này là Paulo Roberto Costa, cựu Chủ tịch tâp đoàn Petrobras. Mọi bí mật cũng rò rỉ từ người này.
Đối với bà Rousseff, đây quả là một thảm họa. Sau khi đắc cử Tổng thống năm 2010, chẳng phải bà đã hứa một trong các ưu tiên hàng đầu sẽ là đấu tranh chống tham nhũng đó sao? Những tiết lộ đó càng đáng lo ngại hơn vì chẳng những nó làm hại đến đảng của bà, cả Tập đoàn Petrobras, mà vào thời gian vụ việc xảy ra, bà là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Petrobras, tập đoàn sở hữu nhà nước lớn nhất Brazil, niềm tự hào của dân tộc, lại bị hoen ố bởi một vụ việc mà hiện nay chưa ai biết tác hại của nó sẽ đến đâu.
Nhưng bà Dilma Rousseff biết được những gì? Tại Brazil, câu hỏi đó đang nằm trên cửa miệng của mọi người. Từ vài tháng qua, bà Rousseff đã bị chỉ trích vì vai trò của bà trong một vụ việc khác của Petrobras - vụ mua lại một nhà máy lọc dầu ở Texas với cái giá trên trời. Việc mua bán này đang bị Quốc hội điều tra.
Mọi việc bắt đầu tại Bỉ. Năm 2006, khi Tập đoàn dầu khí Transcor Astra của Bỉ nhượng lại cho Petrobras một nửa số cổ phần của một nhà máy lọc dầu tại Pasadena (Texas). Bỉ và Brazil dự tính sẽ cùng nhau khai thác nhưng sau đó đã xuất hiện các bất đồng về vấn đề hiện đại hóa nhà máy. Đến năm 2008, cổ đông chính của Transcor Astra là một công ty đầu tư của tỉ phú Bỉ Albert Frère đòi chấm dứt sự hợp tác. Hợp đồng mua bán cho phép điều đó vì có một điều khoản gọi là "chọn lựa bán".
Trong trường hợp này Petrobras chỉ cần mua lại số cổ phần của Bỉ. Nhưng phía Brazil lại không chấp thuận. Họ đưa vụ việc ra trước một tòa án Mỹ và thua kiện. Kết cục: việc mua lại nhà máy lọc dầu đã ngốn của họ 1,1 tỉ USD trong khi trước đó Bỉ chỉ mua với giá 42,5 triệu USD. Vì nhà nước là cổ đông chính của Petrobras, nên mọi người yêu cầu phải giải thích tại sao lại để ngân quỹ quốc gia phải chi một núi tiền phi lý như vậy.
Ai đã ký hợp đồng đó? Chính là bà Dilma Rousseff. Vào thời ấy, bà là Chánh Văn phòng của Tổng thống Lula, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Petrobras. Theo nghị sĩ Rodrigo Maia của phe đối lập và là thành viên của Ủy ban điều tra, "quy chế của Petrobras rất rõ ràng: chỉ có Chủ tịch Hội đồng quản trị mới có quyền quyết định mua bán".
Nhưng bà Rousseff đã quy tội Giám đốc đối ngoại thời ấy là Nestor Cervero đã chuyển cho bà một bản tóm tắt dự án không đầy đủ vì không nêu ra điều khoản "chọn lựa bán" nói trên. Nhưng luật sư của Nestor phản bác vì "bản tóm tắt không cần phải đi vào chi tiết. Các ủy viên Hội đồng quản trị chỉ cần yêu cầu bên phía tư pháp giải thích rõ ràng. Nhưng họ đã không làm thế. Từ nhiều năm nay tại Petrobras các quyết định luôn được thực hiện như thế".
Một cán bộ cấp cao giấu tên biết rõ hoạt động của hội đồng và đã cho phóng viên tờ L'Express biết: "Hội đồng chỉ nhóm họp mỗi tháng 1 lần. Trong 3 giờ họ bàn thảo về việc khảo sát thăm dò tại châu Phi, khai thác ngoài biển hoặc lọc dầu. Quá ít đối với một công ty đang đầu tư 220 tỉ USD vào các dự án dầu khí. Thật ra việc bỏ phiếu chỉ là hình thức".
Mọi người lên án bà Rousseff là thiếu năng lực. Một số người tìm kiếm những điều ám muội khác và phát hiện ra rằng Albert Frère giữ 1,4% cổ phần của Tập đoàn GDF Suez, có chi nhánh là Tractebel Energia, công ty này còn tham gia tài trợ cho chiến dịch tranh cử của bà Rousseff vào năm 2010.
"Quả thật chúng tôi đã chi ra hơn 500.000 euro cho ủy ban tranh cử của bà Rousseff và đảng Lao động. Thủ tục này là hợp pháp. Chúng tôi cũng chi ra 160.000 euro cho đối thủ của bà. Việc này không liên quan gì đến các hoạt động khác của cổ đông Albert Frère" - GDF Suez cho biết.
Một người thân cận với Albert Frère thổ lộ: "Chúng tôi mua lại nhà máy lọc dầu ở Pasadena với giá rất thấp. Sau đó thị trường nóng lên. Chúng tôi đã gặp may. Không có bất kỳ sự bất thường nào, nếu không tòa án Mỹ đã không phán cho chúng tôi thắng kiện".
Mọi việc có thể dừng lại ở đấy cho đến ngày 6/9 khi xuất hiện Paulo Roberto Costa. Trong lúc điều tra về một vụ rửa tiền không liên quan gì đến Petrobras, Cảnh sát Liên bang phát hiện ra người đàn ông bí ẩn đó. Ngoài 50 tuổi, tóc đã hoa râm, viên kỹ sư này đã làm việc lâu năm tại Petrobras và có nhiều điều tiếng không hay.
Một kỹ sư khác là Ronaldo Tedesco cho biết: "Tôi từng làm việc dưới quyền Costa nhiều năm trên giàn khoan Bacia de Campos ở phía bắc Rio de Janeiro. Đó là một người rất độc đoán, khắc nghiệt với công nhân. Một hôm chúng tôi đình công trong 1 giờ để đòi tăng lương và có điều kiện an toàn tốt hơn. Costa đã sa thải chúng tôi ngay lập tức".
Được hậu thuẫn bởi đảng Tiến bộ, đồng minh của đảng Lao động, Costa được thăng chức giám đốc lọc dầu và tiếp liệu vào năm 2004 cho đến khi từ chức năm 2012. Trong thời gian đó, Costa đảm trách việc xây dựng một nhà máy lọc dầu tại Abreu e Lima. Cảnh sát Liên bang và Tòa án Tài chính thắc mắc vì sao phí tổn xây dựng lại bị đội lên gấp 7 lần, từ 2,5 lên 18,5 tỉ USD.
Các thanh tra thuế vụ quan tâm đến 4 hợp đồng lớn đã làm đội thêm 300 triệu USD. Một số chi phí rất đáng ngờ. Chẳng hạn để xây dựng nhà máy lọc dầu, phải đặt hàng số thép nhiều hơn gấp đôi so với tính toán. Có sự đội giá trong những hợp đồng không? Các điều tra viên tin thế, và nhờ những đồng nghiệp Thụy Sĩ, họ đã đóng băng được 12 tài khoản của Paulo Roberto và 2 cô con gái, tổng cộng 23 triệu USD.
Thế là từ phát hiện này sang phát hiện khác, đường nét của một mạng lưới tha hóa dần hiện rõ, trong đó Paulo Roberto Costa có vai trò không nhỏ. Với hy vọng được nhẹ tội, Costa đã "lật bài". Ông ta giải thích với các điều tra viên về cơ chế của guồng máy: những nhà cung cấp và nhà thầu muốn làm việc với Petrobras phải đóng 3% giá trị hợp đồng vào một "quỹ song song". Sau đó tiền được phân chia cho các đồng minh chính trị. Mục tiêu là đảm bảo sự gắn kết của liên minh chính phủ.
"Scandal này cũng không đáng ngạc nhiên khi người ta biết cách hoạt động của hệ thống chính trị Brazil. Đảng Lao động chỉ có 1/3 số ghế tại Quốc hội. Nếu muốn nắm quyền, nó phải liên kết với các đảng khác bằng cách tặng một vài chức vụ trong chính quyền và các xí nghiệp công. Cựu Tổng thống Lula da Silva đã mua chuộc sự hợp tác của các đảng khác bằng cách đó.
Để chấm dứt điều này, Tổng thống Dilma Rousseff đã đưa ra ý tưởng cải cách hiến pháp nhưng tất nhiên Quốc hội không đồng tình" - Francois-Michel Tourneau, Giám đốc nghiên cứu của CNRS, giải thích.
Làm sao bà Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrobras lại không biết đến sự thâm lạm đó? Tệ hơn nữa, mới đây Paulo Roberto Costa lại cáo buộc cựu Tổng thống Lula đã biết rõ mọi chuyện, đồng thời thú nhận rằng, hợp đồng mua Nhà máy lọc dầu Pasadena cũng gian trá. Bà Rousseff càng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn vì bà đã gắn kết hình ảnh của mình với Công ty Petrobras. Cổ phiếu của Petrobras đã sụt giảm thê thảm như uy tín của bà Tổng thống.
Người dân Brazil đã chán nản. Petrobras là một giọt nước làm tràn ly. Dư luận cho rằng bà Rousseff đã quản lý tập đoàn này bằng "bàn tay thép trong suốt". Thật vô lý khi bà bảo rằng không biết gì cả. Chính phủ đã hỗ trợ cho vụ thâm lạm lớn chưa từng có trong két sắt của tập đoàn lớn nhất Brazil.
Nguồn CAND
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư