Thế giới

Trung Quốc được và mất gì sau 7 thập kỷ phát triển

Hà Linh Thứ Ba | 01/10/2019 10:52

Ảnh: SCMP

Từ một nước nghèo, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, quốc gia này đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới.
Ảnh: SCMP

4 thập kỷ Cải cách và Mở cửa giúp Trung Quốc trở thành cường quốc

Năm 1949, nước Công hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập. Tại thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người của người dân chỉ đạt 700 USD, chưa bằng 5% so với thu nhập của người Mỹ. Có tới 95% dân số sống dưới mức nghèo theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, Trung Quốc đã đạt được những cải thiện nhất định. Trong giai đoạn 1951 đến 1977, mức tiêu thụ bình quân đầu người tăng khoảng 50%.

Tại thời điểm bắt đầu quá trình Cải cách và Mở cửa vào năm 1978, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 1,5% thị phần kinh tế Thế giới. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp , và có tới 90% dân số vẫn sống trong nghèo đói.

Trong bối cảnh đó, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã thực hiện chính sách mở cửa kinh tế, thu hút đầu tư, thương mại nước ngoài, thực hiện ý tưởng mới về quản lý kinh tế, tự do hóa giá cả, cho phép khu vực tư nhân phát triển, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và con người. Do đó, trải qua 4 thập kỷ, Trung Quốc đã biến từ một nước nghèo thành một siêu cường về kinh tế.

Trong giai đoạn 1978 – 2018, tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 9,5%. Năm 1978, GDP của Trung Quốc chỉ đạt 367,9 tỷ NDT, sau 40 năm con số này đã tăng lên thành 90 nghìn tỷ NDT (13,18 nghìn tỷ USD). Nhờ đó, GDP bình quân đầu người cũng tăng lên 50 lần từ mức 200 USD năm 1979 lên khoảng 10.000 USD vào năm 2018.

Thương mại của Trung Quốc với thế giới
Thương mại của Trung Quốc với thế giới. Ảnh: CNBC

Ông Li Deshui, một nhà hoạch định kinh tế Trung Quốc kỳ cựu và cựu lãnh đạo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, năm 1949, Trung Quốc có 650 triệu người và nhiều người không có đủ lương thực. Hiện nay, dân số Trung Quốc đã tăng lên 1,4 tỷ người và vấn đề an ninh lương thực đã được đảm bảo. Sản lượng thép thặng dư của Trung Quốc mỗi năm tương đương với tổng sản lượng thép của Mỹ.

Cuối năm 2010, Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuổi thọ người dân tăng từ 66 năm 1979 lên 76 vào năm 2016.

Trung Quốc đã trở thành động lực chính của tăng trưởng toàn cầu trong thập kỷ qua. Hiện quốc gia này đang đứng đầu thế giới về doanh số bán xe hơi, xuất khẩu và dự trữ ngoại hối… Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng giúp Trung Quốc có thêm nguồn lực để mở rộng độ phủ ra nước ngoài thông qua các chương trình đầu tư, tài trợ về cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới.

Hàng loạt thách thức mới cho Trung Quốc

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển. Nguyên nhân là do GDP bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn ở mức trung bình. Năm 2018, mặc dù GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng vượt bậc và đạt 10.000 USD, song chỉ bằng 86% mức trung bình của thế giới, gần 1/6 của Mỹ và gần 1/5 của các nước phát triển.

Đặc biệt, trong hơn một thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang có sự sụt giảm. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm từ 14,23% vào năm 2007 xuống còn 6,6% trong năm 2018 và tiếp tục giảm xuống còn 6,2% trong quý II/2019.

Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Ảnh: SCMP
Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Ảnh: SCMP

Vấn đề nợ công và khủng hoảng thừa vẫn chưa được giải quyết triệt để, mức độ chênh lệch giàu - nghèo vẫn còn cao, Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.

Đồng thời, mối quan hệ giữa Trung Quốc với nhiều nước, đặc biệt là Mỹ đang ở mức thấp nhất khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc đã diễn ra trong hơn một năm qua và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Cùng với đó, các chính sách kinh tế như "Made in China 2025" hay sáng kiến Vành đai và Con đường khiến nhiều nước lo ngại về tham vọng thống trị kinh tế toàn cầu cũng như gây ảnh hưởng chính trị ở các khu vực trên thế giới.

Về Khoa học công nghệ, Trung Quốc vẫn là nước đi sau khi chưa đạt được những thành tưu lớn. Từ năm 1901 đến nay, Trung Quốc chỉ đạt 3 giải Nobel, trong khi Mỹ có tới 375 giải, còn châu Âu là 480 giải. Cựu bộ trưởng khoa học và công nghệ Trung Quốc, Miao Yu cho biết, Trung Quốc đứng thứ 4 thế giới về nghiên cứu khoa học, sau Mỹ, Nhật Bản, Đức.

Vấn đề môi trường cũng là thách thức lớn với Trung Quốc khi đây là quốc gia phát thải CO2 lớn nhất thế giới. Trung Quốc cần phải giải quyết tất cả các vấn đề này nếu muốn vươn lên thành một nước phát triển.

►Khu thương mại tự do Trung Quốc chật vật cạnh tranh thu hút đầu tư với Việt Nam

Thịt nhân tạo: Cuộc đua mới giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc

Thủ tướng Trung Quốc: Rất khó để duy trì tăng trưởng kinh tế từ 6% trở lên


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày