Công Nghệ

Mở lớp học 2030

Minh Đức Thứ Sáu | 01/03/2024 08:00

Không chỉ hỗ trợ người học, A.I hay ChatGPT có thể trở thành những trợ lý đắc lực cho giáo viên. Ảnh: shutterstock.com.

Bài toán giáo dục kết hợp sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (A.I) cũng như nhiều công nghệ khác để tạo ra những thay đổi đột phá trong giáo dục.
Không chỉ hỗ trợ người học, A.I hay ChatGPT có thể trở thành những trợ lý đắc lực cho giáo viên. Ảnh: shutterstock.com.

ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chương trình kết hợp với A.I để tương tác với con người do Công ty OpenAI phát triển. Đối với học sinh, sinh viên, ChatGPT có thể giúp họ trả lời câu hỏi, giải phương trình toán học, viết văn bản, bài luận, làm thơ, soạn nhạc, thiết kế, sửa mã trong lập trình, dịch giữa các ngôn ngữ...

Không chỉ hỗ trợ người học, A.I hay ChatGPT có thể trở thành những trợ lý đắc lực cho giáo viên như chấm điểm các môn như toán hay vật lý, thống kê hay làm giáo án... A.I có thể giúp giáo viên cá nhân hóa trải nghiệm học tập cho học sinh. Ngoài ra, A.I có thể giúp giáo viên trong nhiều nhiệm vụ như sáng tạo nội dung thông minh, cập nhật nội dung thường xuyên, xác định lỗ hổng trong lớp học, phản hồi dựa trên dữ liệu tùy chỉnh... Cũng không phải chờ đến năm 2023 như tựa đề bài viết mà sẽ sớm có những giáo viên ảo hoặc giáo viên có thể “đứng lớp” nhiều lớp học cùng lúc.

Có thể thấy, A.I mới ở giai đoạn đầu nhưng tiềm năng tác động đến việc học và dạy rất lớn và kỳ vọng sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong giáo dục. Khi A.I toàn diện hơn, nó có thể đem lại những thay đổi căn bản trong cách con người nhận thức và tiếp cận việc học hiệu quả hơn.

Chẳng hạn, theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX (Tổ chức Giáo dục trực tuyến công nghệ thông tin thuộc Tập đoàn FPT), ChatGPT có thể để sinh viên đặt nhiều câu hỏi, nhận xét, phản hồi thoải mái. Nhờ đó, sinh viên FUNiX mạnh dạn trao đổi với giáo viên hơn. Đại diện của Microsoft Việt Nam cũng cho hay, ChatGPT khác với các sản phẩm trước đây ở tính phổ cập, tiếp cận và học hỏi mang màu sắc ngôn ngữ. Đây là điều vô cùng thuận lợi cho công nghệ được xã hội hóa, phát triển ở trình độ cao hơn.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng ngành giáo dục đang phải chống đỡ với cơn lốc A.I khi nhiều trường phải đối mặt với hiện tượng gian lận mới trong việc làm bài tập và kiểm tra kiến thức của học sinh sinh viên. Lạm dụng các ứng dụng như whatGPT có thể làm giảm tính sáng tạo và khả năng tư duy của con người, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập. Dù vẫn còn nhiều tranh luận về A.I và ChatGPT trong giáo dục nhưng đa số đồng ý quan điểm giáo dục cần kết hợp sức mạnh của công nghệ để hướng tới được mục tiêu cao nhất của giáo dục là tạo ra những con người toàn diện.

Hiện nay, với sự bùng nổ công nghệ, giáo dục đã chuyển sang nền giáo dục thông minh, nền giáo dục cung cấp tri thức đã được đổi sang nền giáo dục đào tạo năng lực và phẩm chất. Trong đó, nhiều quốc gia đã bắt đầu chú ý đến việc ứng dụng A.I để chuyển đổi ngành giáo dục. Singapore đã xây dựng chiến lược “Quốc gia thông minh” nhằm tận dụng A.I để tùy chỉnh và cải thiện chất lượng giáo dục cho học sinh. Hàn Quốc đã giới thiệu các hệ thống dựa trên A.I để điều chỉnh bài tập về nhà dựa trên trình độ học vấn của học sinh. Tại Trung Quốc, từ năm 2018 nước này đã lên kế hoạch hành động đổi mới A.I cho các cơ sở giáo dục đại học.

“Kỹ năng A.I sẽ rất cần thiết cho lực lượng lao động ngày mai. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang đầu tư vào đào tạo A.I, với cam kết tiếp cận 2 triệu người học trong 3 năm và mở rộng IBM SkillsBuild để cộng tác với các trường đại học và tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục A.I mang tính sáng tạo mới cho người học trên toàn thế giới”, bà Justina Nixon-Saintil, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tác động của IBM, cho biết. Đây là cam kết của IBM về mục tiêu đào tạo kỹ năng A.I cho 30 triệu người vào năm 2030 để giải quyết những nhu cầu cấp thiết mà lực lượng lao động ngày nay phải đối mặt.

Với tham vọng trở thành một trung tâm A.I của ASEAN vào năm 2030, Việt Nam thúc đẩy đầu tư cũng như khai thác công nghệ này trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Đặc biệt, chuyển đổi số giáo dục là một trong những chủ trương nhằm thay đổi phương pháp dạy và học truyền thống bằng việc ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số, để tạo ra những đột phá về chất lượng giáo dục tại Việt Nam. Nhất là khi công nghệ có thể khắc phục được yếu kém cố hữu của giáo dục Việt Nam: thiếu giáo viên đang là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục khi phải thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục với nhiều môn học mới, yêu cầu mới, thời lượng dạy và học tăng lên.

“Nếu thực hiện tốt, đây (chuyển đổi số) sẽ là cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục, thay đổi nghề nghiệp của người dạy và hoạt động của người học, hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành giáo dục”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Greeni Maheshwari, giảng viên cấp cao Đại học RMIT, nhận định, khi sử dụng các công cụ công nghệ trong giáo dục như A.I thì chúng ta cần phải thiết kế các bài đánh giá theo hướng khuyến khích sử dụng A.I có trách nhiệm và duy trì kỹ năng tư duy phản biện cũng như tính sáng tạo của người học trong quá trình làm bài. “Nếu hành động dựa trên những cân nhắc về đạo đức này một cách có ý thức, các tổ chức giáo dục có thể khai thác lợi ích của A.I song song với duy trì các tiêu chuẩn đạo đức”, bà nói .


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày