Công Nghệ

Thoái trào IPO qua SPAC

Sam Van Thứ Tư | 19/07/2023 13:30

Loại hình IPO này đang bị thất sủng và giảm mức độ phổ biến. Ảnh: Lucid Motors

Phong trào niêm yết bằng cách sáp nhập với một công ty rỗng đang đi xuống tại Mỹ khi hàng loạt thương vụ trong ngành xe điện đổ vỡ.
Loại hình IPO này đang bị thất sủng và giảm mức độ phổ biến. Ảnh: Lucid Motors

Hãng xe điện Lordstown Motors vừa nộp đơn xin phá sản tại tòa án của bang Delaware, Mỹ. Đáng lưu ý, đây là một trong những startup xe điện chọn cách niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán bằng cách sáp nhập với một công ty khác. Hiện tại, Lordstown Motors gần như không còn tiền mặt. Trong khi Lordstown cáo buộc Foxconn lừa đảo vì không thực hiện hàng loạt lời hứa đầu tư theo thỏa thuận rót vốn tối đa 170 triệu USD, Foxconn cho rằng Lordstown vi phạm điều khoản trong thỏa thuận đầu tư khi để giá cổ phiếu rơi xuống dưới 1 USD.

Thành lập năm 2018 nhưng đến tháng 10/2020, startup xe điện này mới sáp nhập với một SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt) có tên là DiamondPeak Holdings Corp. Khi đó, giao dịch được định giá khoảng 1,6 tỉ USD. Nối gót Lordstown Motors, phong trào niêm yết qua SPAC của các startup xe điện nở rộ do hình thức niêm yết này hứa hẹn khả năng tiếp cận vốn nhanh.

“Trái đắng” ngành xe điện

Hàng loạt hãng sản xuất xe điện khác như Lucid, Nikola, Fisker, Canoo cũng đã tiến hành IPO thông qua SPAC. Ở thời điểm hiện tại, một kết quả không quá bất ngờ khi phần lớn các công ty này đang giao dịch với giá bằng hoặc thấp hơn mức định giá sau khi hợp nhất với SPAC.

Lordstown là ví dụ điển hình. Hãng xe này được định giá 1,6 tỉ USD tại thời điểm sáp nhập, nhưng trong vòng chưa đầy 24 tháng, giá trị của công ty này xuống còn 69 triệu USD. 

Tháng 7/2021, Lucid Motors sáp nhập với Churchill Capital Corp. để niêm yết trên sàn Nasdaq. Ban đầu thương vụ này được định giá khoảng 24 tỉ USD và trở thành một trong những giao dịch SPAC lớn nhất vào thời điểm đó. Sau khi sáp nhập, cổ phiếu của Lucid Motors được giao dịch ở mức 7,16 USD. Vốn hóa thị trường giảm hơn 30%, xuống còn là 16,3 tỉ USD tại thời điểm 13/7/2023.

 

Nikola cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tháng 6/2020, nhà sản xuất xe chạy bằng điện và hydro sáp nhập với VectoIQ Acquisition Corp. để tiến hành giao dịch trên sàn Nasdaq.Sau sáp nhập, Nikola được định giá khoảng 3,3 tỉ USD. Tuy nhiên, sau khi giao dịch, hãng xe điện này đối mặt với cáo buộc gian lận khiến giá cổ phiếu của Công ty lao dốc và niềm tin của nhà đầu tư giảm sút. Đến ngày 13/7/2023, giá cổ phiếu của Nikola giảm còn 1,38 USD, với vốn hóa thị trường là 985 triệu USD. Công ty đã mất gần 70% giá trị.

Nổi lên ở phố Wall từ năm 2020, hình thức niêm yết cổ phiếu thông qua SPAC đang được xem như một giải pháp thay thế cho loại hình IPO truyền thống. Các điều kiện thị trường thuận lợi như lãi suất thấp và tính thanh khoản cao khiến giới đầu tư dành sự quan tâm đặc biệt đến loại hình niêm yết này.

IPO qua SPAC "thất sủng"

Trong những năm qua, có rất nhiều công ty chọn IPO qua SPAC công khai. Có thời điểm, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận hơn 600 đăng ký niêm yết theo hình thức này nên chất lượng thẩm định trong suốt quá trình hợp nhất của các công ty bị sụt giảm nghiêm trọng. Kết quả là các nhà đầu tư bị thua lỗ và bị tác động tiêu cực. 

Loại hình IPO này đang bị thất sủng và giảm mức độ phổ biến. Theo thống kê của Statista, năm 2020 có 248 công ty IPO thông qua SPAC tại Mỹ. Con số này tăng lên 613 trong năm tiếp theo, đến năm 2022, thị trường chỉ còn 86 công ty niêm yết theo hình thức này. Trong 5 tháng đầu năm 2023, chỉ có 14 công ty chọn niêm yết thông qua SPAC. 

Ngoài các hãng xe điện nêu trên, rất nhiều công ty sáp nhập thất bại. Một số vụ sáp nhập SPAC không đáp ứng được kỳ vọng, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả của các tập đoàn sau sáp nhập. Từ đó, lòng tin của nhà đầu tư về chất lượng của các startup càng suy yếu.

 

Các SPAC cũng thường xuyên bị Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ săm soi, tập trung vào những vấn đề như tiết lộ thông tin không đầy đủ, xung đột lợi ích tiềm ẩn và tuyên bố gây hiểu lầm. Thị trường đi xuống và SPAC đã bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm chung của thị trường cũng như thái độ của nhà đầu tư thay đổi.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp tại Mỹ đã phải ngậm ngùi chịu thất bại khi chọn cách niêm yết qua SPAC. Các doanh nghiệp nước ngoài muốn đi con đường này càng khó hơn. Câu hỏi đặt ra là "Liệu phương thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng bằng cách sáp nhập với một doanh nghiệp khác có phù hợp cho thị trường mới nổi như Việt Nam?"

Phải thừa nhận IPO thông qua SPAC cũng có những lợi thế nhất định, vì đây là con đường ngắn nhất giúp các doanh nghiệp tư nhân trở thành công ty đại chúng để thu hút các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, các công ty SPAC thường bị chỉ trích vì không công bố đầy đủ thông tin, xung đột lợi ích tiềm ẩn và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau sáp nhập kém. Để duy trì sự bảo vệ nhà đầu tư và tính toàn vẹn của thị trường, các cơ quan quản lý như Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ đã tăng cường giám sát các SPAC.

Bằng cách đánh giá cẩn thận, các công ty mới nổi có thể giảm thiểu rủi ro, đồng thời tối đa hóa lợi ích của việc sáp nhập SPAC. Điều tra kỹ lưỡng, sử dụng các chuyên gia tư vấn lành nghề và tuân thủ nghiêm ngặt việc tuân thủ quy định là tất cả những điều cần thiết để một vụ sáp nhập thành công và đôi bên cùng có lợi.

Ngoài ra, doanh nghiệp niêm yết cần xác định xem chiến lược đầu tư của công ty SPAC có phù hợp với mục tiêu dài hạn và kế hoạch tăng trưởng của công ty mình hay không, có đảm bảo rằng việc sáp nhập sẽ cung cấp nguồn lực, kiến thức và khả năng tiếp cận thị trường phù hợp.

Các công ty niêm yết cũng cần tìm hiểu các chiến lược để nhận được nguồn tài chính bổ sung ngoài việc sáp nhập SPAC để xử lý các khoản thâm hụt mua lại có thể xảy ra. Tham gia với các nhà đầu tư tổ chức, công ty đầu tư mạo hiểm hoặc nghiên cứu các lựa chọn tài trợ bằng nợ sẽ giúp khắc phục mọi thiếu hụt tài trợ.

Có thể bạn quan tâm:

10 startup A.I “đáng nể” nhất thế giới


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày