Kinh Doanh

28% doanh nghiệp chi trả chi phí ngoài quy định

Vân Nguyễn Thứ Tư | 09/01/2019 09:39

Không gian để cải cách các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu còn rất lớn dù cải cách môi trường kinh doanh cho những con số tích cực.

Báo cáo Mức độ hài lòng của Doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện khảo sát gần 3.000 doanh nghiệp, cho thấy vẫn tồn tại sự xách nhiễu, tiêu cực cho cộng đồng doanh nghiệp.

Có trả phí ngoài quy định

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Hoàng Việt Cường, tại Hội nghị công bố Báo cáo Mức độ hài lòng của Doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018 hôm 8.1, cho biết, Tổng cục Hải Quan đã thực hiện giám sát hải quan tự động, nhằm giám sát cán bộ hải quan và rút ngắn thời gian thông quan.  

Quan trọng hơn, ông Cường nói, Tổng cục Hải quan đã định danh 300 hành vi gây phiền hà, xách nhiễu tiêu cực, đồng thời trang bị hệ thống camera giám sát từ tổng cục xuống các địa điểm thông quan lớn và các chi cục hải quan để chống phiền hà, xách nhiễu tiêu cực.

28% doanh nghiep chi tra chi phi ngoai quy dinh
 

Báo cáo năm 2018 đã dành một phần khá lớn để tìm hiểu tình hình chi trả ngoài quy định của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu. Những nỗ lực của ngành Hải Quan được Báo cáo ghi nhận, nhưng vẫn còn những tồn tại, đòi hỏi tiếp tục phải cải cách.

Có 2.832 doanh nghiệp cung cấp thông tin về chi trả phí ngoài quy định. Trong đó, có 56% doanh nghiệp cho biết “không chi trả chi phí ngoài quy định”, 26% doanh nghiệp chọn phương án “không biết” và 18% thừa nhận “có chi trả chi phí ngoài quy định”.

Tỉ lệ phải chi trả chi phí ngoài quy định của doanh nghiệp có sự khác biệt đáng kể về lĩnh vực kinh doanh. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu và sản xuất, xuất nhập khẩu có tỷ lệ lựa chọn “có” chi trả là thấp nhất, với con số lần lượt là 21% và 17%. Trong khi đó, có đến 40% các đại lý hải quan cho biết phải trả thêm chi phí ngoài quy định. Tỉ lệ này cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics là 28%.

Đặc biệt, trong số 2.832 doanh nghiệp cung cấp thông tin về câu hỏi có phải trả thêm các khoản chi phí ngoài quy định cho các thủ tục hải quan, có 479 doanh nghiệp cho biết có chi trả loại chi phí này khi thực hiện các thủ tục hải quan. Theo đó, có 28% doanh nghiệp thừa nhận có chi trả chi phí ngoài quy định.

Theo nhóm nghiên cứu, hiện tượng chi trả chi phí ngoài quy định cần được lưu ý cả trong thủ tục hải quan cũng như quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Kết quả khảo sát năm nay cho thấy có 212 doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí khi thực hiện các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành cụ thể tại các bộ ngành. Bộ Công thương dẫn đầu, với 108 doanh nghiệp xác nhận có chi trả, kế đến là Bộ Nông nghiệp Nông thôn là 73, Bộ Y tế là 58…

Một điểm quan trọng nữa cũng được Báo cáo này đề cập, đó là khả năng bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí ngoài quy định.

Theo số liệu khả sát năm 2018, có 52% doanh nghiệp cho biết không bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí ngoài quy định, trong khi có 34% doanh nghiệp không biết có bị phân biệt đối xử hay không và chỉ 15% doanh nghiệp cho rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu. Năm 2015, có 31% doanh nghiệp bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí ngoài quy định khi thực hiện thủ tục hải quan.

Trong số doanh nghiệp nhận thấy bị phân biết đối xử, hình thức phổ biến nhất là kéo dài thời gian làm thủ tục, tới 93%. Ngoài ra, 69% phản hồi cho rằng doanh nghiệp có thể bị gây khó khăn cho lần làm thủ tục sau. Các hình thức phân biệt đối xử khác bao gồm yêu cầu giấy tờ, chứng từ không theo quy định, tới 48%, và thái đội không văn minh, lịch sự là 41%.

Năng lực cạnh tranh ít được cải thiện

Theo báo cáo Môi trường Kinh doanh toàn cầu (Doing Bussiness 2019) của Ngân hàng Thế giới, thứ hạng của chỉ số thương mại qua biên giới TAB (chỉ số về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa) của Việt Nam không thay đổi so với báo báo năm 2018, tụt tới 6 bậc so với báo cáo năm 2017, từ bậc 94 xuống 100, xếp thứ 5 các nước ASEAN và sau Lào.

    Khảo sát năm 2018 cho thấy các doanh nghiệp mong muốn quá trình thực hiện xuất nhập khẩu cần tăng cường công khai minh bạch là 45% trong khi nâng cao kỷ cương, kỷ luật và năng lực giải quyết công việc của công chức hải quan chiếm 35%.

TS. Đậu Anh Tuấn cho rằng: “Mức độ thay đổi của chậm hơn các nước trong và ngoài khu vực, dù thủ tục quản lý xuất nhập khẩu của Việt Nam đã được cải thiện”.

Ông lo ngại: “Tình trạng này góp phần làm cho năng lực cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam ít được cải thiện hơn năng lực cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp của nhiều nước khác”.

Thực ra, việc chi trả ngoài quy định của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu phản ánh thực tế các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đang phải đối diện. Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, TS. Đậu Anh Tuấn, nhận xét: “Kết quả khảo sát cho thấy không gian để cải cách thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu còn rất lớn”.

Người đứng đầu Ban pháp chế của VCCI khuyến cáo ngành hải quan và các bộ quản lý chuyên ngành cần cải tiến mạnh hơn ở nhiều lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, bởi số doanh nghiệp mong muốn ngành hải quan và các cơ quan nhà nước có liên quan cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính chiếm tới 70%.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày