Tài Chính

Lãi suất dò đáy, tiền gửi lên đỉnh

Kim Anh Thứ Ba | 12/12/2023 10:57

mặt bằng lãi suất trên thị trường cũng hạ nhiệt đáng kể từ mức đỉnh của năm 2022. Ảnh: TL.

Trái ngược với kỳ vọng, lãi suất tiết kiệm giảm sâu nhưng người dân vẫn “đổ” tiền vào ngân hàng, thay vì đầu tư.
mặt bằng lãi suất trên thị trường cũng hạ nhiệt đáng kể từ mức đỉnh của năm 2022. Ảnh: TL.

Kể từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Theo đó, mặt bằng lãi suất trên thị trường cũng hạ nhiệt đáng kể từ mức đỉnh của năm 2022. 

Thống kê sơ bộ của NCĐT cho thấy, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng đang dao động từ 5,5-5,7%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Cá biệt, nhiều ngân hàng còn huy động với mức lãi suất dưới 5% đối với hình thức gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng. 

 

Thời đỉnh điểm, lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng từng vượt mốc 10%, và đến nay, mức lãi suất 6% cũng gần như mất hút trên thị trường. 

Trong năm 2023, nhiều nhà phân tích đặt kỳ vọng rằng mức lãi suất huy động chạm đáy sẽ là yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư đổ tiền vào các kênh đầu tư như bất động sản hay chứng khoán, từ đó hỗ trợ các thị trường này hồi phục. Sau các nỗ lực giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động trung bình 12 tháng hiện chỉ còn đạt 5,2%, là mức thấp kỷ lục trong lịch sử (thấp hơn giai đoạn COVID-19). Tuy nhiên, thực tế đã diễn ra trái với kỳ vọng. Mặc cho lãi suất giảm mạnh, tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục xác nhận kỷ lục mới. 

 

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm cuối tháng 9/2023, số dư tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt gần 6,45 triệu tỉ đồng, tăng 15.935 tỉ đồng so với tháng trước.

Kể từ đầu năm 2023 đến nay, lượng tiền liên tục được người dân "đổ vào" hệ thống ngân hàng. Tuy mức độ có giảm đi đáng kể sau khi lãi suất giảm sâu, nhưng số dư tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương qua các tháng. 

“Mức tăng trưởng kể trên cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng tiền gửi năm 2022 và là mức cao nhất kể từ năm 2018 tới nay. Có thể thấy, ở thời điểm hiện tại khi bức tranh kinh tế còn đan xen các điểm sáng tối, sự an toàn vẫn là yếu tố được các nhà đầu tư coi trọng nhất”, Công ty Chứng khoán DSC nhận định. 

Theo DSC, trong năm 2023, nhiều quốc gia châu Á đã chọn cách đi ngược FED và sử dụng gần như hết dư địa hạ lãi suất. Với Việt Nam nói riêng, mức lãi suất huy động hiện đã trở về mức rất thấp trong lịch sử. Câu chuyện của thị trường năm 2024 sẽ tập trung vào kết quả phục hồi thực tế của nền kinh tế.

“Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư có thể sẵn sàng bán ra nếu nền kinh tế không thể hồi phục đạt kỳ vọng; chúng tôi đánh giá đây là một yếu tố góp phần dẫn đến hiện tượng bán ròng của khối ngoại tại Việt Nam từ tháng 3/2023”, DSC nhìn nhận. 

Nhiều nước ASEAN cũng có câu chuyện tương tự; nếu câu chuyện đầu tư năm 2024 của các quốc gia phương Tây tập trung vào những bước ngoặt trong chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương lớn, thì có vẻ như nhiều quốc gia châu Á đã “hết đạn” và trở nên kém hấp dẫn hơn trong cuộc chơi chung.

Có thể bạn quan tâm 

Những doanh nghiệp “lạ” chi trả cổ tức bền vững trên sàn


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày