Tài Chính

Ngã rẽ của tài chính tiêu dùng

Lam Hồng Thứ Năm | 12/10/2023 08:30

Mô hình cho vay tài chính tiêu dùng nhắm vào phân khúc khách hàng “dưới chuẩn” (không đủ chuẩn tiếp cận vốn ở ngân hàng). Ảnh: Quý Hòa

Sau giai đoạn bùng nổ, thị trường tài chính tiêu dùng đang đối mặt với khó khăn chưa từng có và đòi hỏi phải có sự thay đổi lớn.
Mô hình cho vay tài chính tiêu dùng nhắm vào phân khúc khách hàng “dưới chuẩn” (không đủ chuẩn tiếp cận vốn ở ngân hàng). Ảnh: Quý Hòa

Thị trường cho vay tiêu dùng đang ở giai đoạn cam go nhất trong nhiều năm qua khi gánh hậu quả từ các khó khăn của nền kinh tế khiến thu nhập người vay giảm mạnh, nợ xấu tăng cao. Riêng trong lĩnh vực tiêu dùng, theo báo cáo của PwC Việt Nam, 62% người tiêu dùng cho biết họ có kế hoạch cắt giảm chi tiêu không cần thiết, mạnh nhất là nhóm hàng hóa xa xỉ, du lịch và thiết bị điện tử...

Đảo chiều đột ngột

Hệ quả là nhiều công ty tài chính có kết quả kinh doanh suy giảm mạnh, theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2023. Chẳng hạn, quý II, VietCredit bất ngờ báo lỗ khi công bố báo cáo soát xét sau kiểm toán, ghi nhận khoản lỗ 73,6 tỉ đồng nửa đầu năm 2023. Trước đó, trong quý I, công ty này báo lãi trước thuế 54,3 tỉ đồng, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2022 và hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm. FE Credit cũng báo cáo khoản lỗ sau thuế 2.996 tỉ đồng dù cùng kỳ năm trước lãi 144 tỉ đồng.

Mô hình cho vay tài chính tiêu dùng nhắm vào phân khúc khách hàng “dưới chuẩn” (không đủ chuẩn tiếp cận vốn ở ngân hàng). Dù vậy, nhiều năm qua, các công ty tài chính có hoạt động kinh doanh bùng nổ với sự hậu thuẫn của các ngân hàng. Sản phẩm vay tiêu dùng có giá trị ngày càng cao, từ việc mua trả góp đồ gia dụng sang mua trả góp ô tô, bất động sản... Theo thống kê, thị trường có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, với dư nợ đạt trên 220.000 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 1,87% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống (tính đến cuối năm 2022).

Tuy nhiên, sau thời gian bùng nổ, thị trường này chững lại đột ngột do kinh tế suy giảm trong bối cảnh người vay rơi vào khó khăn, kéo theo nợ xấu tăng nhanh. Bên cạnh đó, việc không được sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê khiến các “chủ nợ” càng khó xoay xở. Theo số liệu của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến hết năm 2022, nợ xấu của các công ty tài chính tăng 23,09% so với cuối năm trước và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nhận định: “Thời điểm này là giai đoạn khó khăn nhất của các công ty tài chính sau khi ngấm đòn từ dịch bệnh và hệ lụy do khó khăn của kinh tế kéo dài từ năm ngoái đến nay, nhất là hoạt động thu nợ”.

 

Trong bối cảnh này, sau một năm lãi kỷ lục gần 1.200 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm 2023, Home Credit Việt Nam báo cáo lợi nhuận sau thuế chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 211 tỉ đồng. Tương tự, 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu nhập hoạt động của HD Saison tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 314 tỉ đồng, bằng một nửa so với 6 tháng đầu năm 2022. Chi phí vốn do mặt bằng lãi suất ngày càng tăng cao cũng làm hao mòn lợi nhuận của các công ty tài chính tiêu dùng. Tại HD Saison, biên sinh lời (NIM) giảm từ 30,2% về 29,7% khi chi phí vốn tăng từ 6% lên 7,9%.

Ảnh hưởng bởi tình hình chung, các doanh nghiệp điều hành hàng loạt ứng dụng cho vay trực tuyến như ATM online, Doctor Dong, MoneyCat, Robocash... đã thu hẹp hoặc đóng cửa hoàn toàn trong 6 tháng qua. “Tình hình rất khó khăn, công ty chỉ duy trì các khoản vay cũ, giải ngân giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nợ xấu tăng cao. Nếu không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ quyết định chuyển sang thị trường Malaysia hoạt động”, lãnh đạo một ứng dụng cho vay có thị phần lớn tại Việt Nam cho biết.

Mở chặng đua mới

Tại thời điểm này, ngân hàng đang trong trạng thái “thừa tiền” nên vay tiêu dùng đang có cơ hội bùng nổ với lãi suất thấp và điều kiện cho vay dễ dàng hơn. Khảo sát thị trường cho thấy, khách có thể vay tiêu dùng từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, lãi suất cho vay tiêu dùng tại một số ngân hàng thương mại chỉ còn bằng 50% so với thời điểm này năm ngoái.

Trước tình hình trên, nhiều công ty tài chính cũng đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt điều chỉnh chiến lược trung và dài hạn, đầu tư và kết hợp với các đối tác có hệ sinh thái khách hàng lớn.

Ở quy mô lớn hơn, thông tin từ Reuters cho thấy KBank, ngân hàng có quy mô tài sản lớn thứ 3 tại Thái Lan, đang đàm phán mua lại Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam. Nhắm đến phân khúc tiện ích vay dành cho khách hàng cá nhân, KBank muốn tăng số lượng người dùng ứng dụng lên gấp 2,7 lần vào cuối năm 2023, tương ứng con số 1,3 triệu. Các quy định thông thoáng hơn về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử là cơ sở để các ngân hàng triển khai công nghệ vào quy trình cho vay và cạnh tranh với các ngân hàng số, fintech tài chính...

Tại thời điểm này, ngân hàng đang trong trạng thái “thừa tiền” nên vay tiêu dùng đang có cơ hội bùng nổ với lãi suất thấp và điều kiện cho vay dễ dàng hơn. Ảnh: Quý Hòa
Tại thời điểm này, ngân hàng đang trong trạng thái “thừa tiền” nên vay tiêu dùng đang có cơ hội bùng nổ với lãi suất thấp và điều kiện cho vay dễ dàng hơn. Ảnh: Quý Hòa

Ngân hàng UOB mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, trong đó có danh mục cho vay tín chấp, cho vay có tài sản bảo đảm và các mảng kinh doanh quản lý tài sản cũng như ngân hàng bán lẻ của Citigroup. Ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc UOB Việt Nam, cho biết thương vụ chuyển nhượng này cũng bao gồm việc nhận chuyển nhượng gần 600 nhân viên từ Citigroup đang làm việc trong mảng tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Có thể thấy, UOB không giấu tham vọng trong mảng cho vay tín chấp, bao gồm thẻ tín dụng và tín chấp cá nhân, đồng thời bổ sung các khoản vay thế chấp, vay mua ô tô tại thị trường Việt Nam...

Những tập đoàn tài chính đa quốc gia đến từ các nước trong khu vực châu Á cũng đang xúc tiến mạnh mẽ các thương vụ mua bán sáp nhập, góp vốn mua cổ phần tại các ngân hàng thương mại trong nước để thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng. Bên cạnh các đối thủ nước ngoài, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước như Masan, FPT, Viettel, Bamboo... cũng đầu tư mạnh cho mảng tài chính tiêu dùng.

Có thể thấy, trong cuộc đối đầu này, đầu tư cho số hóa đang là chìa khóa để các công ty tài chính lớn cạnh tranh, mở rộng thị phần. Bởi một lượng lớn khách hàng có nhu cầu tài chính tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng các nền tảng ứng dụng phi tiền mặt và các công nghệ vay vốn hiện đại. “Các công ty tài chính tiêu dùng trẻ hơn với mô hình kinh doanh tinh gọn hơn và chuyển đổi mô hình kinh doanh kịp thời sẽ có cơ hội để vượt lên”, báo cáo của FiinGroup nhận định. Đơn vị này nhấn mạnh đây là thời điểm mà cuộc chơi cho vay tiêu dùng sẽ thay đổi.

Đặc biệt, các công ty tài chính tiêu dùng tập trung phát triển kênh bán hàng số hóa hoàn toàn trong bối cảnh đã có những quy định, hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng được triển khai cho vay bằng phương thức điện tử. Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng xét duyệt các khoản cho vay, nhất là vay tiêu dùng nhanh chóng, chính xác và giảm thiểu được rủi ro tín dụng.

 

Đặc biệt, nếu cơ chế thử nghiệm (sandbox) sớm được áp dụng sẽ giúp fintech trong lĩnh vực cho vay online thoát khỏi rủi ro pháp lý hiện nay và hoạt động mạnh mẽ hơn. Cùng với sự bùng nổ của công nghệ, những mô hình cho vay mới sẽ định hình lại thị trường này khi cùng với các fintech cải thiện khả năng tiếp cận tài khoản tiết kiệm, khoản vay cá nhân và các hình thức tín dụng khác, thậm chí cả các sản phẩm bảo hiểm... Bên cạnh đó là các fintech chấm điểm tín dụng, trí tuệ nhân tạo cung cấp phân tích chuyên sâu về các dịch vụ tài chính, để kết nối người vay và bên cấp vốn, đi cùng hệ sinh thái tiện ích mua hàng trả góp, nền tảng khác như thương mại điện tử, ứng dụng gọi xe, ví điện tử...

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM),  cũng cho rằng, cần phải hoàn thiện dần khuôn khổ pháp lý để minh bạch hoạt động cho vay, hạn chế hệ lụy. Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển hệ thống chấm điểm tín dụng, đánh giá chính xác điểm tín dụng của khách hàng, tăng hiệu quả và tốc độ xử lý tín dụng, thực thi các nguyên tắc của một tổ chức tài chính bền vững, đẩy mạnh cho vay có trách nhiệm.

Có thể bạn quan tâm:

Giải phóng tiền “tồn kho”


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày