Tài Chính

Top 50 2021 Công ty Cổ phần Dây cáp điện Việt Nam tối ưu năng lực

Thanh Hương Thứ Hai | 27/12/2021 10:19

Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi, mã CAV) đã lường trước được tình hình khó khăn khi đặt ra chỉ tiêu thấp hơn năm trước. Ảnh: TL.

CADIVI đang tập trung vào chiến lược nâng cao năng lực, thị phần, đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước.
Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi, mã CAV) đã lường trước được tình hình khó khăn khi đặt ra chỉ tiêu thấp hơn năm trước. Ảnh: TL.

Trong năm 2020, đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi, mã CAV) đã lường trước được tình hình khó khăn khi đặt ra chỉ tiêu thấp hơn năm trước.

Tập trung quản lý rủi ro trước biến động  

Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu và chiến lược đề ra, Cadivi đã tập trung vào việc đưa ra các kế hoạch quản lý rủi ro và các chính sách tài chính phù hợp theo tình hình biến động của kinh tế thị trường, qua đó đưa ra giải pháp kịp thời. Vì thế, doanh thu thuần năm 2020 của Cadivi đạt 10.579 tỉ đồng, bằng 102% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 501 tỉ đồng, bằng 100% kế hoạch.

Năm 2020, Cadivi ngoài khó khăn vì dịch còn gặp vấn đề ở khâu nguyên liệu đầu vào. Với đặc thù là một doanh nghiệp chế biến công nghiệp, nguyên vật liệu đầu vào chiếm hơn 90% giá trị chi phí sản xuất của Cadivi với 3 nguyên liệu chính chiếm tỉ trọng lớn là đồng 54%, nhôm 16% và nhựa 26%. Tình hình giá nguyên vật liệu đầu vào cuối năm 2020 có xu hướng tăng. Một nguyên nhân khiến giá biến động vào cuối năm là tình trạng suy giảm tồn trữ của quốc gia tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc. Giá nhôm hiện ở mức cao nhất gần 3 năm. Kết thúc năm 2020, giá đồng có mức tăng khoảng 27% và được dự báo sẽ tiếp tục giữ đà tăng trong năm nay do nền kinh tế toàn cầu dần phục hồi. Khó khăn này được xác định sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Cadivi trong năm nay.

 

Mặc dù khó khăn và có cơ cấu nợ vay trên tổng tài sản trong năm 2020 là 69%, nhưng sự gia tăng khối lượng lưới điện truyền tải điện trong thời gian tới là tiềm năng lớn cho thị trường dây cáp điện trong nước phát triển cũng như cho các doanh nghiệp tham gia ngành này, trong đó có Cadivi. Hiện Cadivi chiếm khoảng 30% thị phần dây cáp điện cả nước. Trong đó, doanh số từ các đại lý là 70% và dự án chiếm 25%. Đây là yếu tố giúp Công ty hưởng lợi lớn từ các dự án trong nước.

“gà vàng” của gelex

Cadivi được thành lập vào ngày 6.10.1975. Qua nhiều lần thay đổi tên gọi, hình thức sở hữu, đến ngày 8.8.2007, Cadivi chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần. Đến nay, tại thị trường trong nước, Cadivi đang phải cạnh tranh với hơn 200 doanh nghiệp cùng ngành như Cadisun, Cơ điện Trần Phú, LG Vina Cable, Taya Vietnam... và từ các đối thủ nước ngoài như Bangkok Cable (Thái Lan), Leader Cable Industry Berhad (Malaysia), Olympic Cable (Malaysia), PT Supreme Cable (Indonesia)...

 

Vài năm trở lại đây, Cadivi rất chú trọng mảng xuất khẩu. Năm 2020 xuất khẩu của ngành dây điện và cáp điện đạt 903,87 triệu USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ. Mỹ là nước chiếm tỉ trọng cao trong doanh thu xuất khẩu của Cadivi, nên việc tăng xuất khẩu ở thị trường này cũng giúp làm tăng doanh thu. Cadivi có định hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc, Úc...

Năm 2019 Cadivi đã triển khai dự án hoạch định tổng thể nguồn lực doanh nghiệp (ERP) nhằm phục vụ việc quản trị và vận hành tổng thể doanh nghiệp, kết nối công ty mẹ với các công ty con và chi nhánh trên cả nước. Đây cũng là một phần trong chiến lược nâng cao năng lực, thị phần, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các nước. Theo ông Lê Quang Định, Tổng Giám đốc Cadivi, để triển khai và ứng dụng hệ thống ERP hiệu quả, Công ty đã tái cấu trúc chuyên môn hóa theo nhóm để nâng cao hiệu quả hoạt động và điều hành.

Ảnh: TL.
Ảnh: TL.

Theo cơ cấu hiện tại, Cadivi hiện kinh doanh tốt mảng cốt lõi dây cáp điện nhưng từ năm 2017, công ty này từng mở rộng ngành nghề khi đăng ký thêm mảng kinh doanh vận tải hàng hóa đường bộ. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cadivi, thực chất, Cadivi đã có đội xe nhưng để đội xe được gắn mác Cadivi, Công ty phải có chức năng kinh doanh dịch vụ vận tải. Ông Tuấn cũng cho biết, Công ty không đầu tư mạnh cho hoạt động này, bởi trong “họ” nhà Gelex, đã có Công ty Cổ phần Kho vận miền Nam (Sotrans) là doanh nghiệp rất mạnh trong lĩnh vực vận tải và dịch vụ logistics.

Được biết, hiện Cadivi thuộc sở hữu của Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) với tỉ lệ sở hữu hơn 55 triệu cổ phiếu, tương ứng 95,82% vốn điều lệ tại Cadivi. Gelex muốn nâng tỉ lệ sở hữu lên 100% vốn điều lệ vì Cadivi hiện là “gà đẻ trứng vàng” cho Gelex.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày