Tài Chính

VN-Index trên sóng, ngóng gió

Viết Nguyên Thứ Hai | 11/03/2019 10:00

Ảnh: QH.

VN-Index tiến sát mốc 1.000 điểm nhưng xu hướng tích cực này có kéo dài?
Ảnh: QH.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu tốt lên. Đặc biệt, dòng tiền đổ vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tăng mạnh kể từ đầu năm. Theo Bloomberg, các quỹ ETF đầu tư vào thị trường Việt Nam đã hút ròng 110 triệu USD chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, cao hơn nhiều so với con số của cả năm trở lại đây.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, nếu dòng tiền đổ vào các quỹ ETF vẫn tiếp tục tăng, cuộc vui chứng khoán sẽ có thể còn tiếp diễn. Trong một kịch bản tích cực, chỉ số VN-Index có thể kiểm nghiệm ở mức 1.030-1.050 điểm. Trước đó, vào cuối năm ngoái, ông Bernard Lapointe, Giám đốc Nghiên cứu tại VDSC, nhận định: “VN-Index sẽ dao động khá hẹp, giữa 900-1.000 điểm”. Lý do vì VDSC đánh giá 2019 là năm không dễ dàng cho chứng khoán toàn cầu và Việt Nam khó đi ngược xu hướng.

VN-Index tren song, ngong gio
 

Theo VDSC, VN-Index tuy đã giảm nhưng chưa tới mức rẻ. Tăng trưởng của các doanh nghiệp có khả năng chậm lại trong năm 2019. Riêng với dòng vốn ngoại, dù nhà đầu tư nước ngoài vẫn bơm ròng gần 43.000 tỉ đồng vào thị trường chứng khoán năm qua nhưng phần lớn số tiền này đổ vào một số thương vụ lớn như Novaland (3.500 tỉ đồng),  Vinhomes (28.500 tỉ đồng), Masan (10.000 tỉ đồng)... Còn xét theo phương thức khớp lệnh trên sàn, khối ngoại bán ròng cả năm với giá trị 16.000 tỉ đồng.

Đối với câu chuyện FTSE Rusell sẽ nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi, VDSC cho rằng, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường cũng khó lòng đột biến. Bởi vì, tỉ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ FTSE Emerging Markets Index chỉ vào khoảng 0,4%, dựa trên tương quan vốn hóa của rổ FTSE Vietnam Index (17 tỉ USD) so với rổ FTSE Emerging Markets Index (4.280 tỉ USD). Ngoài ra, nhìn vào diễn biến nâng hạng ở một số thị trường như Qatar hay UAE, VDSC nhận thấy rằng không có tăng trưởng rõ ràng về chỉ số và dòng vốn sau khi các thị trường này được FTSE thông báo nâng hạng.

Về dòng vốn nội, nhiều nhận định cho thấy sẽ có thêm những dòng vốn mới từ các công ty chứng khoán. Trong đó, các công ty chứng khoán Hàn Quốc như Mirae Asset, KIS, Shinhan và KB là những doanh nghiệp tích cực nhất trong cuộc đua tăng vốn. Động thái này sẽ hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua các hoạt động tự doanh hay cho vay margin. Theo quan điểm của VDSC, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019 sẽ có những con sóng ngắn hạn nhưng nhà đầu tư đừng quá kỳ vọng đây là nhân tố giúp cho thị trường tăng trưởng bền vững.

VN-Index tren song, ngong gio
 

Trên thực tế, riêng bộ 3 cổ phiếu nhà Vingroup là VIC, VHM, VRE đã chiếm tới 22% vốn hóa của VN-Index. Đó là chưa nói đến nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn như BVH, MSN, GAS, VCB... Tất cả khiến VN-Index bị phụ thuộc vào diễn biến của các cổ phiếu này hơn là phản ánh trung thực tình hình thị trường. Vì thế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng đặt vấn đề tính lại chỉ số VN-Index và nhiều nhà đầu tư từ lâu chỉ xem VN-Index như một chỉ số tham khảo.

Mặc dù vậy, biến động VN-Index vẫn đưa đến những tác động tâm lý nhất định cho toàn thị trường. Do đó, ngay từ đầu năm, các công ty chứng khoán đã lần lượt đưa ra nhiều dự báo về chỉ số VN-Index cho cả năm 2019 và nhận được nhiều sự quan tâm. Chẳng hạn, ông Park Won Sang, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), cho rằng, VN-Index của năm 2019 sẽ dao động trong vùng 850-1.100 điểm. KIS lưu ý đến những ngành không cần vốn lớn như lưu thông hàng hóa, dệt may, tiêu dùng nội địa, y tế, dược phẩm... sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn các ngành vốn lớn như ngân hàng, bất động sản.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo VN-Index sẽ đóng cửa năm 2019 ở mức 895-960 điểm. Kịch bản mà BVSC đưa ra dựa trên cơ sở chứng khoán Việt Nam không chỉ chịu tác động từ bối cảnh trong nước mà còn bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài như dòng vốn ngoại, lãi suất thế giới, khả năng nâng hạng thị trường...

Ông Lê Đức  Khánh, chuyên gia kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), nhận định: “VN-Index năm 2019 có thể hướng lên mốc 1.200 điểm và thậm chí vượt qua mốc này ở giai đoạn cuối năm”. Lý do vì PSI nhận thấy chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng 5 năm (2016-2020).

VN-Index tren song, ngong gio
 

PSI cũng đánh giá môi trường đầu tư ở Việt Nam vẫn hấp dẫn, những cải cách hành chính, ưu tiên đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân, dòng vốn ngoại... là những điểm sáng hỗ trợ cho chứng khoán Việt Nam năm 2019. Đối với Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), VN-Index được dự báo trong kịch bản từ 800,3-1.265,6 điểm, trọng tâm là 1.050 điểm vào cuối năm 2019. Theo BSC, thông tin nâng hạng thị trường được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng thu hút dòng tiền mới cho thị trường.

Ông Lawrence Brader, đồng quản lý danh mục đầu tư của Quỹ Quản lý tài sản PXP Vietnam Smaller Companies Fund, kỳ vọng VN-Index sẽ vượt đỉnh của năm 2018, tức vượt 1.204 điểm. Lý do để nhận định này có cơ sở là tăng trưởng kinh tế ổn định và P/E của VN-Index ở mức 14 lần (giảm từ mức 20 lần của tháng 4.2018).

Ông Michel Tosto, Giám đốc phòng kinh doanh và môi giới tổ chức tại Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), cho rằng: “Có quá nhiều sự bất ổn ngoài kia!”. Vì thế, theo VCSC, xu hướng đầu tư sẽ hướng đến đa dạng như rót tiền vào cổ phiếu lẫn trái phiếu. Các chuyên gia của MBS đặt ra 2 kịch bản cho chứng khoán Việt Nam năm 2019. Nếu lạc quan, VN-Index đạt mức 1.000 điểm. Ngược lại, nếu thận trọng, VN-Index sẽ dao động trong khoảng từ 900-960 điểm vào cuối năm 2019.

Nhìn chung, VN-Index năm 2019 được các công ty chứng khoán dự đoán trong biên độ dao động rộng, với ngưỡng trung bình khoảng 1.049 điểm.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày