Công Nghệ

Nhạc số: Quen lỗ khó lời!

Đông Sang Thứ Tư | 28/06/2017 07:30

Cứ kiếm được 100 đồng, Spotify phải chi 84 đồng cho ngành công nghiệp âm nhạc, 16 đồng còn lại mới là của họ.

Với lợi thế về người sử dụng, kho âm nhạc bản quyền khổng lồ Spotify (Thụy Điển) sẽ gây bão hay lại bổ sung danh sách các doanh nghiệp thất bại tại thị trường nhạc số Việt Nam?

Thị trường khắc nghiệt

Giữa tháng 5 vừa qua, Spotify đã phát đi thông báo tuyển dụng vị trí biên tập viên âm nhạc chuyên về nhạc Việt Nam cho chi nhánh Công ty ở Singapore. Trước đó, đơn vị này cũng tuyển dụng vị trí tương tự cho nhạc Thái Lan. Giới phân tích cho rằng đây là động thái cho thấy Spotify đang mở rộng quy mô tại Đông Nam Á, sau khi đã hiện diện ở Singapore, Malaysia, Philippines và Indonesia.

Thành lập vào năm 2008, đến nay, Spotify đã gọi vốn được hơn 1,5 tỉ USD, được định giá 8 tỉ USD và là trang nhạc số lớn nhất hiện nay với khách hàng ở 60 quốc gia. Tháng 3 năm ngoái, Spotify công bố có 100 triệu người sử dụng, 50% số đó có trả phí, chưa kể doanh thu đến từ quảng cáo trực tuyến. Mặc dù vậy sau gần 10 năm, Spotify vẫn lỗ. Doanh thu năm 2015 của Spotify là hơn 2 tỉ USD nhưng lỗ gần 200 triệu USD, lỗ lũy kế gần 700 triệu USD.

Sở dĩ Spotify vẫn lỗ vì mô hình kinh doanh nhạc số có chi phí bản quyền rất cao. Các công ty như Spotify sẽ ký kết với các hãng ghi âm lớn để có được nhạc bản quyền, nguồn thu được từ phí thuê bao và quảng cáo sẽ được trả lại cho kênh này. Lấy ví dụ trong năm 2015, công ty này chi 1,83 tỉ USD, chiếm 84% doanh thu, cho ngành công nghiệp âm nhạc, được phân loại là “tiền bản quyền, chi phí phân phối và chi phí khác”. Như vậy cứ kiếm được 100 đồng, Spotify phải chi 84 đồng cho ngành công nghiệp âm nhạc, 16 đồng còn lại mới là của họ.

Để đạt mục tiêu có lợi nhuận vào năm 2017 và chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2018, Spotify sẽ mở rộng sang các thị trường đông dân khác là điều dễ hiểu. Ngoài Việt Nam và Thái Lan, Ấn Độ là địa điểm nằm trong chiến lược mở rộng của Spotify trong thời gian tới.

Theo ước tính của Statista và McKinsey hồi năm ngoái, giá trị thị trường thuê bao nhạc số (không tính kênh YouTube và Internet Radio) của Thái Lan là 25 triệu USD, Ấn Độ 67 triệu USD và Việt Nam là 3,2 triệu USD.

Nhac so: Quen lo kho loi!

Tháng 10.2016, FPT Telecom phát đi thông báo đóng cửa trang nhacso.net sau 11 năm thành lập. Sự ra đi của một đơn vị từng dẫn đầu thị trường cho thấy kinh doanh nhạc số ở Việt Nam rất khắc nghiệt. Spotify, với hơn một nửa lượng người sử dụng đóng phí cộng với doanh thu từ quảng cáo, vẫn lỗ vì chi phí bản quyền ngốn gần hết doanh thu. Đối chiếu con số này cho thấy hiện trạng của thị trường Việt Nam khi số lượng người trả phí chiếm chưa đến 1% tổng số lượng người sử dụng, còn doanh thu từ quảng cáo trực tuyến thì ngày càng teo tóp vì Google và Facebook.

“Người dùng quen với nghe nhạc miễn phí, nên các nhà cung cấp nhạc cũng quen với kinh doanh lỗ trong dự kiến”, ông Nhan Thế Luân, Tổng Giám đốc NCT, nói. Trên thực tế trong danh sách các công ty sẩy chân ở thị trường nhạc số Việt Nam không chỉ có doanh nghiệp nội. Guvera, ứng dụng nghe nhạc của Úc thành lập năm 2009, từng gọi vốn 130 triệu USD, cũng chia tay thị trường Việt Nam sau một thời gian ngắn thử nghiệm mô hình thu phí.

Khẩu vị khác của spotify

Apple Music đến Việt Nam từ năm 2015 đến nay cũng chưa cho thấy dấu hiệu tăng trưởng đột biến. Theo báo cáo của Sensor Tower, lượt tải nhạc iTunes trong năm 2016 nhiều nhất vẫn từ Mỹ và các nước ở châu Âu.

Mặc dù vậy vẫn có các doanh nghiệp mới tham gia như MOOV của Hồng Kông khi kết hợp với Vietnamobile. Theo đó, bức tranh hiện tại của thị trường nhạc số Việt Nam tạm thời được chia thành 2 nhóm: nhóm nội gồm ZingMp3 (VNG) và Nhaccuatui (NCT Corp); nhóm ngoại gồm MOOV, Apple Music và sắp tới là Spotify.

Nhac so: Quen lo kho loi!

Ai nắm trong tay bản quyền âm nhạc nhiều nhất sẽ có lợi thế trong cuộc đua này. Spotify và Apple Music có trong tay 30 triệu bài hát. MOOV ngay khi ra mắt vào năm 2016 cũng phát đi thông báo cho biết đang hợp tác trực tiếp với hơn 200 nhà cung cấp nội dung tại Việt Nam và giữ bản quyền hơn 100.000 bài hát video nhạc Hàn Quốc. NCT cũng ra mắt Xmusic sở hữu 800.000 bài hát có bản quyền được cung cấp bởi Universal, Sony Music và Warner Music.

Trong một cuộc trả lời với báo giới, bà Janice Lee, Giám đốc Điều hành PCCW Media, đơn vị chủ quản MOOV, cho biết, theo khảo sát của Công ty, 90% người Việt vẫn thích nghe nhạc Việt nên dù đến sau, MOOV vẫn có cơ hội nếu kết nối được với nhiều nhà cung cấp bản quyền nội địa.

Bên cạnh đó các đơn vị kinh doanh nhạc số đang đẩy mạnh mô hình trải nghiệm âm nhạc online đến offline (O2O) bằng cách kèm theo các chương trình giảm giá và các show ca nhạc trong thành phố. Như ZingMp3 nổi tiếng với chương trình Zing Music Award từ cách đây 6 năm. Cũng phải nói thêm ZingMp3 là trường hợp cá biệt vì sản phẩm thuộc hệ sinh thái internet của VNG và nguồn thu của doanh nghiệp này cho đến nay vẫn đến từ phân phối game trực tuyến.

Ngoài ra, còn có hình thức quảng cáo trò chơi trong ứng dụng, bán quảng cáo cho nghệ sĩ, mua bản quyền độc quyền... hay phát hành game. Điển hình như NCT tham gia phát hành game từ năm 2013, bẵng đi thời gian Công ty đang quay lại với vai trò này. Đây là các hình thức không mới và đang được áp dụng rộng rãi ở Trung Quốc. Ba ứng dụng nghe nhạc có 120 triệu người sử dụng hằng tháng của Tencent là KuGou, QQ Music và Kuwo đang áp dụng triệt để các hình thức này để tồn tại. Vì như Việt Nam, người tiêu dùng Trung Quốc cũng chưa mặn mà với việc đóng tiền thuê bao nghe nhạc hằng tháng.

Cho đến nay, doanh thu hay lợi nhuận ZingMp3 hay Nhaccuatui đều không được công bố nhưng với thị trường như Việt Nam, các đơn vị kinh doanh nhạc số phải tổ chức “biến hóa” mô hình kinh doanh chứ không thể phụ thuộc vào quảng cáo hay phí thuê bao.

Chính vì thế, một doanh nghiệp giấu tên cho rằng, với cơ cấu doanh thu phụ thuộc phần lớn vào phí thuê bao, Việt Nam là món ăn “khác biệt” với khẩu vị của Spotify. Điều này cũng làm nhạt nhòa giả thiết mua lại doanh nghiệp nội để tham gia vào thị trường của đơn vị này. Với doanh thu từ thuê bao khoảng 2,5 triệu USD năm 2017 và 4,5 triệu vào năm 2020, theo Statista, thị trường Việt Nam 5 năm nữa vẫn kém Thái Lan hiện tại đến 5 lần. “Tính toán của Spotify với thị trường Việt Nam vẫn đầy ẩn số”, vị này nói.

Đông Sang


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày