Doanh Nhân

Những người con tài ba nhà họ Lê

Hoàng Long Thứ Hai | 03/01/2022 08:00

Lê Trí Thông và Lê Diệp Kiều Trang được xem là hình mẫu thành công của giới trẻ Việt đi lên từ những gia đình kinh doanh và chú trọng tri thức.

Người ta nói ngắn gọn về những người con của ông Lê Văn Trí là “hai anh em tài ba nhà họ Lê”.

Anh em “siêu nhân”

Không thể không tài ba được khi Lê Trí Thông hiện giữ vị trí Tổng Giám đốc của PNJ – công ty bán lẻ trang sức lớn nhất Việt Nam. Chiếc ghế của ông Thông trước đó là của bà Cao Thị Ngọc Dung, người được mệnh danh là “nữ tướng vàng bạc”.

Ông Thông sinh năm 1979, tốt nghiệp hạng ưu chương trình MBA tại Đại học Oxford và là kỹ sư công nghệ hóa học. Trước đó, ông Thông giữ các chức vụ quan trọng tại DongA Bank, tập đoàn tư vấn quản trị chiến lược The Boston Consulting Group (BCG), rồi Prudential.

Ông Thông bước vào PNJ khi doanh nghiệp này ở giai đoạn chuyển mình, cần những cải tổ mạnh mẽ với mục tiêu biến PNJ trở thành nhà bán lẻ chuyên nghiệp với quy mô khu vực. Sự xuất hiện của ông Thông, tân Tổng Giám đốc PNJ, vào tháng 4/2018, gửi gắm thông điệp đổi mới và trẻ trung hơn tại PNJ và hứa hẹn những nấc thang tăng trưởng mới. Giai đoạn 2018-2022, số hóa sẽ dẫn dắt cuộc cách mạng bán lẻ tại PNJ và củng cố triển vọng dài hạn. Ngoài trang sức, PNJ cũng sẽ bán đồng hồ và các phụ kiện thời trang khác. Một kênh bán hàng tích hợp, đa kênh sẽ giúp PNJ tận dụng sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam, trong khi tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm.

Lũy kế cả năm 2020, PNJ có 339 cửa hàng, phủ sóng hầu khắp các tỉnh, thành cả nước. Số lượng khách hàng sỉ đạt hơn 3.000 và sản phẩm được xuất khẩu qua 13 quốc gia, vùng lãnh thổ. Giai đoạn 2021-2022, mỗi năm, Công ty sẽ mở mới 40-45 cửa hàng. PNJ cũng có kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất, đầu tư tài sản cố định và tiếp tục quá trình chuyển đổi số để hoàn thiện mô hình bán hàng đa kênh. PNJ hiện là công ty sản xuất và kinh doanh nữ trang lớn nhất Việt Nam với năng lực sản xuất gấp 8 lần đối thủ theo sau, nắm giữ 70% số nghệ nhân kim hoàn và khoảng 7% thị phần (theo Công ty Chứng khoán Everest, tháng 3/2021).

“Ngành bán lẻ đang nằm ở khúc quanh tiến hóa, là một cuộc chơi có sự đào thải. COVID-19 gia tốc cho quá trình đào thải diễn ra khắc nghiệt hơn. PNJ xuất thân là một công ty kinh doanh và chế tác trang sức nên bán lẻ theo phương thức truyền thống. Chúng tôi nhìn ra phải thay đổi, bán lẻ kiểu mới với định hướng rõ ràng để có được thành công”, ông Thông khẳng định.

Trước khi ông Thông được bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc PNJ mấy ngày thì cô em gái của ông cũng được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Facebook Việt Nam và làm việc tại trụ sở Singapore. Từ đó, cái tên Lê Diệp Kiều Trang gắn liền với nhiều dự án công nghệ và khởi nghiệp tại Việt Nam. Lê Diệp Kiều Trang sinh năm 1980 và con đường học tập, tiến thân của cô có khá nhiều điểm giống anh trai mình. Năm 1998, cô nhận học bổng học dự bị đại học 2 năm tại Anh và năm 2000, giành học bổng Đại học Oxford. Trang đỗ thủ khoa ngành kinh tế học ở Đại học Oxford (Anh) khóa năm 2003-2005. Từng nhận học bổng tiến sĩ nhưng cô đã quyết định làm việc cho Tập đoàn Tài chính McKinsey, văn phòng tại Boston với vị trí chuyên gia tư vấn tài chính.

Lê Diệp Kiều Trang khởi nghiệp trong ngành công nghệ khi cùng chồng là Sonny Vũ sáng lập Misfit và sau này bán cho Fossil Group với giá 260 triệu USD vào năm 2015. Sau khi bán công ty, Trang giữ vị trí Tổng Giám đốc Fossil Việt Nam. Tiếp sau đó, cô làm việc cho Facebook Việt Nam, GoViet và hiện nay là Chủ tịch Điều hành Việt Nam, kiêm Giám đốc Tài chính Arevo, đồng sáng lập Quỹ đầu tư Alabaster.

Bằng kinh nghiệm của mình, nhà sáng lập Quỹ Alabaster chia sẻ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp về câu chuyện chuyển mình của Công ty Arevo (Mỹ), ứng dụng trí tuệ nhân tạo và Digital trong công nghệ in 3D sợi carbon vào tháng 7/2020. Với sự chuyển đổi này, khi cả thế giới gần như tê liệt vì đại dịch COVID-19, Công ty đã gọi vốn được hơn 7 triệu USD để quảng cáo online, tiếp cận 29 triệu khách hàng, bán ra hơn 3.000 sản phẩm, tương đương với việc “bỏ ra 1 đồng, thu về 5,3 đồng”.

“Tuy nhiên, công nghệ cuối cùng chỉ là đích đến của con người. Bản chất của một doanh nghiệp, bản chất của một sản phẩm hay bản chất của một thành công đều xuất phát từ con người. Vậy nên, đầu tư vào con người là đầu tư quan trọng nhất, là đầu tư có lời nhất và sẽ giữ được cái lợi ích lâu dài nhất”, Lê Diệp Kiều Trang nhìn nhận.

Toàn cầu hóa từ bàn ăn gia đình

Câu nói của Lê Diệp Kiều Trang cũng khẳng định 2 anh em Thông – Trang được xem là hình mẫu thành công của giới trẻ Việt đi lên từ những gia đình kinh doanh và chú trọng tri thức. Họ đã kết hợp tri thức mới cùng với niềm đam mê kinh doanh của gia đình để tạo nên thành công trong sự nghiệp. Được nuôi dạy với nền tảng giáo dục gia đình Á Đông, học tập tại các trường đại học phương Tây hiện đại, thành công bước đầu của 2 anh em nhà họ Lê cho thấy một điển hình của thành công và kế nghiệp trong nhiều gia đình kinh doanh tại Việt Nam.

Như khảo sát của PwC, hầu hết các doanh nghiệp gia đình không tồn tại quá một thế hệ, chỉ có 1/10 có thể duy trì đến thế hệ thứ 3. Điều khó nhất để duy trì một doanh nghiệp gia đình chính là truyền được cảm hứng lâu dài. Những cậu ấm, cô chiêu chỉ có thể vượt qua quá trình tập sự và trở thành các doanh nhân thực thụ nếu cảm hứng kinh doanh thực sự. Chỉ khi đó, họ mới tận dụng được tri thức mới, sự am hiểu công nghệ hiện đại kết hợp truyền thống kinh doanh gia đình và phát triển khối tài sản mà cha mẹ họ đã vất vả cả đời để gây dựng.

“Nếu chỉ dừng ở mong muốn kiếm tiền hay phát triển sự nghiệp, không chắc tôi đã được nhận học bổng cho chương trình MBA của Oxford. Chính khao khát tìm kiếm tri thức, tìm kiếm lời giải về các bài toán quản trị đã giúp bài luận của tôi được Oxford đánh giá cao”, ông Thông chia sẻ về cơ hội học bổng danh giá của mình.

Hai anh em Thông - Trang là con ruột của ông Lê Văn Trí, người từng là Phó Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina). Có thể nói, cả cuộc đời làm việc của ông Trí gắn liền với Casumina và ông đã trải nghiệm rất nhiều vị trí khác nhau ở Công ty. Ông Trí và vợ, một giáo viên dạy Hóa, đã tạo nền tảng giáo dục chu đáo và kỹ năng trong cuộc sống để giúp các con tự tin bước vào cuộc đời với nhiều thách thức.

Anh em Thông - Trang cũng được cho học tiếng Anh từ nhỏ và được tham gia góp ý kiến vào những việc chung của gia đình. Riêng Lê Trí Thông còn được cha chia sẻ những điều cơ bản về công việc kinh doanh khi thường được đưa vào Công ty để quan sát cách điều hành, dự khán những buổi họp... “Từ đó, tôi đã hình thành khao khát khám phá tri thức về kinh doanh”, ông Thông kể lại.

“Cha cho chúng tôi hiểu giá trị của sự tự lập. Còn việc học giúp tôi hiểu rằng, không thể thành công nếu không vượt ra khỏi khuôn khổ”, ông Thông đúc kết.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày