Doanh Nhân

Người tạo giá trị cho startup

Hằng Nguyễn Thứ Năm | 24/10/2024 14:00

Hai “đứa con” mà chị Nguyễn Thu Hà đang chăm sóc là IntrapreneurHub và Công ty Mạng lưới Đối tác Quốc tế. Ảnh: TL.

Nhà sáng lập IntrapreneurHub mong muốn đồng hành cùng các startup đi qua những giai đoạn phát triển tiếp theo.
Hai “đứa con” mà chị Nguyễn Thu Hà đang chăm sóc là IntrapreneurHub và Công ty Mạng lưới Đối tác Quốc tế. Ảnh: TL.

Mặc cho cơn mưa tầm tã vào đầu giờ chiều ngày thứ Sáu, 23 người, phần lớn trong độ tuổi 30-40 thuộc cấp quản lý và chủ doanh nghiệp vẫn đội mưa đến tham dự một workshop có tên “Xây dựng chiến lược tăng trưởng khách hàng từ “Đặt đúng câu hỏi”. Buổi học 3 tiếng đã kéo dài thêm gần 1 giờ nữa, nhưng khi tan học vào lúc trời tối mịt, ai cũng nán lại với vô số câu hỏi muốn được thảo luận cùng nhau. “70% người học phản hồi lớp học lần sau nên cần thêm thời gian và tôi nghĩ ít nhất là một ngày với những câu hỏi còn chưa được giải đáp”, chị Nguyễn Thu Hà, người đã tổ chức khóa học kể trên, nói. 

Đó là workshop đầu tiên và là hoạt động thứ 2 của một “đứa con” mới được sinh thêm của chị Hà: IntrapreneurHub. Workshop được thúc đẩy bởi những học viên đầu tiên của IntrapreneurHub qua chương trình Management Excellence Bootcamp kéo dài trong 8 tuần. 

Sự ra đời của IntrapreneurHub là có lý do. Theo Statista, trong số 276 triệu USD vốn đầu tư cho startup tại Việt Nam vào năm 2022 thì có 96 triệu USD đi vào các startup công nghệ. Nếu những công ty khởi nghiệp trong ngành công nghệ dễ dàng tiếp cận với quỹ đầu tư để nhận được hỗ trợ tài chính và quản lý, thì các doanh nghiệp khởi nghiệp khác không có nhiều cơ hội như thế. “Những công ty khởi nghiệp không thuộc lĩnh vực công nghệ chịu nhiều thiệt thòi”, chị Hà nói, “vì vậy tôi muốn giúp họ giải quyết điểm nghẽn trong quá trình lớn lên”.

Những startup và doanh nghiệp SME thường sẽ đem các mô hình học hỏi được về áp dụng. Thế nhưng, các mô hình (thường xuất phát và được thử nghiệm trong môi trường những tập đoàn lớn) chỉ chứng tỏ hiệu quả tại những nơi mà quy trình đã hoàn thiện. “Các doanh nghiệp nhỏ thường không có môi trường sẵn sàng như thế. Vì vậy, họ phải loay hoay để điều chỉnh mô hình trong khi nguồn lực có hạn”, chị phân tích.
“Đây là hành trình mới được đúc kết và truyền cảm hứng của mình sau 10 năm làm công việc đào tạo, huấn luyện và coaching (khai vấn) cho nhiều mô hình doanh nghiệp khác nhau theo đơn đặt hàng từ các tổ chức quốc tế và chính doanh nghiệp”, chị Hà - trước đó từng nắm vị trí quản lý tại Human Dynamic Việt Nam, T&A Ogilvy và ICP - chia sẻ về dự án mới. 

Hai “đứa con” mà chị Hà đang chăm sóc là IntrapreneurHub và Công ty Mạng lưới Đối tác Quốc tế. Trong đó, IntrapreneurHub chính thức được vận hành từ tháng 4/2024. Thử nghiệm phương pháp đào tạo kết hợp giữa training và coaching bằng bootcamp dành cho 9 người (là chủ doanh nghiệp và nhà quản lý) kéo dài trong 8 tuần, IntrapreneurHub sẽ hoạt động dựa trên 3 trụ cột chính là các khóa học ngắn hạn về kỹ năng cho cấp quản lý, trại học cho người sáng lập, chủ doanh nghiệp SME và hoạt động khai vấn, huấn luyện và tư vấn cho các đơn vị có nhu cầu. 

IntrapreneurHub hướng tới 2 mục tiêu quan trọng. Đầu tiên, họ muốn giúp cho mỗi thành viên của doanh nghiệp SME có được năng lực, tinh thần tự chủ và khả năng ra quyết định như là một “intrapreneur” (nhà khởi nghiệp nội bộ) để họ có thể đóng góp giá trị và xây dựng sự nghiệp. Kế đến, mỗi chủ doanh nghiệp, công ty đều có thể chuyển hóa và thay đổi tổ chức để tạo môi trường thúc đẩy và nuôi dưỡng những nhà khởi nghiệp nội bộ này.

Tất nhiên, vì nguồn lực hiện tại có giới hạn, thời điểm đầu, chị Hà sẽ chỉ hướng tới các doanh nghiệp đã hoạt động vài năm và còn đang loay hoay giải quyết các vấn đề về hoàn thiện đội ngũ, quy trình hoặc tìm hướng cho tăng trưởng. Sau đó, chị kỳ vọng sẽ lựa chọn các doanh nghiệp đã chứng minh được sản phẩm với thị trường. “Sau một thời gian tăng trưởng nhanh, các startup thường sẽ đến giai đoạn doanh số vẫn tăng nhưng có gì đó sai sai. Đó là lúc tôi nhảy vào giúp đỡ”, chị Hà nói. Cách giúp đỡ của chị Hà là không đưa lời giải cho các vấn đề, mà bắt người tìm đến chị phải tự tìm câu trả lời qua hàng loạt câu hỏi chị gợi mở cho họ. 

21 năm đi làm, trong đó có hơn 10 năm kinh nghiệm đào tạo, cố vấn và khai vấn, chị Hà đã gặp Hồ Tiến Lộc, chàng trai sinh năm 1991 sáng lập WOAY, người đã được chị mentor trong 15 năm. Đã từng khởi nghiệp với 3 công ty, thế nhưng Lộc vẫn tham gia nhóm những người đầu tiên tham gia bootcamp của chị. 

“Tôi có nhiều trải nghiệm, nhưng những kinh nghiệm từ trải nghiệm đó đều dựa trên bản năng mà mình có chứ không phải tiêu chuẩn. Vô tình có lúc làm đúng, nhưng cũng có khi cái hiểu của tôi lòng vòng và bị tắc nghẽn ở điểm nào đó”, Lộc nói về lý do mình có mặt tại bootcamp. Việc tham gia khóa học đã giúp Lộc biết mình đang ở đâu và vấn đề đang gặp phải là gì. Lộc cũng chính là 1 trong 2 người đã thúc đẩy workshop được tiến hành. 

Tốt nghiệp khoa tiếng Anh doanh nghiệp Đại học Thăng Long 20 năm về trước, con đường sự nghiệp của chị Hà có những ngã rẽ không ngờ. Chị đã đi qua những năm đầu hoạt động trong lĩnh vực quan hệ công chúng và truyền thông, phát triển nguồn nhân lực và cuối cùng dừng chân ở lĩnh vực khai vấn và tư vấn doanh nghiệp thông qua các dự án phát triển khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với các đối tác Việt Nam và quốc tế.

Một bước ngoặt khác đã xảy ra trong thời gian COVID-19, khiến việc học cao hơn của chị Hà chuyển hướng từ du học châu Âu sang học chính sách công và quản lý tại Fulbright. Chị kể, khi đi học, chị không quan tâm quá nhiều về việc thầy cô có kiến thức như thế nào hoặc sẽ dạy những gì cho học viên. “Quan tâm duy nhất là tôi sẽ học được gì từ những buổi lên lớp, từ bạn bè”, chị Hà nói. 

“Tôi sẽ học được gì” cũng chính là suy nghĩ mà chị muốn học viên của mình nhìn nhận khi tương tác tại các buổi học. “Khi thay đổi suy nghĩ, cách bạn tương tác và học hỏi sẽ khác đi rất nhiều”, chị nói. Các khóa học ở giai đoạn này tập trung thử nghiệm phương thức đào tạo kết hợp giữa training và coaching cũng như tìm kiếm những chủ doanh nghiệp muốn theo hướng phát triển intrapreneur. “Tôi muốn xây dựng một cộng đồng. Và nếu có thể, đồng hành cùng một vài doanh nghiệp với vai trò tư vấn, mentor, cùng họ tái thiết kế doanh nghiệp để cùng đi qua những giai đoạn phát triển tiếp theo”, chị Hà tâm sự.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày