Kinh Doanh

Xác định rõ nguồn vốn xây sân bay Long Thành

Thứ Tư | 08/10/2014 20:14

Nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ tổng mức vốn đầu tư cho các giai đoạn của dự án.

Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng thay mặt Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án đầu tư sân bay Long Thành,tỉnh Đồng Nai. Báo cáo này được xây dựng từ năm 2012 tới nay.

Ông Đinh La Thăng cho biết, Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế dự báo tới năm 2030, Việt Nam có 175 triệu hành khách/năm qua hệ thống cảng hàng không, trong đó TPHCM đạt 50 triệu khách/năm và sân bay Tân Sơn Nhấtkhông thể đáp ứng được lượng hành khách này.

Theo ông Đinh La Thăng, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hay cải tạo sân bay Biên Hoà (với chi phí lên tới 7,5 tỷ USD, đang bị nhiễm độc cao…) hoặc sử dụng các cảng khác (như Cần Thơ, Liên Khương) hỗ trợ cho Tân Sơn Nhất đều không khả thi hoặc khả năng hỗ trợ là không lớn,báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cũng chỉ rõ những khuyết điểm của các phương án này.

Do đó, xây dựng sân bay Long Thành được Bộ Giao thông vận tải coi là phương án thuận lợi nhất khi gần TPHCM (cách 45 km đường chim bay với các quy hoạch đường bộ, đường sắt trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đủ diện tích 5.000 ha cho đưa đón 100 triệu lượt khách/năm và các điều kiện về an toàn bay).

Mục đích của việc xây dựng sân bay này để từng bước đạt cấp 4F; giữ vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia, dự kiến trong tương lai thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải còn đưa ra lý lẽ xây dựng sân bay Long Thành phù hợp với hàng loạt văn bản Luật, Nghịđịnh, Nghị quyết, Quyết định của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ông Đinh La Thăng cho biết toàn bộ dự án xây dựngsân bay Long Thành gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (bao gồm 1a và 1b, dự kiến hoàn thành năm 2025) đầu tư nhà ga công suất 25 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng hoá/năm với 2 đường cất- hạ cánh song song theo cấu hình đóng để chia sẻ quá tải cho Tân Sơn Nhất.

Giai đoạn 2 dự kiến mở cửa vào năm 2030 với công suất 50 triệu khách và 1,5 triệu tấn hàng hoá/năm cũng như thêm 1 đường cất- hạ cánh. Giai đoạn 3 sẽ đạt công suất 100 triệu khách, 5 triệu tấn hàng hoá/năm với tổng cộng 4 đường cất- hạ cánh.

Nếu Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án này thì khi hoàn thành giai đoạn 1 sẽ cần hơn 7,8 tỷ USD, trong đó khi hoàn thành giai đoạn 1a vào năm 2023 sẽ cần hơn 5,6 tỷ USD để có 1 nhánh trung tâm, 1 đường cất- hạ cánh đáp ứng đón đưa 17 triệu lượt hành khách/năm.

Theo Bộ Giao thông vận tải, vốn huy động cho dựán được huy động từ nhiều nguồn, tuỳ thuộc vào hạng mục đầu tư cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn; khuyến khích đầu tư vào hạng mục dịch vụ, có khả năng thu hồi.

Cụ thể, vốn nhà nước bỏ ra ở giai đoạn 1a là 57,857 nghìn tỷđồng (chiếm gần 49% khái toán tổng mức đầu tư), còn lại là vốn ngoài khu vực nhà nước là 61,052 nghìn tỷ đồng. Tiền giải phóng mặt bằng ở giai đoạn này là 318,2 triệu USD, tương ứng 6,68 nghìn tỷ đồng và sẽ trả một lần. Còn để giải phóng mặt bằng cho toàn bộ dự án (đạt 5.000 ha trong giai đoạn 1) thì cần tới gần 1 tỷ USD.

Trong các phương án huy động vốn, Bộ Giao thông vận tải cho biết có vốn ODA, vốn thông qua các dự án PPP, BOT, vốn từ cổ phần hoá Tổng công ty hàng không Việt Nam... “Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và sẵn sàng bày tỏ hợp tác đầu tư vào các hạng mục của dự án”, Bộ GTVT cho biết.

Về hiệu quả kinh tế của dự án, Bộ này cho biết, tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 22,1% vàđược đánh giá là cao hơn tỷ suất chiết khấu xã hội tiêu chuẩn trung bình cho các công trình công cộng ởViệt Nam (thường ở mức 10- 12%).

Cho ý kiến về báo cáo đầu tư của Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ: “Dự án này đã hình thành từ lâu. Cá nhân tôi cũng nghe nhiều ý kiến đồng tình và không đồng tình. Theo tôi được biết hiện nay hướng đồng tình nhiều hơn. Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất không khả thi. Không ai để thành phố lớn như thế mà lại có một sân bay nằm bên trong. Tôi lo nhất là tiền, làm sao giải thích để đại biểu Quốc hội rõ”.

Chung nỗi lo về tiền, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước e ngại: “Tiền nhà nước thì lấy ở đâu ra lúc này? Hay Quốc hội phải ra Nghị quyết đặc biệt để (Chính phủ-PV) huy động tiền?”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với Uỷ ban kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo tổng mức vốn đầu tư toàn bộ 3 giai đoạn để Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư sân bay Long Thành.

Nguồn Chính phủ


Tin nổi bật trong ngày