Game Việt thăng hoa
Việt Nam hiện nằm trong Top 5 quốc gia có lượt tải game cao nhất thế giới với hơn 4,2 tỉ lượt. Ảnh: shutterstock.com.
Từ gia công đến sáng tạo nội dung gốc, Việt Nam có thể làm được nhiều hơn thế.Ngành game Việt đang trên đà bứt phá với doanh thu dự báo chạm mốc 2,7 tỉ USD vào năm 2026. Để vươn lên dẫn đầu trong sáng tạo nội dung gốc, ngành cần những nhà thiết kế đột phá, biết dung hòa nghệ thuật, khoa học và trải nghiệm người dùng vượt xa, chứ không chỉ những lập trình viên lành nghề.
Chuyển mình thành trung tâm sáng tạo gốc
Ngành công nghiệp game Việt Nam không còn đơn thuần là điểm đến cho các dự án gia công quốc tế. Với tiềm năng doanh thu khổng lồ và sự quan tâm ngày càng lớn từ các công ty toàn cầu, Việt Nam đang dần chuyển mình thành trung tâm sáng tạo nội dung gốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, để đạt được vị thế này, thành thạo kỹ thuật thôi chưa đủ. Tư duy sáng tạo, khả năng kể chuyện và tinh thần làm việc nhóm mới là những yếu tố then chốt.
Việt Nam hiện nằm trong Top 5 quốc gia có lượt tải game cao nhất thế giới với hơn 4,2 tỉ lượt. Điểm yếu cốt lõi của ngành chính là thiếu hụt nội dung gốc. Bên cạnh dự án gia công cho các công ty quốc tế, chúng ta cũng cần tập trung phát triển nội dung gốc mang dấu ấn đặc trưng của Việt Nam. Việt Nam có nhiều câu chuyện văn hóa và lịch sử chưa được kể. Nếu chúng ta phát triển kỹ năng kể chuyện trong thiết kế game, Việt Nam có thể tạo ra tác động đáng kể trên thị trường quốc tế.
Mặc dù các dự án gia công mang lại nguồn thu nhập ổn định nhưng không giúp Việt Nam xây dựng thương hiệu quốc tế cho các sản phẩm game Made in Vietnam. Tiến sĩ Renusha Athugala, Chủ nhiệm Bộ môn Thiết kế game tại Đại học RMIT Việt Nam, cho biết nhiều studio vừa và nhỏ nhận các dự án lập trình và thiết kế từ những “ông lớn” trong ngành. Tuy nhiên, số lượng tựa game nguyên bản nổi bật từ các studio Việt vẫn còn rất hạn chế.
Góc nhìn từ đào tạo và bản sắc
Năm 2023 ngành game tại Việt Nam đạt doanh thu 507 triệu USD với số lượng người chơi lên tới 54,6 triệu và ước tăng lên 655 triệu USD trong năm 2024. Ngành game Việt Nam đang phát triển nhanh nhưng vẫn chưa đạt được vị thế lớn trên bản đồ game thế giới. Rào cản lớn nhất của tham vọng này là thiếu lực lượng sáng tạo tài năng.
Nhu cầu về nhân lực đang trở nên bức bách cùng với đà tăng trưởng của ngành này. Dự báo trong 2-3 năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 30.000 nhân lực cho ngành, bao gồm các vị trí như lập trình viên, thiết kế game và chuyên gia marketing. Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện tại lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Mặc dù thống kê từ trang Salary Expert cho thấy mức lương trung bình cho vị trí thiết kế trò chơi (game designer) khoảng 430 triệu đồng/năm, tương đương 206.000 đồng/giờ.
Đặc biệt, do thiếu nhân lực nên nhiều công ty game chủ yếu sản xuất các game đơn giản. Trên thực tế, Việt Nam chưa có nhiều nhà thiết kế game, mà mới chỉ có nhiều nhà lập trình game. Vì vậy, để ngành thiết kế game thành công trong vai trò nhà sáng tạo nội dung gốc, các nhà phát triển game nội địa cần phải chuyển từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy thiết kế sáng tạo”. Có thể nói thiếu nhân sự chỉ là bài toán bề nổi, thiếu tư duy phát triển game mới thực sự là vấn đề lớn hơn của cả ngành công nghiệp này tại Việt Nam.
Theo ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Hệ thống Đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech, Việt Nam hiện vẫn thiếu các chương trình đào tạo chuẩn, bài bản về ngành game. Đó là chương trình phải được xây dựng dựa trên nghiên cứu kỹ về thị trường Việt Nam và thế giới; có đội ngũ chuyên gia trình độ tham gia giảng dạy; có hỗ trợ, kết nối việc làm cho sinh viên.
Khi nhắc đến phát triển game, nhiều người thường nghĩ đến lập trình, mã hóa và đồ họa 3D. Tuy nhiên, để tạo ra một trò chơi thành công, các nhà thiết kế cần phải sở hữu kỹ năng về tư duy thiết kế, giải quyết vấn đề, tư duy logic, nghiên cứu, thiết kế hệ thống, cân bằng game và khả năng làm việc nhóm.
Thay vì chỉ tập trung vào lập trình và sản xuất đồ họa, Tiến sĩ Renusha Athugala cho biết sinh viên của RMIT được đào tạo về tư duy thiết kế, phát triển trải nghiệm người dùng, thẩm mỹ thị giác, lý luận logic và khả năng kể chuyện. “Kể chuyện giúp tạo ra những sản phẩm độc đáo, đồng thời giúp sinh viên tạo ra kết nối mạnh mẽ hơn với khán giả toàn cầu”, Tiến sĩ Renusha Athugala nói. “Ngành công nghiệp game Việt Nam đang chuyển mình từ một trung tâm gia công thành cái nôi của sáng tạo nội dung gốc. Để đạt được điều này, Việt Nam cần phát triển những trò chơi mang bản sắc văn hóa Việt”.
Từ kinh nghiệm của mình, bà Pawitporn Jianprasert, Giám đốc Cấp cao Garena Online, cũng cho biết việc giới thiệu văn hóa Thái Lan vào game được coi là thế mạnh và bí quyết thành công. Các game mang đậm văn hóa Thái Lan còn quảng bá văn hóa đất nước ra quốc tế.
Đến năm 2030, ngành game Việt Nam sẽ đạt cột mốc doanh thu 1 tỉ USD. Bên cạnh con số này, chuyển đổi số và game nằm trong 8 lĩnh vực trọng tâm sẽ giúp Việt Nam có những bước phát triển đột phá, góp phần vào mô hình đổi mới sáng tạo. Với sự đổi mới gắn liền với các xu hướng công nghệ trên thế giới, ngành game nếu đi đúng đường hứa hẹn mang lại giá trị cho nền kinh tế.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư