Lãnh đạo Epson: “Chúng tôi chọn con đường bền vững dù chịu nhiều thách thức”
Tại sự kiện khai trương Văn phòng mới và Trung tâm Giải pháp nhân kỷ niệm 5 năm hành trình của Epson Việt Nam, Ban lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn gồm ông Yasunori Ogawa, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Seiko Epson; ông Siew Jin Kiat, Giám đốc Điều hành Khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Epson; ông Daisuke Hori, Tổng Giám đốc Epson Việt Nam đã trực tiếp gặp gỡ các đối tác quan trọng nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác trong chiến lược mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam và có buổi chia sẻ với NCĐT về mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn.
LỜI CAM KẾT BỀN VỮNG TRỌN THẾ KỶ
Xin ông cho biết thêm về cam kết phát triển bền vững của Epson đang được thực hiện trên toàn cầu và ở Việt Nam?
Ông Yasunori Ogawa: Epson thực hiện cam kết phát triển bền vững ở tất cả các thị trường trên toàn cầu theo 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi mong muốn tạo ra các cộng đồng bền vững và giàu có bằng cách cung cấp các giải pháp cho các vấn đề môi trường và xã hội. Chúng tôi tìm mọi cách để giảm tác hại đến môi trường trên từng sản phẩm, đồng thời sử dụng năng lượng tái tạo để vận hành tất cả các nhà máy của Epson trên toàn cầu. Tầm nhìn năm 2050 của Epson là giảm phát thải ròng và hạn chế tối đa việc sử dụng năng lượng hóa thạch.
Cụ thể, trong năm tài chính 2023, chúng tôi đã xác định được 4 vấn đề quan trọng cần được giải quyết để đạt được mục tiêu bền vững, làm giàu cho cộng đồng và 12 chủ đề bền vững cần thiết mà chúng ta phải hành động để đạt được các mục tiêu mang tính vật chất.
Ông Daisuke Hori: Tại Singapore, nơi đặt trụ sở chính trong khu vực, chúng tôi đã bắt đầu thiết lập REC (Renewable Energy Certificate – Năng lượng tái tạo) để bù đắp lượng điện tiêu thụ hàng năm. Mục tiêu của chúng tôi là mở rộng sáng kiến này tới các văn phòng khác ở Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam, để khám phá tính khả thi của việc xây dựng năng lượng tái tạo. Về cơ bản, chúng tôi hy vọng sẽ chuyển đổi thành công sang sử dụng 100% điện tái tạo.
Tại Việt Nam, chúng tôi phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức một loạt sự kiện gắn kết doanh nghiệp. Trong một sáng kiến giáo dục dành cho doanh nghiệp, chúng tôi hướng nỗ lực của mình vào năng lượng bền vững và giảm lượng khí thải carbon. Điều này nhằm truyền cảm hứng cho các ngành khác nhau chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
Ông Siew Jin Kiat: Khi nhắc đến việc thực hiện cam kết phát triển bền vững, mọi người sẽ nghĩ nó liên quan đến mảng sản xuất nhiều hơn. Tuy nhiên, các hoạt động khác của Epson cũng nhắm đến mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn. Đó là nỗ lực phi carbon hóa, giảm thiểu phát thải carbon ra môi trường. Bên cạnh việc tất cả nhà máy của Epson đều chuyển qua sử dụng 100% năng lượng tái tạo, các văn phòng của Epson trên toàn cầu cũng đang áp dụng chính sách bù trừ carbon để xử lý lượng carbon thải ra môi trường bằng cách trồng nhiều cây hơn. Ngoài ra Epson đang thực hiện chiến lược tái chế, tái sử dụng sản phẩm. Chúng tôi thu hồi, tân trang máy cũ và bán như một sản phẩm mới hoàn toàn để giảm phát thải nhựa ra môi trường.
SHO-SHO-SEI – TRIẾT LÝ CÔNG NGHỆ LÀM NÊN TÊN TUỔI CỦA EPSON
Ông Yasunori Ogawa: Chúng tôi đặc biệt chú trọng vào việc đồng tạo ra các sản phẩm, công nghệ bền vững và đảm bảo rằng những công nghệ này giảm thiểu tác động đến môi trường. Tuân thủ triết lý sho-sho-sei, các sản phẩm của Epson cũng được sáng tạo dựa trên nguyên lý nhỏ gọn, hiệu quả nhằm giảm thiểu việc sử dụng nhựa. Chính vì vậy, khi khách hàng sử dụng sản phẩm của Epson thì cũng đã phần nào đóng góp vào việc bảo vệ môi trường.
Máy in EcoTank và máy in phun đa chức năng của chúng tôi được trang bị Công nghệ In Không Nhiệt giúp tiết kiệm năng lượng. Bằng cách loại bỏ nhu cầu sử dụng nhiệt trong quá trình phun mực, nó giúp giảm mức sử dụng điện năng một cách hiệu quả và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Máy chiếu được thiết kế với kích thước nhỏ gọn không chỉ nâng cao sự thuận tiện cho người dùng mà còn góp phần tiết kiệm tài nguyên và giảm lãng phí. Với máy chiếu tương tác, đây là dòng sản phẩm nổi bật của Epson với những tính năng mới giúp nâng cao trải nghiệm và sống động hơn các buổi thuyết trình trong doanh nghiệp, từ đó kết nối được sự tương tác từ xa mà không cần phải di chuyển quá nhiều giảm thiểu tác động đến môi trường từ các chuyến công tác. Máy chiếu laser sử dụng điện năng ít hơn tới 50% so với máy chiếu đèn thông thường, với các chế độ tiết kiệm điện toàn diện.
Ông Daisuke Hori: Chúng tôi đang thực hiện các sáng kiến nhằm giảm kích thước và trọng lượng sản phẩm, 80% máy chiếu của chúng tôi đóng gói trong các hộp carton đã được tái chế và vật liệu đệm.
Epson tuân thủ yếu tố bền vững từ khâu thiết kế sản phẩm đến quá trình sản xuất. Như vậy, sản phẩm của Epson có ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu hóa mục tiêu phát triển bền vững không?
Ông Yasunori Ogawa: Ngoài công nghệ in không nhiệt, chúng tôi còn có công nghệ sợi khô hoặc Dry Fiber nhằm tái chế các vật liệu in cũng như không sử dụng nước. Trước đây, chúng tôi áp dụng công nghệ này trong việc tái chế giấy. Ngày nay, chúng tôi cũng sử dụng công nghệ này cho việc tái chế áo thun đã qua sử dụng.
Chúng tôi có thể tái chế quần áo đã mặc với công nghệ này. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng thời trang nhanh trên thế giới. Giới trẻ bây giờ mua quần áo và chỉ mặc trong một thời gian ngắn và bỏ đi. Công nghệ sợi khô hoặc công nghệ Dry Fiber góp phần hạn chế tác động tiêu cực của xu hướng thời trang nhanh.
Máy in EcoTank của chúng tôi đã giúp giảm được hơn nửa triệu lượng khí thải carbon. Máy in phun dành cho doanh nghiệp cũng tạo ra lượng khí thải carbon ít hơn tới 85%. Ngoài ra, dòng máy in vải công nghiệp cho phép các nhà sản xuất vải có thể in theo nhu cầu, giảm thiểu việc sản xuất thừa và giảm lãng phí nguyên liệu. Công nghệ in này còn hạn chế tối đa việc sử dụng nước so với các phương pháp in truyền thống.
Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững sẽ tốn kém. Epson giải bài toán cân bằng giữa hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững như thế nào?
Ông Yasunori Ogawa: Khi theo đuổi phát triển bền vững, chúng tôi phải chịu nhiều chi phí, nhưng chúng tôi vẫn chọn con đường này.
Tại Epson, chúng tôi không chỉ là một công ty tạo ra lợi nhuận mà còn hướng đến việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tạo ra giá trị lớn hơn cho toàn thể khách hàng và xã hội. Tôi tin rằng việc đạt được sự cân bằng giữa hiệu quả kinh doanh và mục tiêu bền vững đòi hỏi phải có cách tiếp cận chiến lược. Điều quan trọng là phải đặt ra các mục tiêu bền vững rõ ràng và có thể đo lường được. Những mục tiêu này phải phù hợp với các khuôn khổ toàn cầu để đảm bảo rằng tính bền vững là cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi.
Như có chia sẻ, tất cả sản phẩm của chúng tôi đều được sản xuất theo tiêu chí hướng đến phát triển bền vững, nên tôi tin rằng, khách hàng sẽ ưa chuộng sản phẩm của chúng tôi hơn, nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Một khi sản phẩm thân thiện với môi trường, chúng tôi có lợi thế cạnh tranh trên thị trường và sẽ kinh doanh hiệu quả hơn.
Ông có thể đánh giá về nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững?
Ông Daisuke Hori: Tôi tin chắc rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang nỗ lực hướng tới phát triển bền vững, nhưng việc áp dụng chiến lược phát triển bền vững còn tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp.
Các tập đoàn đa quốc gia cũng có nhiều nỗ lực trong mục tiêu này từ khâu sản xuất đến khâu hỗ trợ người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 96% trên tổng số doanh nghiệp trên cả nước và đóng góp hơn 40% GDP nhưng nhận thức và nguồn lực đầu tư vào vấn đề này còn rất khiêm tốn. Đó là lý do chúng tôi quyết định tăng cường sự hiện diện tại đây.
Tại Việt Nam, Epson cũng thực hiện nhiều chiến dịch cộng đồng khác nhau tập trung vào giáo dục, môi trường bền vững và phúc lợi cộng đồng, nhấn mạnh sự cống hiến của mình trong việc tạo ra tác động tích cực cho xã hội. Trong đó, nổi bật nhất có thể kể đến chương trình hợp tác chiến lược với Tổ chức WWF Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon vì một tương lai xanh của Việt Nam.
Mục tiêu tiến tới Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam thực sự đầy tham vọng khi phải thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng mục tiêu này rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp về lâu dài và Epson cam kết hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới hành trình xanh này.
HƯỚNG ĐẾN MỘT VIỆT NAM TĂNG TRƯỞNG MẠNH MẼ
Việt Nam là thị trường khá tiềm năng với Epson, nhưng tại sao đến bây giờ mới khánh thành Trung tâm Giải pháp này?
Ông Siew Jin Kiat: Epson có mặt ở Việt Nam đã 30 năm. Trước đây, chúng tôi chủ yếu tương tác với khách hàng thông qua kênh phân phối chứ không có cơ hội làm việc trực tiếp. Do đó, cách đây 5 năm, Epson quyết định mở văn phòng và có pháp nhân chính thức tại Việt Nam với mong muốn tiếp cận và đến gần hơn với khách hàng Việt.
Việc mở văn phòng mới và khánh thành Trung tâm Giải pháp lúc này cũng phù hợp với chiến lược mở rộng mô hình kinh doanh B2B của Epson. Thông qua đó, chúng tôi có thể tương tác trực tiếp với các đối tác doanh nghiệp nhiều hơn, đảm bảo chất lượng dịch vụ và cung cấp cho khách hàng góc nhìn toàn diện nhất về các sản phẩm chiến lược của chúng tôi.
Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh doanh của Epson tại Việt Nam?
Ông Daisuke Hori: Trong 5 năm qua, kinh tế Việt Nam chứng kiến nhiều thăng trầm. Tình hình kinh doanh của Epson cũng tương tự. Điều đáng mừng đó là trong năm nay, Epson đạt mức tăng trưởng 27% so với năm ngoái. Epson tin tưởng vào tiềm năng của thị trường Việt Nam cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu tương lai của thị trường.
Về thị phần, thị phần của máy in Epson chiếm khoảng 6%. Nếu xét riêng sản phẩm máy in phun mực liên tục thị phần của Epson tăng trưởng khá vượt bậc. Năm 2022, thị phần của sản phẩm này chiếm 45%, còn năm nay đã tăng lên 57%.
Có 2 lý do vì sao thị phần của máy in phun màu tăng trưởng vượt bậc như vậy. Thứ nhất xu hướng dùng máy in màu ở Việt Nam đang tăng. Xu hướng này có thể thấy rõ qua rất nhiều ngành nghề khác nhau. Thứ 2, sản phẩm Epson tung ra thị trường có công nghệ khá ưu việt hơn so với các dòng máy in khác trên thị trường. Điều đáng mừng là, khi khách hàng chuyển sang in màu thì không còn muốn trở lại in trắng đen vì những ưu điểm vượt trội mà in màu mang lại. Đó cũng là dấu hiệu tích cực cho dòng máy in phun màu tại thị trường Việt.
Trung tâm Giải pháp mang đến những quyền lợi gì cho khách hàng?
Ông Siew Jin Kiat: Trung tâm Giải pháp này phục vụ chiến lược mở rộng mô hình kinh doanh B2B của chúng tôi. Đối với khách hàng cá nhân, họ sẽ dễ dàng tìm thấy các sản phẩm của Epson tại các cửa hàng bán lẻ như Nguyễn Kim, Phong Vũ, hay Thế Giới Di Động. Riêng Trung tâm Giải pháp chúng tôi mới khai trương tập trung vào khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, chúng tôi không thể bán hàng mà không cung cấp trải nghiệm cho khách hàng. Trung tâm này là nơi để khách hàng đến tìm hiểu và trải nghiệm sản phẩm để thấy sản phẩm này mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp của mình. Quan trọng hơn, khách hàng sẽ nhận được sự tư vấn trực tiếp từ đội ngũ của Epson.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư