Bệnh viện tư: Chạy đà và bứt tốc
Để thúc đẩy sự tham gia của tư nhân vào quá trình phát triển bền vững ngành y tế, việc hoàn chỉnh một hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng hơn là yêu cầu cấp thiết.
Với tổng kinh phí đầu tư lên đến hơn 6.400 tỉ đồng, Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark trở thành bệnh viện lớn nhất của Đồng Nai và là bệnh viện tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Khoản đầu tư của Shing Mark cho thấy sức hấp dẫn của dịch vụ khám chữa bệnh tại Việt Nam cũng như sự trưởng thành của khối bệnh viện tư nhân.
BÁO LÃI VÀ MỞ RỘNG
Một xu hướng đáng chú ý khác cũng cho thấy sự chuyển biến này là sau thời gian dài vừa làm việc chính thức ở bệnh viện công vừa cộng tác với bệnh viện tư, gần đây nhiều bác sĩ có tay nghề đã chấp nhận đầu quân hẳn cho bệnh viện tư, đặc biệt là các bệnh viện tư nhân ở tỉnh với mức lương lên đến vài trăm triệu mỗi tháng.
Theo khảo sát của Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam, năm 2018, lương bình quân của bác sĩ, điều dưỡng bệnh viện công là 10,8 triệu đồng/người/tháng, còn mức lương bình quân ở bệnh viện tư là 13,2 triệu đồng/người/tháng. Đây là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhân viên y tế chuyển sang làm tại bệnh viện tư, nhất là sau khi các bệnh viện công bắt đầu tự chủ về tài chính và buộc phải cắt giảm ngân sách để duy trì hoạt động.
Quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ ở các đô thị đang góp phần thu hẹp khoảng cách giữa đầu tư y tế ở những thành phố lớn và tỉnh lẻ. |
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong vòng 10 năm trở lại đây, tổng chi tiêu y tế trên đầu người của Việt Nam tăng bình quân 11%/năm. Số lượt đến bệnh viện khám chữa bệnh trung bình của mỗi người dân Việt Nam đã tăng từ 1,89 lượt/năm trong năm 2010 lên 2,95 lượt/năm trong năm 2020. Số bệnh viện tư nhân tăng từ 102 bệnh viện năm 2010 lên 231 bệnh viện năm 2019. Tuy nhiên, con số lượt khám chữa bệnh của người Việt vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (3,5 lượt/năm), Trung Quốc (4,9 lượt/năm) và một số nước cao đáng kể như Nhật (12,2 lượt/năm). Do đó, sẽ còn nhiều dư địa cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong thời gian tới.
Trong thị trường đang liên tục mở rộng đó, phân khúc khám chữa bệnh ở tỉnh lẻ thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư. Quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ ở các đô thị loại II, loại III cũng đang góp phần thu hẹp khoảng cách giữa đầu tư y tế ở những thành phố lớn và tỉnh lẻ.
Bác sĩ CKII. Nguyễn Phú Định, Giám đốc Chuyên môn Hệ thống Bệnh viện Xuyên Á, nhận xét: “Cùng với sự phát triển xã hội tại các tỉnh, thành, nhu cầu khám chữa bệnh ở tỉnh hiện nay là rất lớn”. Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Bệnh viện Xuyên Á đã tổ chức khánh thành Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - Long An có quy mô hơn 1.000 giường tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Sau khi khánh thành bệnh viện đầu tiên tại Củ Chi (TP.HCM) vào năm 2014, Xuyên Á tập trung mở chuỗi bệnh viện ở Tây Ninh, Vĩnh Long, Đắk Nông, Lâm Đồng. Hầu hết các bệnh viện ở tỉnh của doanh nghiệp này đều có quy mô trên 1.000 giường.
Là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam tham gia niêm yết trên sàn chứng khoán, 2 năm qua, Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) liên tục báo lãi. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, TNH ghi nhận 308 tỉ đồng doanh thu thuần và 110 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. So với cùng kỳ năm trước, 2 chỉ số trên tăng lần lượt 32% và 37%. Trung bình trong giai đoạn 2015-2020, TNH duy trì tỉ lệ lấp đầy giường bệnh cao ở mức 80%, có năm 2016 lên tới 110%. Công ty này cho biết sẽ huy động 415 tỉ đồng từ cổ đông hiện hữu để xây thêm 2 bệnh viện mới cũng tại tỉnh này.
Theo Bộ Y tế, có 231 bệnh viện tư nhân với khoảng 16.000 giường bệnh và trên 35.000 phòng khám tư nhân trên cả nước. Các bệnh viện tư nhân đã và đang đầu tư nguồn lực rất lớn, từ gia tăng quy mô, đầu tư trang thiết bị, máy móc kỹ thuật hiện đại cho đến thu hút nhân lực chất lượng cao. Nhiều công nghệ và kỹ thuật điều trị y tế tiên tiến với ngân sách đầu tư lớn như robot hỗ trợ phẫu thuật, liệu pháp tế bào gốc, xét nghiệm di truyền bắt đầu được áp dụng, giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Chẳng hạn, Bệnh viện Đa khoa Medlatec (Hà Nội) tiền thân chỉ là một phòng xét nghiệm lâm sàng. Sau 10 năm phát triển, MED Group đã có 30 chi nhánh tại 22 tỉnh, thành. Chỉ trong 4 năm (2016-2019), doanh thu của Medlatec tăng gấp đôi lên 752 tỉ đồng; lợi nhuận tăng gấp 3 lên mức 141 tỉ đồng.
Ghi nhận lợi nhuận tích cực trong khối y tế tư nhân còn có Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn - bệnh viện tư nhân lâu đời nhất Việt Nam. Báo cáo của Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn cho thấy trong năm 2020, công ty mẹ đạt doanh thu 1.230 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế 346 tỉ đồng, giảm khoảng 15% so với mức 400 tỉ đồng năm 2019. Trước đó, năm 2018 bệnh viện này đạt 1.133 tỉ đồng doanh thu và 346 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.
Quỹ đầu tư Vietnam Opportunity (VOF), một liên doanh do VinaCapital là nhà đầu tư chính, đã đầu tư vào nhiều bệnh viện tư nhân như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, Bệnh viện Thái Hòa và Y khoa Tâm Trí.
Các khoản đầu tư này đều mang lại lợi nhuận đáng kể cho VinaCapital sau khi thoái vốn. “Khi tầng lớp trung lưu tại Việt Nam mở rộng, người dân càng có nhu cầu tìm kiếm các dịch vụ y tế tư nhân để giảm tải cho dịch vụ y tế công”, ông Andy Ho, Trưởng Bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital, cho biết.
Từ năm 2013, khi Hoàn Mỹ Sài Gòn gia nhập Tập đoàn Clermont của tỉ phú Richard F.Chandler đã phát triển thành Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ với hệ thống trải dài từ Nghệ An đến Cà Mau với 15 bệnh viện và 6 phòng khám.
LẤY LẠI 2 TỈ USD
Theo Fitch Solutions, chi tiêu cho y tế Việt Nam năm 2022 được dự báo đạt khoảng 23 tỉ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) hằng năm 10,7%. Trước khi đại dịch COVID-19 xảy đến, mỗi năm người Việt chi đến 2 tỉ USD để khám chữa bệnh ở nước ngoài. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp y tế tư nhân. Tuy nhiên, so với các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, khối bệnh viện tư nhân Việt Nam tăng trưởng chậm hơn vì còn khá nhiều rào cản từ chính sách.
Giám đốc một bệnh viện tư nhân ở phía Bắc cho biết hiện khoảng 50% bệnh viện tư đang làm dưới công suất và chịu lỗ, nhưng các bệnh viện công quá tải không chuyển bệnh nhân sang bệnh viện tư, do liên quan đến vấn đề nguồn thu cho ngân sách địa phương. Theo đó, bệnh viện công chỉ có thể chuyển bệnh trong cùng hệ thống.
Cũng theo vị này, không ít bệnh viện công muốn duy trì tình trạng quá tải để xin đầu tư mở rộng, nâng cấp, mua sắm thiết bị… Ngoài ra, Nhà nước chưa tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng bảo hiểm xã hội được chi trả khi đến khám chữa bệnh và điều trị tại hệ thống bệnh viện tư nhân. Điều này dẫn đến rất nhiều bệnh nhân có bảo hiểm xã hội muốn được điều trị tại bệnh viện tư nhân nhưng không được, hoặc chỉ được thanh toán một phần bảo hiểm nhỏ.
Một khó khăn khác là bệnh viện tư luôn cần sự phối hợp của các bác sĩ có chuyên môn sâu đang làm việc tại bệnh viện công, để thực hiện những phạm vi chuyên môn bệnh viện tư chưa đảm nhiệm được. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp này đang gặp nhiều vướng mắc trong thủ tục hành chính. Bác sĩ bệnh viện công khi tham gia phối hợp với bệnh viện tư phải xuất trình các giấy tờ, thủ tục hành chính và ký hợp đồng cam kết khám chữa bệnh khá phức tạp.
Hiện tại, Việt Nam mới có 2 bệnh viện được niêm yết. Theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI, ở các nước lân cận khác, cũng có rất ít bệnh viện được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Như vậy, có thể thấy cơ hội đầu tư vào thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam và trên thế giới là rất hạn chế. Đó là lý do tại sao cổ phiếu bệnh viện luôn giao dịch ở hệ số P/E rất cao.
Mặt khác, đầu tư và quản lý một bệnh viện mới không phải là chuyện dễ dàng, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm trong ngành và mất một khoảng thời gian đáng kể để thành lập một cơ sở mới (thường là 4-5 năm kể từ khi lập kế hoạch, xử lý các quy định, tuyển dụng bác sĩ và thiết lập tập
khách hàng).
CUỘC ĐUA CÔNG NGHỆ
Song song với xây dựng bệnh viện mới, các hệ thống y tế tư nhân tại Việt Nam cũng đang nỗ lực tiếp cận bệnh nhân tỉnh lẻ thông qua công nghệ hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa. Giống như tại Thái Lan, Indonesia hay Singapore, những đợt giãn cách trong suốt hơn 2 năm đại dịch đã góp phần giúp Việt Nam đẩy mạnh tốc độ phát triển của loại hình khám chữa bệnh phải dựa rất nhiều vào công nghệ này.
Với những bệnh nhân không nhất thiết phải điều trị tại bệnh viện và một số bệnh nhân ở xa gặp khó khăn trong việc di chuyển, nhiều bệnh viện đã thực hiện mô hình ứng dụng telemedicine - phương pháp chẩn đoán và điều trị từ xa thông qua công nghệ viễn thông. Hình thức khám chữa bệnh này giúp bệnh nhân giảm thiểu việc di chuyển đến các bệnh viện lớn và không phải chờ đợi lâu. Hơn nữa, telemedicine cũng có thể giúp các bác sĩ hỗ trợ cho nhân viên y tế cấp cứu bệnh nhân trong quá trình vận chuyển đến bệnh viện, từ đó tăng tỉ lệ sống sót cho người bệnh. Tương tự với Hoàn Mỹ, Hệ thống Y khoa Vinmec đã cho triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe từ xa tại cả 7 bệnh viện sau thành công tại 2 bệnh viện ở TP.HCM và Hà Nội.
Ứng dụng telemedicine - phương pháp chẩn đoán và điều trị từ xa thông qua công nghệ viễn thông. |
Hiện không ít bệnh viện tư nhân ở tỉnh cũng tỏ ra xông xáo trong cuộc đua chuyển đổi số để hướng tới mô hình bệnh viện thông minh, nhằm tối ưu hóa hệ thống vận hành, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 6 năm nay, Thái Hòa iHospital tại thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận sẽ sở hữu giải pháp thăm khám tại giường cho bác sĩ và điều dưỡng (AMIS); hệ thống phòng mổ thông minh tích hợp (AVAS); giải pháp khu nội trú thông minh cao cấp (iWard)...
Bên cạnh đó, các giải pháp cho khám chữa bệnh và hội chẩn từ xa (telehealth), hệ thống quản lý khoa dược (iMed) cũng được xây dựng và tích hợp, đảm bảo dữ liệu về lịch sử điều trị có thể được truy cập dễ dàng trong quá trình hội chẩn, tư vấn.
Mới đây, Bệnh viện Phương Đông (Hà Nội) cũng ra mắt cổng y tế số nhằm cung cấp các gói dịch vụ y tế trực tuyến. Đại diện bệnh viện này cho biết sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ, sản phẩm tại cổng y tế số, bao gồm cả các sản phẩm của đối tác liên quan trong tương lai, mục tiêu là trở thành cổng y tế số hàng đầu Việt Nam.
Nhìn sang các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, có thể thấy trong quá trình số hóa bệnh viện, hầu hết các bệnh viện tư nhân đang là những đơn vị dẫn đầu. Theo ý kiến người trong ngành, công nghệ là yếu tố hàng đầu của một bệnh viện thông minh nhưng con người và quy trình cũng không kém phần quan trọng.
Tại Thái Lan, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) trong phân tích lâm sàng và X-quang đã khá phổ biến, robot cấp phát thuốc cũng là thiết bị không hiếm thấy trong các bệnh viện. Robot cũng được sử dụng trong hỗ trợ phẫu thuật não, điều trị bệnh nhân u não, đột quỵ, chứng phình động mạch và bệnh Parkinson mà không thể điều trị bằng thuốc… Lợi ích rõ ràng nhất của công nghệ số chính là cải thiện hiệu quả chẩn đoán bệnh, giảm tối đa các lỗi do con người gây ra, tăng độ chính xác và quản lý dòng bệnh nhân tốt hơn.
Theo Tổng cục Thống kê, dân số già của Việt Nam đạt 12 triệu người trong năm 2021 và dự báo sẽ đạt 22 triệu người trong năm 2029. Cùng với chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao, người dân cũng bắt đầu quan tâm nhiều đến những dịch vụ khám sức khỏe theo yêu cầu như xét nghiệm máu, chẩn đoán bệnh nền, tư vấn chế độ ăn uống.
Hiện tại, số giường bệnh/dân số của Việt Nam chỉ vào khoảng 32 giường/10.000 dân, còn rất thấp so với các nước phát triển trong khu vực như Hàn Quốc 103 giường/10.000 dân, Trung Quốc 42 giường/10.000 dân. Tại châu Á, y tế tư nhân bình quân chiếm 20-30% trong hệ thống y tế; còn ở Việt Nam, tỉ lệ y tế tư nhân chỉ chiếm 5,4%. Đó là lý do dòng vốn tư nhân sẽ tiếp tục đổ vào lĩnh vực y tế trong thời gian tới.
Hai năm đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, Việt Nam càng nhận thức rõ tầm quan trọng của hệ thống y tế mở rộng với sự hỗ trợ của y tế tư nhân.
Tuy nhiên, trên thực tế, chăm sóc sức khỏe không phải là lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư do khả năng sinh lợi thấp và có nhiều rủi ro. Vì vậy, y tế tư nhân cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là y tế tư nhân tại các vùng nghèo, vùng khó khăn, tuyến cơ sở. Để thúc đẩy sự tham gia của tư nhân vào quá trình phát triển bền vững ngành y tế trong giai đoạn phát triển mới, việc hoàn chỉnh một hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng hơn là yêu cầu cấp thiết.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, việc huy động các nguồn lực tài chính cho đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế là yêu cầu rất quan trọng. Ở nhiều nước trên thế giới, việc áp dụng hình thức PPP (đối tác công - tư) để xây dựng công trình trong lĩnh vực y tế đã có đóng góp rất lớn trong quá trình giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực vốn nêu trên.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư