Những nữ tướng công nghệ
Sự xuất hiện của nữ giới trong lĩnh vực công nghệ, vốn chỉ thường dành cho nam giới, là một câu chuyện thú vị khác.
Giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Việt Nam trong hơn hai thập niên vừa qua đã tạo ra một thế hệ nữ tướng trong nhiều ngành kinh tế, như bà Mai Kiều Liên của ngành sữa, bà Nguyễn Thị Mai Thanh của ngành cơ khí, bà Cao Thị Ngọc Dung của ngành vàng bạc đá quý hay bà Trương Thị Lệ Khanh của ngành thuỷ sản. Các nữ tướng này đã thành công cổ phần hoá các công ty nhà nước thành các tập đoàn niêm yết tỉ USD. Hay gần hơn chúng ta có bà Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet Air.
Tuy văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng khá lớn từ Nho giáo nhưng báo cáo khảo sát của Deloitte lại cho thấy mức độ bình đẳng giới trong kinh tế tại Việt Nam xếp thứ 2 trong các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ sau Úc. Tỉ lệ phụ nữ trong hội đồng quản trị của Việt Nam là 17,6%. Khảo sát được thực hiện trên 64 quốc gia trên toàn thế giới này cho thấy tỉ lệ của Việt Nam vượt mức trung bình toàn thế giới (15%) và nằm trên cả những nước phát triển như Singapore (9,4%). Sự xuất hiện của nữ giới trong lĩnh vực công nghệ, vốn chỉ thường dành cho nam giới, là một câu chuyện thú vị khác.
GIAN NAN TIẾN VÀO LÃNH ĐỊA CỦA NAM GIỚI
Làn sóng ứng dụng công nghệ đa ngành nghề chưa bao giờ lớn hơn thời điểm hiện tại, tạo ra một tiền đề khác cho các công ty công nghệ khổng lồ phát triển trong thập niên vừa qua trên toàn thế giới. Song song, làn sóng này cũng tạo ra các nữ tướng công nghệ như Meg Whitman - CEO của Hewlett Packard, Susan Wojcicki - CEO của YouTube, Marissa Mayer - CEO của Yahoo, Safra Catz - đồng CEO của Oracle và rất nhiều các tên tuổi nữ giới khác.
Bà Susan Wojcicki, CEO của YouTube. |
Tại Việt Nam, sau thế hệ vàng của các nữ tướng trong giai đoạn tăng trưởng nóng kinh tế của Việt Nam, lại đang có một thế hệ nữ tiềm năng nổi lên trong công nghệ. Tuy máy tính được xem như lãnh địa riêng của nam giới nhưng cũng đã có những cái tên nữ giới Việt Nam khá thành công trong lĩnh vực này như: Shark Thái Vân Linh, Hà Thanh An từ Startup Viet Investment and Development Co., Lê Hoàng Uyên Vy của ESP Capital, Lana Dương của Venture Capitalist, Văn Vũ của Elsa và nhiều tên tuổi nữ khác.
Mặc dù vậy, tỉ lệ nữ giới trong ngành công nghệ còn khá lép vế so với nam giới ngay cả ở những nước tiến bộ trong bình quyền, khi phụ nữ chỉ mới chiếm 30% trên tổng số tại 11 công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Theo khảo sát của Boston Consultant Group trên 350 startup trong giai đoạn sơ khởi (early stage), có một nghịch lý thú vị giữa các startup có nhà sáng lập là nữ giới so với các startup được thành lập bởi nam giới. Cụ thể, các startup của nữ giới gọi được số vốn trung bình thấp hơn nam giới đến hơn 1 triệu USD. Tuy nhiên, thú vị là các startup được thành lập bởi nữ giới lại là khoản đầu tư sinh lời cao hơn so với nam giới, khi thường đoạt doanh thu trung bình cao gấp đôi số vốn đầu tư sau vài năm.
Về lý thuyết, giới tính không phải là phải yếu tố quyết định thành bại của các cá nhân hay doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giới tính thường tạo ra các rào cản lớn hơn cho nữ giới khi tham gia vào các ngành được mặc định là dành cho nam giới như công nghệ. “Rào cản của nữ giới chính là bởi họ là phụ nữ”, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Nữ doanh nhân Việt Nam, đã từng chia sẻ. Có nhiều lý do tạo nên các rào cản này. Đầu tiên là quan niệm của nhà đầu tư về khả năng và kiến thức chuyên môn của nữ giới trong các bộ môn khoa học, đặc biệt là khoa học máy tính. Báo cáo từ UNESCO cho biết tỉ lệ nữ giới tham gia vào các công việc liên quan đến khoa học và công nghệ của Đông Nam Á thuộc hàng thấp nhất thế giới ở mức 20% trên tổng số. Tại Việt Nam, báo cáo được phối hợp thực hiện giữa Đại học Arizona và Đại học Bách khoa TP.HCM cũng chỉ ra điều tương tự khi nữ giới hoàn toàn lép vế trong các ngành STEM (Khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học).
Một lý do khác là các nhà sáng lập nam thường có các ý tưởng táo bạo hơn là nữ giới. Và nam giới có xu hướng vẽ ra các viễn cảnh tốt hơn mức thực tế trong tương lai, vì vậy khoản đầu tư mà họ nhận được thường cao hơn. Báo cáo của Harvard Business Review cho thấy các startup của nữ chỉ nhận được trung bình 25% khoản đầu tư mà họ yêu cầu, trong khi con số này ở nam giới là 52%. Các startup nữ cũng bị từ chối nhiều hơn với 53% thất bại gọi vốn, trong khi nam giới chỉ có 38%.
Khảo sát khác của MassChallenge, quỹ tăng tốc khởi nghiệp của Mỹ, cũng chỉ ra điều tương tự. Một startup có sáng lập hay đồng sáng lập là nữ giới nhận được số vốn đầu tư trung bình 935.000 USD, chỉ bằng phân nữa số vốn rót vào các startup của nam giới (2.1 triệu USD). Tuy nhiên, các startup của nam giới lại có trung binh doanh thu cộng gộp trong 5 năm thấp hơn của nữ giới.
LỢI THẾ TỪ NHỮNG Ý TƯỞNG GẦN VỚI THỰC TẾ
Chính vì sự áp đảo của nam giới trong STEM, mà các startup của nữ giới thường mang ít yếu tố STEM hơn. Nếu các startup của nam giới có thể tạo ra các mô hình kinh doanh mới hoặc thay đổi phương thức vận hành của các mô hình kinh doanh vốn có, thì các startup của nữ giới lại thường tập trung giải quyết những vấn đề khá cụ thể và thực tế.
Từ những ý tưởng rất gần gũi và nữ tính như startup của Shark Linh, Rita Phil, chuyên thiết kế, may đo các sản phẩm thời trang tại Việt Nam cho khách hàng khắp thế giới. Tương tự là Caroline Lê với startup về dinh dưỡng JuicElixir, Sao Trần của Lixibox, Trang Nguyễn của House of Chay. Ít yếu tố nữ tính hơn, thì có Elsa của Văn Vũ hoặc Logivan của Linh Phạm, nhưng vẫn là những ý tưởng khá sát thực tế.
“Các ý tưởng của startup phải có mục tiêu là giải quyết một vấn đề cụ thể trong xã hội”, ông Andrew, Công tước xứ York đã chia sẻ cùng NCĐT về yếu tố quan trọng nhất trong đánh giá tính khả thi của một ý tưởng startup. Trong một cuộc tuyển chọn diễn ra tại TP.HCM, một startup nữ cũng đã vượt qua nhiều startup khác để đến Anh là Linh Phạm, sáng lập của Logivan. Chỉ trong chưa đầy một năm bắt đầu hoạt động, Logivan đã khá thành công khi gọi được 1,75 triệu USD từ Ethos Partnersm Insignia Venture Partners và VinaCapital Ventures, tiến thẳng lên Series A một cách nhanh chóng.
Bà Linh Phạm, sáng lập của Logivan, được mệnh danh là nữ tướng ngành kỹ thuật. |
“Chúng tôi muốn mang lại hiệu quả cao hơn cho ngành giao thông vận tải Việt Nam”, Linh Phạm khẳng định. Cô gái tốt nghiệp Đại học Cambridge này nhận ra sự lãng phí khi phần lớn các xe tải lượt về đều rỗng, một trong những nguyên nhân khiến chi phí logistics của Việt Nam thuộc vào hàng cao nhất thế giới.
“Một startup thành công có xuất phát điểm từ giải quyết một vấn đề cụ thể”, nhà đầu tư nổi tiếng tại Sillicon Valleys - Joe Lonsdale cũng đồng tình trả lời câu hỏi về bí quyết tìm kiếm các startup tiềm năng của Thức Vũ, trong một lần đến Việt Nam. Joe cũng đầu tư vào một startup thành lập và điều hành bởi nữ giới là Lixibox. Startup thương mại điện tử chuyên phân phối mỹ phẩm của các beauty blogger, được thành lập bởi Sao Trần.
Câu chuyện của Văn Vũ và Elsa cũng xuất phát từ một ý tưởng khá gần gũi với thực tế. Ứng dụng giúp luyện phát âm chuẩn giọng bản ngữ hoạt động theo cơ chế trí thông minh nhân tạo này được cô nghĩ ra khi đang du học tại Mỹ. Với gần 60.000 lượt tải về mỗi tháng trên cả Apple Store và Google Play, Elsa đã thành công gọi được 3,2 triệu USD từ Monk’s Hill Ventures và 2 nhà đầu tư khác vào đầu năm nay.
Khởi đầu tương tự với Đoàn Kiều My khi cô bắt đầu YellowBLocks, startup danh bạ cho công nghệ blockchain. Vốn tiếp xúc với blockchain từ khá sớm khi còn học tại Phần Lan, cô đã nhận ra sức hấp dẫn của công nghệ chuỗi này.
“Blockchain có một tiềm năng ứng dụng lớn nhưng thiếu một cầu nối để mọi người hiểu đúng về bản chất của công nghệ”, My lý giải cho nỗ lực xây dựng cộng đồng blockchain trong vài năm vừa qua của mình. YellowBlocks đã chính thức trở thành đại diện tại Việt Nam của European Blockchain Hub, một tổ chức quốc tế độc lập hoạt động với mục tiêu đề cao sự minh bạch, phi tập trung và an toàn của công nghệ blockchain.
NHỮNG NHÀ ĐẦU TƯ NỮ XUẤT HIỆN
Theo ước tính Global Entrepreneurship Monitor (một cơ quan nghiên cứu giới Doanh nhân Toàn cầu), phụ nữ đóng góp 40% GDP Việt Nam, gần ngang với Trung Quốc. Với những ký ức tươi mới về hàng tỉ USD tài sản được tạo ra ở Trung Quốc, nhiều người đang tìm kiếm Trung Quốc 2.0. Họ tìm kiếm các quốc gia có nhân khẩu học phù hợp - những công nhân trẻ, háo hức xây dựng các trung tâm sản xuất, và sau đó lại chi tiền để mua những chiếc xe hơi đầu tiên hoặc túi xách.
Sự xuất hiện của các nhà đầu tư nữ sẽ khiến câu chuyện kinh doanh và kiếm tiền tại Việt Nam hấp dẫn và mềm mại hơn. |
Nhìn vào tổng thể dân số, Việt Nam chỉ là quốc gia lớn thứ 15 thế giới, nhỏ hơn Indonesia, Pakistan, Bangladesh và Philippines. Nhưng hầu hết các nước này đều có sự suy giảm về nhân khẩu học. Ví dụ, tỉ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Pakistan và Bangladesh lần lượt là 25% và 33%. Theo đó, Việt Nam đang nổi lên với nhiều ưu thế hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Dĩ nhiên, sự xuất hiện của các nhà đầu tư nữ sẽ khiến câu chuyện kinh doanh và kiếm tiền tại Việt Nam hấp dẫn và mềm mại hơn nhiều.
Hiện nay, các quỹ đầu tư vẫn đang được chiếm đại đa số bởi nam giới. Theo Crunchbase, một trong những trang thông tin lớn nhất về startup, nam giới chiếm 92% tổng số nhân sự cao cấp của các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn tại Mỹ. Vì vậy, các ý tưởng và sản phẩm của phụ nữ thường sẽ ít hợp gu đầu tư của các nhà đầu tư nam giới hơn là các ý tưởng và sản phẩm của nam giới. Điều này cũng thành một trong những rào cản khá lớn trong việc gọi vốn của các startup nữ.
Theo hướng ngược lại, nữ giới đang khẳng định vị thế của mình trong các quỹ đầu tư mạo hiểm. Có nhiều nhân vật xuất hiện trong những năm gần đây như Shark Thái Vân Linh, Hà Thanh An từ Startup Viet Investment and Development Co., Lê Hoàng Uyên Vy của ESP Capital, Lana Dương của Venture Capitalist. “Phụ nữ ngày càng tiến xa hơn trong lĩnh vực công nghệ và vũ trụ, sẽ không còn rào cản nào về giới tính và nghề nghiệp trong tương lai, thậm chí những lãnh đạo nữ đôi khi còn mạnh mẽ và quyết liệt hơn”, Lê Hoàng Uyên Vy đã cho biết. Cô gái này khởi nghiệp từ năm 13 tuổi với startup thiết kế website mang tên Tmspeed Network.
Mặc dù có một niềm đam mê lớn với công nghệ nhưng Vy lại chọn học tài chính tài chính ở Đại học Georgetown tại Mỹ. “Tôi nhận ra còn rất nhiều điều phải học trước khi bắt đầu một câu chuyện kinh doanh. Tôi lựa chọn tài chính vì nó hỗ trợ thiết thực cho công việc quản trị kinh doanh, tôi vẫn có thể tự học và theo đuổi đam mê công nghệ”, cô chia sẻ về quyết định chọn theo học tài chính của mình.
Vy trở về Việt Nam tiếp tục theo đuổi đam mê công nghệ và tham gia vào thương mại điện tử bằng việc xây dựng website Chon và rồi là Adayroi của Vingroup. Và hiện tại, chị đang tham gia vào quỹ đầu tư ESP Capital với mong muốn tạo cơ hội cho các startup công nghệ Việt Nam phát triển.
Tương tự, Shark Linh cũng sở hữu MBA chuyên ngành tài chính của Đại học Pennsylvania - Wharton. Lana Dương, Phó Chủ tịch của Openspace Ventures, cũng sở hữu tấm bằng tài chính - quản trị kinh doanh từ hai ngôi trường danh giá là LSE và NUS. Hà Thanh An của Startup Viet cũng sở hữu tấm bằng thạc sỹ kinh tế và ACCA.
“Sau nhiều năm làm việc tại Mỹ trong môi trường làm việc mà nam giới chiếm đại đa số, tôi và các đồng nghiệp nữ khác đã quen với cách cư xử như một người đàn ông thực thụ - dứt khoát, rành mạch và kiên định giữ vững lập trường của mình”, Shark Linh cho biết. Không những học cách để khẳng định bản thân trong thế giới của nam giới, nữ tướng này còn có những cá tính khá mạnh. “Vốn sinh ra khá ngỗ nghịch, tôi thích nghi khá dễ dàng với môi trường đó”, chị khẳng định.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư