NTP

Dấu ấn độc bản trong một chiếc bút

Thứ Năm | 16/03/2023 07:00

Bản xuất và không có đủ hàng để bán”, bà Tôn Nữ Xuân Quyên, sáng lập BluSaigon.

Người sáng lập BluSaigon không chỉ dừng lại ở việc định vị thương hiệu quà tặng quốc gia.
Bản xuất và không có đủ hàng để bán”, bà Tôn Nữ Xuân Quyên, sáng lập BluSaigon.

Từ những chiếc vỏ sò, vỏ trai hay vỏ bào ngư bị bỏ đi, qua đôi tay khéo léo của người thợ thủ công lành nghề, nghệ thuật thủ công khảm trai hơn 1.000 năm tuổi của người Việt xưa được BluSaigon làm sống lại, trở thành những chiếc bút nhỏ xinh, lấp lánh cầm trên tay.

KẾ THỪA TINH HOA TỪ CHA

Mỗi chiếc bút của BluSaigon cần trung bình từ 24-72 giờ, trải qua hơn 20 công đoạn để hoàn thành. Tất cả các công đoạn cắt, mài, ráp, khảm... đều được làm hoàn toàn thủ công. Chính sự gia công tỉ mỉ và sự khác nhau của những đường vân, xà cừ trên lớp vỏ, mỗi chiếc bút gần như là độc bản. Khoen bút, dắt bút được mạ vàng, bạc hoặc bạch kim theo công nghệ Ý đảm bảo sản phẩm không bị oxy hóa, trong khi ngòi bút được gia công tại Đức - quốc gia hàng đầu chuyên về các sản phẩm bút cao cấp, mực được chọn từ những hãng sản xuất nổi tiếng tại Nhật và Ý.

“Phôi gia công khoen bút hay dắt bút dù được đặt hàng nhưng khi về đến Việt Nam vẫn có độ chênh lệch. 10 chiếc bỏ hết 5, 6. Do đó, gần 2 tháng nay, tôi phải tổ chức đội gia công tại Việt Nam để có thể kiểm soát chất lượng. Dù khi ra quyết định này, chúng tôi phải sắp xếp lại khâu sản xuất và không có đủ hàng để bán”, bà Tôn Nữ Xuân Quyên, sáng lập BluSaigon, chia sẻ.

Hiện tại, khâu thiết kế của BluSaigon do một nhà thiết kế người Pháp đảm nhận, tương lai sẽ có thêm nhà thiết kế người Đức để sản phẩm vừa kể câu chuyện Việt Nam vừa đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ của khách hàng quốc tế.

 

Mỗi tháng BluSaigon sản xuất khoảng 3.000 bút với giá từ 1,5-20 triệu đồng, gồm các dòng cao cấp, từ bút bi, bút máy. Công ty đang chiếm lĩnh 20% thị trường bút cao cấp tại Việt Nam, trong đó 35% khách hàng tại TP.HCM, 60% khách tại khu vực phía Bắc và miền Trung, 5% còn lại từ nước ngoài, chủ yếu tại Mỹ và Canada. Mặc dù vậy, theo bà Quyên, thị trường nước ngoài chưa phải là trọng điểm của thương hiệu ở thời điểm này bởi mỗi chiếc bút đều là hàng thủ công, sản xuất cần đảm bảo chất lượng hơn là số lượng. Từng có lô hàng xuất đi nhưng vì khi phát hiện độ chênh không đều giữa ngòi bút và đầu bút với khoảng cách chưa đến 1 mm, bà Quyên đã cho thu hồi lô hàng.

Chứng kiến ba mẹ khởi nghiệp khi còn rất nhỏ, từ một căn gác xép trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, với 6 người thợ cần mẫn mài cắt từng vỏ sò, vỏ trai và vỏ ốc, biến những thứ bỏ đi thành sản phẩm hữu dụng, lấp lánh là nút áo cho đến khi thành xưởng lớn với quy mô 10.000 m2, bà Quyên thừa hưởng ở cha - ông Tôn Thạnh Nghĩa - tinh thần ham học hỏi và lòng kiên nhẫn. 

Thế nhưng, thay vì kế nghiệp cha, bà Quyên nuôi khát khao tạo ra một sản phẩm quà tặng vừa phát huy được tay nghề của người thợ, vừa khiến người điều hành và người thợ tự hào. Bởi thực tế, khi nhắc đến đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, phần đông người tiêu dùng thường nghĩ ngay đến những món hàng kiểu giả sơn mài được bày bán ở các khu chợ, cửa hàng dành cho khách du lịch. Mong mỏi của bà Quyên chính là thông qua những chiếc bút nhỏ bé, có thể góp phần thay đổi suy nghĩ đó.

 

Bà Quyên cho biết bước đầu khởi nghiệp với BluSaigon cũng không dễ dàng, nhất là với số vốn chỉ 4 tỉ đồng được gia đình hỗ trợ ban đầu, 3/4 trong số đó gồm máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhân sự có kinh nghiệm, R&D. “Với số tiền mặt ít ỏi, tôi phải suy nghĩ nát óc để có thể vừa marketing, tổ chức nhân sự vận hành, chiến lược và mở showroom đầu tiên”, bà Quyên nhớ lại.

Một thách thức khác là thống lĩnh thị trường xa xỉ nói chung và thị trường bút cao cấp nói riêng tại Việt Nam đều là các thương hiệu ngoại nhập như Montblanc, Parker, Sailor hay S.T. Dupont... BluSagion là công ty Việt Nam đầu tiên dấn thân vào phân khúc này nên gặp rất nhiều rào cản. Bà Quyên cho biết rào cản lớn nhất là thói quen và tâm lý chuộng hàng ngoại của người Việt, đặc biệt ở phân khúc hàng cao cấp. Rào cản thứ 2 đến từ bản thân bà. Do không có thói quen xài hàng hiệu và sử dụng các dịch vụ cao cấp, trong 2 năm đầu, bà rất lúng túng từ khâu thiết kế sản phẩm, trưng bày showroom, làm website cho đến khâu vận hành, chăm sóc khách hàng... “Có những thiết kế hoa lá mình thấy đẹp nhưng khách không nghĩ vậy", bà nói.

HAI LẦN KHỞI NGHIỆP THẤT BẠI

Trước khi dừng chân với bút ngọc trai, bà Quyên từng khởi nghiệp tại Mỹ trong lĩnh vực tài chính - sở trường thuộc ngành học nhưng công ty đóng cửa sau 6 tháng. Trở về Việt Nam, bà khởi nghiệp lần nữa với mảng F&B. Cú thất bại này sau 8 năm cho bà nhiều bài học thực tiễn về mô hình kinh doanh, cách vận hành, quản lý, quản trị nhân lực.

Bài học quan trọng nhất, theo bà Quyên, chính là sự kiên trì đến cùng, dám thử, dám làm và chấp nhận sai. “Ba tôi thường nói phải tự tạo áp lực cho bản thân vì đó là động lực để phát triển. Và mặc dù công ty của ba (Tôn Văn Group, chuyên sản xuất nút áo cho các thương hiệu thời trang quốc tế như Dior, Burberry, Ralph Lauren...) đã có chỗ đứng vững chắc, lâu dài tại các thị trường lớn nhưng tôi nhận thấy, mình còn quá nhiều mục tiêu phía trước để theo đuổi. Như cách ba tôi không ngừng đổi mới, đầu tư máy móc, công nghệ để làm ra sản phẩm tốt hơn mỗi ngày”, bà Quyên chia sẻ.

 

Để gia tăng trải nghiệm cho khách, BluSaigon cung cấp dịch vụ khắc tên khách lên thân bút hoặc dắt bút với những font chữ được định dạng sẵn cho khách lựa chọn trực tuyến qua phần mềm. Không dừng lại ở việc định vị thương hiệu quà tặng quốc gia, bà Quyên tiết lộ mục tiêu kết hợp bút ngọc trai và đá quý làm thành các phiên bản siêu giới hạn.

Hướng đến phân khúc cao cấp hơn, và nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, mỗi chiếc bút của BluSaigon trong tương lai đều sẽ được đánh số như một dấu ấn độc bản. Bên cạnh đó, mỗi dòng bút (được đặt tên, có câu chuyện phía sau) sẽ được sản xuất với số lượng giới hạn, được bán với giá vài chục đến vài trăm triệu đồng, thậm chí lên đến hàng tỉ đồng. Tháng 9/2022, BluSaigon lần đầu giới thiệu bộ sưu tập bút mang hơi thở của các địa danh, câu chuyện lịch sử như Tả Thanh Thiên - lấy cảm hứng từ Tháp Bút hay 18 Đời Vua Hùng... “Tôi muốn kể những câu chuyện mang văn hóa Việt, có tính độc bản, tôn vinh tài hoa nghệ nhân Việt Nam và bản sắc làng nghề truyền thống Việt Nam”, bà nói.


Tin nổi bật trong ngày