Bảo vệ - Bảo tồn

Xoay xở Du thuyền

Lê Phan Thứ Tư | 27/04/2022 10:00

Ảnh: TL.

Kinh doanh du thuyền xoay xở và thích ứng với bối cảnh vắng bóng du khách quốc tế.
Ảnh: TL.

Nếu như trước COVID-19, các du thuyền hạng sang có sức chứa lớn từ vài trăm đến hàng ngàn phòng (cruises) là lựa chọn hoàn hảo cho khách du lịch trong nước cũng như quốc tế thì hiện tại, du thuyền cá nhân (yacht) trở thành lựa chọn hàng đầu.

Cruises ế khách, Yacht lên ngôi

Dịch bệnh, phong tỏa kéo dài khiến ngành dịch vụ và du lịch toàn cầu thiệt hại hàng tỉ USD. Kinh doanh du lịch từ hoạt động du thuyền cũng không ngoại lệ. Hàng loạt du thuyền chở khách hạng sang rơi vào cảnh đìu hiu, thậm chí bị chủ đầu tư phá hủy để không tốn thêm chi phí neo đậu, bảo trì, bảo dưỡng. Trong vòng xoáy đó, ngành du lịch du thuyền Việt Nam vừa khởi sắc từ năm 2017 đã phải tìm cách cầm cự. Chiến lược lớn nhất của các đơn vị kinh doanh du thuyền không khác nhiều so với các khách sạn, resort nghỉ dưỡng: tập trung phục vụ khách nội địa.

Để phù hợp với túi tiền khách Việt, các đơn vị kinh doanh du thuyền đều tung chiến lược giảm giá khá sâu, từ 50-60% so với trước dịch. Về marketing, đơn vị kinh doanh tích cực tìm kênh phân phối sản phẩm, nghiên cứu mạnh hơn về thị trường nội địa để tìm được đối tác phù hợp. Mặc dù vậy, việc giảm giá này, theo bà Nguyễn Ngọc Diệp, Giám đốc Kinh doanh Emperor Cruises thuộc Lux Group, thực chất là để duy trì hình ảnh, thương hiệu để sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại.

“Khách Việt chi rất thấp nhưng lại đặt kỳ vọng rất cao vào các trải nghiệm như du thuyền. Điều này khiến chúng tôi đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chúng tôi phải tiết kiệm chi phí hết mức có thể. Nếu trước kia chúng tôi có nhiều chi phí tạo thêm các hoạt động trải nghiệm cho khách mà không tính tiền, quà tặng, nâng cao chất lượng thực phẩm cho khách thì nay chúng tôi phải nghiên cứu để đưa ra được chi phí thấp nhất có thể để duy trì được hoạt động tour”, bà Diệp nói.

 

Chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam đã thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Cụ thể, trong tháng 3/2022, du khách đến Việt Nam tăng 41,4% so với tháng 2 và gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số này vẫn khá khiêm tốn so với giai đoạn trước dịch. Đặc biệt, khách đến bằng đường biển chỉ đạt 36 lượt người, chiếm 0,04% và giảm 72,1% theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Thực tế, tại Nha Trang, đã hơn 1 tháng trôi qua từ khi mở cửa đón khách quốc tế, các đơn vị kinh doanh du thuyền tại đây vẫn chưa đón được khách du lịch quốc tế nào. Đây cũng là tình hình chung của các đơn vị kinh doanh du thuyền tại những địa danh vốn được du khách quốc tế ưa chuộng như Hạ Long, Lan Hạ, Phú Quốc. Do đó, định hướng cốt lõi của các đơn vị trong năm 2022 vẫn là đón khách Việt làm chủ đạo.

Lý giải về việc du khách ngần ngại quay trở lại với các siêu du thuyền, ông Nguyễn Đức Thuận, CEO Vietyacht, cho rằng, dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen của người dùng. “Du khách ngại tập trung đông đúc, đi những tour ồn ào. Thay vào đó, họ có xu hướng đi theo từng nhóm nhỏ. Nhu cầu du lịch cũng khác so với trước đây”, ông Thuận nói.

Dịch chuyển theo khách hàng

Hướng kinh doanh mới đang được khá nhiều đơn vị kinh doanh du thuyền quan tâm là việc đẩy mạnh cho thuê du thuyền cá nhân (yacht) để đón đầu xu hướng mới của du khách sau COVID-19. Thông thường, các nhóm này từ vài người đến vài chục người, thuê yacht cho những mục đích khác nhau, có thể là vui chơi, thư giãn cùng gia đình, bè bạn hoặc ký kết hợp đồng, tiếp đối tác... Giá thuê phụ thuộc vào kích thước, sức chứa và loại du thuyền. Chẳng hạn, theo niêm yết tại thị trường Hạ Long, giá cho thuê du thuyền 14 m của Vietyacht là 21,4 triệu đồng/2 tiếng (chưa VAT). Với các bên khác, du thuyền có kích thước tương tự nhưng nếu ở TP.HCM thì giá có thể gấp rưỡi hoặc gấp đôi.

 

Hiện tại, các đơn vị cho thuê chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo tổng kết sơ bộ , lượng khách thuê yacht đã tăng trung bình từ 10-25%, tùy khu vực. Con số này theo nhiều bên đánh giá sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ông Thuận chia sẻ, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã xúc tiến với Vietyacht đẩy mạnh mua du thuyền nhằm đón đầu xu hướng này. Bên cạnh đó, với những khách mua du thuyền từ Vietyacht, công ty này cũng hỗ trợ khách hàng cho thuê du thuyền (như hình thức condotel) nếu khách có nhu cầu.

Với mảng du thuyền siêu sang, bà Diệp cho rằng, trong năm 2022 lượng khách chủ đạo tập trung vẫn là khách nội địa. Đến năm 2023 mới có thể có nhiều khách quốc tế hơn khi chính sách của các nước nới lỏng hơn cho việc xuất nhập cảnh và tâm lý du khách cũng bớt e dè hơn. Chia sẻ về kỳ vọng phục hồi, bà Diệp nói, nếu tình hình khả quan, phải mất từ 2-3 năm vì “không chỉ có sản phẩm du thuyền, chúng tôi còn có những dự án khác liên quan đến du lịch, cũng là để đáp ứng được nhu cầu của khách. Trước tình hình mới, chúng tôi phải xây dựng thêm những sản phẩm mới chất lượng hơn, cao cấp hơn”.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lux Group, nhấn mạnh, dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhiều thứ, từ thói quen đến tâm lý tiêu dùng, trong đó có xu hướng wellness (cân bằng thể chất và tinh thần), tôn trọng, gần gũi thiên nhiên. Do đó, việc phát triển các sản phẩm gắn với du thuyền là hướng đi khả quan. “Chúng tôi đang lên kế hoạch đầu tư du thuyền nghỉ đêm trên vịnh Nha Trang, hướng đến khách có chi tiêu cao”, ông Hà chia sẻ.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày