Phong Cách Sống

Đạo diễn Aaron Toronto: Cuộc sống ở Việt Nam dễ chịu đủ đường

Tuấn Thịnh Thứ Năm | 24/04/2025 08:58

Đạo diễn Aaron Toronto hơn 10 năm lăn lộn vẫn giữ nguyên lửa nghề để có bộ phim Việt đầu tay do chính mình là cha đẻ. Ảnh: TL.

“Chỉ ở Việt Nam tôi mới có thể làm được nhiều vai trò cho điện ảnh và thỏa mãn một tâm hồn từ lâu đã thuộc về châu Á”.
Đạo diễn Aaron Toronto hơn 10 năm lăn lộn vẫn giữ nguyên lửa nghề để có bộ phim Việt đầu tay do chính mình là cha đẻ. Ảnh: TL.

Ai đau đáu nỗi niềm sống tha hương ở xứ người, hãy đến TP.HCM gặp ông Tây mắt xanh cười nói tiếng Việt giọng miền Nam không chỗ chê. Ai làm phim Việt đang lúc nản lòng, hãy đến gặp đạo diễn người Mỹ hơn 10 năm lăn lộn vẫn giữ nguyên lửa nghề để có bộ phim Việt đầu tay do chính mình là cha đẻ. Đó là đạo diễn Aaron Toronto, vẫn đang bận bịu chạy tới chạy lui trong nội thành làm không hết việc ở 3 nơi: công ty sản xuất phim, sân khấu kịch dành cho người nước ngoài và trung tâm dạy diễn xuất, biên kịch.

Đạo diễn Aaron Toronto. Ảnh: TL.
Đạo diễn Aaron Toronto. Ảnh: TL.

Điện ảnh Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều bộ phim có doanh thu hơn trăm tỉ đồng. Là một đạo diễn kiêm nhà sản xuất, anh nhận được những ảnh hưởng tích cực gì từ đà phát triển chung này, chẳng hạn trong việc kêu gọi nhà đầu tư cho các dự án phim của anh?

Điện ảnh Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây có thể nói phát triển theo cấp số nhân. Tuy nhiên, kêu gọi đầu tư lại là câu chuyện khác và chưa bao giờ dễ dàng. Thị trường phim Việt còn bị giới hạn số lượng phim hay, nghĩa là sức tiêu thụ trong 1 năm tối đa chỉ có mấy chục phim, nên không bao giờ dư dả để kêu gọi đầu tư. Mà điện ảnh vốn là mảng đầu tư nhiều rủi ro, cả ở Việt Nam và trên thế giới. 

Tôi biết Hollywood có cách để giảm rủi ro đầu tư, Việt Nam cũng có. Cách của Việt Nam là một nhà đầu tư bỏ tiền vào nhiều phim của nhiều nhà sản xuất khác nhau, ví dụ đầu tư vào 10 phim thì chỉ cần 2-3 phim thắng đã có thể gỡ cho 7-8 phim thua. Do đó, một bộ phim Việt Nam có thể có 3-4 nhà đầu tư, 2-3 công ty sản xuất, vài công ty phát hành, vài công ty xử lý hậu kỳ, vài công ty cho thuê thiết bị... cùng đổ vào nhằm chia sẻ lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro.

Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm gọi đầu tư như ở phim Đêm Tối Rực Rỡ (đạt giải Cánh Diều Vàng 2022) hay phim kinh dị mà anh đang sản xuất?

Đối với Đêm Tối Rực Rỡ, tôi gọi đầu tư vào năm 2018, 2019 trước dịch. Thời điểm đó có những nhà đầu tư sẵn sàng phiêu lưu bỏ tiền vào lĩnh vực mà họ ít am hiểu. Nhưng đến năm 2022, 2023 rất khó gọi vốn từ người ngoài ngành, hầu như ai cũng mang nỗi sợ phải bảo vệ chén cơm của mình. Không có bước đầu tư tiếp theo, chuyện kiếm tiền làm phim vốn đã khó lại càng khó hơn. 

Một khi nhà đầu tư càng có hiểu biết mảng điện ảnh thì xác xuất thành công càng cao, bởi họ biết giá trị của bộ phim, tránh đổ tiền vào phim xàm xí. Việc của tôi là kêu gọi các nhà đầu tư có kiến thức điện ảnh, thuyết phục họ mình có kinh nghiệm cân bằng giữa sáng tạo và sản xuất mà vẫn bảo đảm được chất lượng bộ phim. Tôi quan niệm làm phim như hình bát quái, trong đó phần âm là sáng tạo và phần dương là sản xuất, 2 phần này không thể tách ra được. Mình phải tính phần dương trước, xem hạn chế của mình là gì, rồi thiết kế phần sáng tạo để nó khớp với hạn chế của mình. Bộ phim kinh dị của tôi dự kiến phát hành vào cuối năm 2025 đã gọi được 70% vốn đầu tư sản xuất bằng cách này.

Đã bao giờ anh cảm thấy mình có một hành trình ngược - người nước ngoài đến Việt Nam làm phim so với rất nhiều người Việt khao khát ra nước ngoài làm nghề?

Tôi cho rằng mỗi người trên đường đời hay sự nghiệp sẽ có một hành trình độc nhất cho riêng mình. Ở Mỹ tôi may mắn sống trong cộng đồng có nhiều người Việt, từ đó tôi tò mò học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa Việt và cảm thấy yêu mến. Đến khi sang Việt Nam sinh sống, tôi nhận ra đây là môi trường tốt để tôi có thể làm rất nhiều việc cho tình yêu điện ảnh của mình. Tôi từng có thời gian hơn 10 năm làm phó đạo diễn cho Charlie Nguyễn, Victor Vũ, làm nhà sản xuất cho phim của Lê Thanh Sơn, viết kịch bản cho Ngô Thanh Vân... trước khi làm đạo diễn và sản xuất cho phim Đêm Tối Rực Rỡ của chính mình.

Còn có điều khác biệt hấp dẫn là ở Việt Nam số tiền chi ra để làm một bộ phim đàng hoàng so với số tiền có thể thu lại khá là tốt. Cũng số tiền đó mang ra nước ngoài thì không làm ra được cái gì cho đàng hoàng. Ví dụ, đầu tư 25 tỉ đồng đã có thể làm một bộ phim chất lượng cao đi ra nước ngoài tranh giải hoặc đem ra rạp bán vé thu về hơn 100 tỉ đồng. Cũng số tiền 1 triệu USD đó đầu tư cho bộ phim ở Hollywood thì chỉ làm ra một phim độc lập hạng xoàng chẳng mấy ai chú ý.

Thái độ phấn chấn này mâu thuẫn với cảm thán của chính anh trước đây: “Trở thành nghệ sĩ đối với tôi là một lời nguyền hơn là một đặc ân”. Vậy nay anh đã thay đổi quan điểm?

Quan điểm đó không hề thay đổi. Tôi vẫn cảm thấy mình bị mắc lời nguyền. Có lẽ vì tôi đặt mục tiêu phục vụ tác phẩm là cao nhất mà tôi không thể nào hạ xuống được. Nếu mục tiêu cao nhất của mình là làm nghệ thuật thì tiền bạc mặc nhiên trở thành thứ yếu. Nghĩa là ở đây mình không thể đặt mục tiêu làm giàu, chỉ là miễn sao phim thu được lợi nhuận. Cái đau khổ là mình lúc nào cũng chăm chăm cho nghệ thuật thay vì tập trung kiếm tiền như một người làm công việc bình thường. Nhưng tôi chấp nhận bản chất này của nghệ sĩ, đó là số phận của tôi.

Sống ở Việt Nam hơn 20 năm, liệu thị hiếu của khán giả Việt có làm khó anh?

Có người nói đùa tôi sống ở đây lâu quá chắc mất gốc Mỹ luôn rồi. Thực sự tôi cảm thấy tâm hồn mình là Việt Nam, tôi hiểu thấu tâm tư, niềm vui, nỗi buồn, mong muốn của người Việt nên không gặp khó khăn gì để nắm bắt được thị hiếu của khán giả Việt, từ đó xây dựng cho bộ phim của mình mang nội dung, tư tưởng và mạch cảm xúc đậm chất Việt. Mọi người xem Đêm Tối Rực Rỡ cũng thấy điều đó. Còn phong cách sáng tạo của tôi mang dấu ấn của văn hóa và thẩm mỹ phương Tây, dù muốn dù không, nó vẫn phảng phất, dễ thấy nhất là thông qua âm nhạc và cách dàn dựng, miễn sao nó hòa quyện vào linh hồn Việt Nam của bộ phim.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày