Người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận vaccine AstraZeneca vào cuối tháng 2
Việt Nam đang chạy đua để sản xuất vaccine COVID-19 của riêng mình, có thể mang lại an ninh y tế và cơ hội xuất khẩu. Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Việt Nam cần 150 triệu liều để đảm bảo người dân được tiêm vaccine COVID-19. Trong bối cảnh đó, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã chấp thuận cho Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu 204.000 liều vaccine COVID-19 AstraZeneca về Việt Nam. Đây sẽ là lô vaccine COVID-19 Astra Zeneca đầu tiên trong số 30 triệu liều mà Việt Nam đặt mua.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định 12/13 tỉnh, thành phố cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế. |
Theo ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, do thủ tục chưa hoàn thiện nên nhà sản xuất thông báo vaccine sẽ về Việt Nam vào ngày 28.2. “Vaccine về nước đúng thời hạn hay không phụ thuộc vào việc hoàn thành các thủ tục từ phía nhà cung cấp và sắp xếp chuyến bay vận chuyển", Thứ trưởng Trương Quốc Cường chia sẻ.
Trước đó, Bộ Y tế đã chính thức cấp phép cho vaccine COVID-19 AstraZeneca của Anh là vaccine đầu tiên được phép lưu hành tại Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Vaccine AstraZeneca là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam. Đây là vaccine do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu và phát triển.
Lô vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca sẽ về Việt Nam vào cuối tháng 2. Ảnh: AFP. |
Vaccine AstraZeneca sử dụng vector virus mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu, chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2. Sau khi tiêm vaccine, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công virus SARS-CoV-2 nếu cơ thể người được tiêm bị nhiễm virus sau đó.
Vaccine AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (2-8 độ C) trong ít nhất 6 tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng cho biết: ngành y tế đã chuẩn bị đủ điều kiện để bảo quản vaccine này theo đúng khuyến cáo từ phía nhà sản xuất. "Thậm chí với vaccine Pfizer cần bảo quản ở -70 độ C, chúng ta cũng có đủ điều kiện để bảo quản", ông Cường khẳng định.
Vaccine AstraZeneca đã được cấp phép có điều kiện hoặc phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp ở gần 50 quốc gia, trải dài trên 4 châu lục bao gồm Liên minh châu Âu, một số quốc gia Mỹ Latinh, Ấn Độ, Moroco và Vương quốc Anh.
Tại Hội nghị Giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 19.2 với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 63 điểm cầu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: quan điểm của Việt Nam là đảm bảo người dân được tiếp cận với vaccine.
Bộ Y tế đã rất khẩn trương phối hợp các tổ chức, đơn vị sản xuất vaccine để đàm phán, có vaccine sớm. Theo đó, trong năm nay, Việt Nam sẽ có 60 triệu liều vaccine từ cả Chương trình Covax và Công ty AstraZeneca.
Theo ông Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược việc nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19 là nhằm sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch. Nhóm người được tiêm vaccine đầu tiên sẽ căn cứ theo Luật truyền nhiễm của Việt Nam và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Việc sử dụng sẽ ưu tiên tiêm cho khu vực có dịch và nguy cơ cao.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết sắp tới, chúng ta sẽ có những điểm tập kết vaccine, phân bố đến các tỉnh. Bộ Y tế cho hay hiện các ổ dịch lớn như Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh cơ bản được kiểm soát. Các ổ dịch khác (Hải Phòng, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang và Gia Lai) không ghi nhận ca mắc trong vòng 7-20 ngày qua.
Có thể bạn quan tâm:
► Sẽ có đủ vaccine cho tất cả mọi người nếu các nước giàu chịu chia sẻ
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư