Những tiến bộ trong điều trị Tim mạch: Từ can thiệp đến dự phòng

Toàn cảnh hội trường.
Hội nghị “Những tiến bộ trong điều trị Tim mạch: Từ can thiệp đến dự phòng” do Bệnh viện FV tổ chức có 638 bác sĩ-chuyên gia đầu ngành tham dự.Sự kiện là diễn đàn khoa học thường niên, uy tín nhằm cập nhật những tiến bộ mới nhất trong điều trị các bệnh lý tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim…
Hội nghị do GS.TS.BS. Đỗ Doãn Lợi - Chủ tịch Hội Suy tim Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai và PGS.TS.BS. Phạm Nguyễn Vinh - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam đồng chủ tọa. Ngoài ra còn có các báo cáo viên khác là chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, Singapore và Malaysia.
![]() |
Các chuyên gia đầu ngành trong phiên tọa đàm |
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cung cấp thông tin về phương pháp chẩn đoán và điều trị rung nhĩ - bệnh lý rối loạn nhịp tim là nguyên nhân gây ra 25% trường hợp đột quỵ. BS Hoàng Quang Minh, Khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện FV giới thiệu kỹ thuật triệt đốt rung nhĩ bằng sóng cao tần kết hợp hệ thống lập bản đồ 3D giúp “sửa lỗi” nhịp tim đang được ứng dụng tại FV.
Can thiệp mạch vành: đột phá từ công nghệ hình ảnh học tới vai trò của sinh lý mạch vành
Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, trong đó bệnh mạch vành là nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim cấp. TS.BS Hồ Minh Tuấn - Trưởng khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp Bệnh viện FV trình bày 2 kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch (IVUS) và Kỹ thuật cắt lớp quang học động mạch vành (OCT). Các tiến bộ hình ảnh học được áp dụng trong điều trị tim mạch tại FV. Nhiều ca bệnh nhân chỉ còn vài % cơ hội sống đã được điều trị hiệu quả nhờ vào việc ứng dụng các kỹ thuật này.
Kỹ thuật IVUS sử dụng đầu dò siêu âm khoảng 60MHz cho chất lượng hình ảnh HD luồn vào trong lòng động mạch vành, nhờ đó, bác sĩ đánh giá chính xác cấu trúc thành động mạch vành và các bệnh lý liên quan cũng như sự thay đổi của lòng mạch trước và sau can thiệp.
Với kỹ thuật cắt lớp quang học động mạch vành (OCT), bác sĩ sẽ đưa vào lòng mạch vành một thiết bị ghi hình siêu nhỏ có phát tia hồng ngoại bước sóng ngắn để ghi nhận hình ảnh lòng mạch. Các hình ảnh cho phép nhìn rõ các cấu trúc trong lòng mạch, bác sĩ xác định được chính xác vị trí cần đặt stent, chọn stent có kích thước phù hợp, giảm nguy cơ tái hẹp.
BS Keh Yann Shan - Chuyên gia can thiệp, Khoa Tim mạch, Trung tâm Tim mạch Quốc gia Singapore có bài trình bày về “Vai trò của sinh lý mạch vành trong quyết định lâm sàng ở bệnh nhân bệnh động mạch vành”. Việc sử dụng các chỉ số sinh lý mạch vành giúp bác sĩ đánh giá và quyết định các phương pháp can thiệp hiệu quả, góp phần cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật còn mới mẻ với các bác sĩ Việt Nam.
"Cuộc cách mạng" điều trị đột quỵ và giải pháp cho nỗi lo tái phát
TS.BS Hồ Minh Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện FV cho biết, đột quỵ có nguy cơ tái phát cao (7-20% ở năm thứ nhất và 16-35% ở năm thứ 5). Các trung tâm tim mạch cần xây dựng chiến lược phòng ngừa đột quỵ tái phát với hệ thống chăm sóc tích hợp gồm: Giáo dục và đánh giá hiệu quả chăm sóc; Điều trị và kiểm soát yếu tố nguy cơ; Dịch vụ sàng lọc và chẩn đoán; Tăng cường tiếp cận và quản lý bệnh nhân.
Ở đề tài này, TS.BS John Chaw Chian Wang, Chuyên gia phẫu thuật mạch máu và nội mạch, Bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore mang đến hội nghị những kiến thức bổ ích về điều trị tiêu sợi huyết và hút huyết khối trong huyết khối tĩnh mạch sâu. Căn bệnh chiếm 2,5% - 5,0% dân số này có nguy cơ gây tử vong do hình thành cục máu đông dẫn tới tim và gây thuyên tắc phổi.
Theo bác sĩ Wang, ngoài dùng thuốc, bệnh nhân có thể được điều trị bằng thủ thuật hút huyết khối tĩnh mạch sâu áp dụng cho các trường hợp cấp tính, có tỷ lệ thành công cao, ngăn ngừa hiệu quả biến chứng tim mạch và thuyên tắc phổi.
TS.BS Lê Tự Phương Thảo, Đơn vị Thần kinh - Khoa Nội, Bệnh viện FV giới thiệu tới hội nghị vai trò của kỹ thuật lấy huyết khối cơ học trong điều trị đột quỵ cấp bằng dụng cụ stent retriever. BS Thảo gọi lấy huyết khối cơ học là cuộc cách mạng trong điều trị đột quỵ, mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân.
FV tiên phong cập nhật kỹ thuật TAVI thế hệ mới
Thay van động mạch chủ qua da (TAVI) là một chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các y bác sĩ trong điều trị hẹp van động mạch chủ.
Theo BS Shargunandass Iynam - Chuyên gia can thiệp tim mạch, Serdang Heart Center, Malaysia, TAVI là thủ thuật xâm lấn tối thiểu đã trở nên thường quy trong điều trị hẹp van động mạch chủ. Bằng một ống thông đi qua mạch máu ở đùi hoặc một đường rạch nhỏ ở ngực, bác sĩ sẽ đưa van nhân tạo tới tim, thay thế cho van động mạch chủ bị tổn thương. “TAVI được chỉ định trong điều trị hẹp van động mạch chủ nặng có triệu chứng, tiến tới có thể mở rộng cho bệnh nhân không triệu chứng. Tương lai TAVI sẽ được chỉ định cho cả bệnh nhân trẻ, đặc biệt với trường hợp van 2 lá”, BS Shargunandass Iynam chia sẻ.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư